Báo chí

Hiện đại hóa hạ tầng và cải tiến mô hình quản trị để phát triển báo điện tử

Bình Minh 09:56 28/07/2025

Với những ưu thế vượt trội về tốc độ, tính linh hoạt và khả năng tương tác, báo điện tử càng cần phải hiện đại hóa hạ tầng công nghệ - kỹ thuật và cải tiến mô hình quản trị trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số.

AI đang từng bước định hình lại cách thức sản xuất thông tin báo điện tử

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có gần 200 cơ quan báo chí điện tử, chưa kể hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có chức năng chia sẻ tin tức.

Theo đánh giá của các chuyên gia về thực trạng báo điện tử hiện nay ở Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh chóng. Các báo điện tử như VnExpress, Tuổi Trẻ Online, Zing News, VietnamPlus... đã tạo được uy tín và lượng độc giả đông đảo. Sự gia tăng về lượng truy cập và tương tác phản ánh nhu cầu lớn của công chúng trong việc tiếp cận thông tin nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, thuật toán gợi ý nội dung và xu hướng báo chí dữ liệu (data journalism) đang từng bước định hình lại cách thức sản xuất và tiếp nhận thông tin.

picture1_20240929121044.jpg
Tòa soạn hội tụ Báo Nhân Dân điện tử. (Ảnh: Thành Đạt)

Tuy nhiên, song hành với sự phát triển đó là hàng loạt vấn đề đáng lo ngại. Thứ nhất là tình trạng “báo hóa” trang tin và mạng xã hội. Nhiều trang tin tổng hợp, không phải cơ quan báo chí nhưng lại hoạt động như báo chính thống, gây nhầm lẫn cho người đọc. Thậm chí, không ít trường hợp lợi dụng danh nghĩa “tin tức” để đăng tải nội dung giật gân, câu view, thiếu kiểm chứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức xã hội và niềm tin của công chúng.

Thứ hai, tin giả, tin sai sự thật lan truyền nhanh. Do đặc trưng lan truyền nhanh và rộng, báo mạng dễ trở thành công cụ để phát tán tin giả nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều phóng viên chạy theo tốc độ, bỏ qua quy trình kiểm chứng, dẫn đến việc thông tin sai lệch xuất hiện ngay trên các nền tảng uy tín.

Thứ ba là sự xói mòn của đạo đức nghề nghiệp. Vẫn còn một số cơ quan báo chí và nhà báo có những biểu hiện chưa nghiêm túc trong quá trình thực hiện Luật Báo chí, làm giảm hiệu quả thông tin báo chí, ảnh hưởng không tốt đến kỷ cương xã hội; một số cơ quan báo chí, nhất là báo chí điện tử đưa thông tin không chính xác, thiếu nhạy cảm về chính trị...

Không chỉ vậy, để thu hút bạn đọc, một số báo, trang thông tin điện tử chạy theo thị hiếu tầm thường, khai thác đời tư cá nhân, những chuyện “câu khách” với những tít bài giật gân, phản cảm, buông lỏng tính định hướng dư luận; coi nhẹ chức năng chính trị tư tưởng của báo chí cách mạng; xa rời tôn chỉ, mục đích.

Báo điện tử ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành lực lượng chủ lực trên không gian mạng trong công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, quá trình phát triển còn bộc lộ nhiều hạn chế cả về kỹ thuật, nhân lực, nội dung, quản trị và tài chính.

Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ - kỹ thuật, cải tiến mô hình quản trị báo điện tử

Tại Hội thảo khoa học quốc gia 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam vừa qua, TS. Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã hiến kế 5 nhóm giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng báo điện tử thời gian tới.

Bên cạnh hai nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu gồm (1) tăng cường quản lý và hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực báo chí - truyền thông, nhất là báo điện tử và (2) nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng của người làm báo, thì nhóm giải pháp thứ (3) về hiện đại hóa hạ tầng công nghệ - kỹ thuật, cải tiến mô hình quản trị báo mạng điện tử được TS. Nguyễn Công Dũng tập trung phân tích.

Theo đó, cần đầu tư đồng bộ hệ thống CMS, bảo mật mạng, sản xuất nội dung số và tòa soạn hội tụ; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), phân tích hành vi bạn đọc; ưu tiên chuyển đổi số toàn diện từ quy trình biên tập đến phát hành.

Các tòa soạn báo điện tử cũng cần thực hiện quy trình làm việc linh hoạt, với khả năng ứng phó nhanh chóng trong bối cảnh tin tức thay đổi liên tục. Đồng thời triển khai mô hình tòa soạn hội tụ - tòa soạn tích hợp, liên kết chặt chẽ các khâu nội dung, công nghệ, phân phối; tăng cường phân tích dữ liệu bạn đọc để tối ưu hóa nội dung và chiến lược xuất bản; ứng dụng công nghệ trong quản trị (số hóa quy trình, đánh giá hiệu quả theo thời gian thực).

Ngoài ra cần có bộ phận chuyên trách về công nghệ số, từ quản trị website đến bảo mật và phân tích dữ liệu. Việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên sử dụng thành thạo công nghệ và phương tiện đa phương tiện cũng rất cần thiết. Phân công công việc cần rõ ràng nhưng cho phép sự sáng tạo và tự do trong công tác biên tập và sản xuất nội dung.

Tiếp đó, nhóm giải pháp thứ (4) cần đổi mới mô hình tài chính và tăng tính tự chủ của báo điện tử. Trước những thách thức lớn của báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng, đặc biệt là sức ép về tài chính, cạnh tranh thông tin, thay đổi hành vi bạn đọc và sự lấn át của các nền tảng số toàn cầu, việc đổi mới mô hình tài chính, tăng tính tự chủ là yêu cầu cấp thiết hiện nay của báo điện tử...

Ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong vận hành tòa soạn (AI, Big Data, CMS hiện đại), nhằm tiết kiệm chi phí, quản trị hiệu quả và phục vụ người đọc tốt hơn. Khuyến khích xã hội hóa có kiểm soát, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức để cùng đầu tư công nghệ, nội dung nhưng giữ vững tôn chỉ mục đích báo chí cách mạng.

Đổi mới tài chính không chỉ là bài toán sống còn mà còn là điều kiện để báo điện tử phát triển bền vững, giữ vững vai trò dẫn dắt, đúng định hướng dư luận xã hội trong môi trường truyền thông số.

Nhóm giải pháp thứ (5) là tăng cường vai trò của độc giả và cộng đồng. Cần phát triển ý thức truyền thông trong cộng đồng, giúp người dân có khả năng phân biệt thông tin chính thống và tin giả, từ đó tạo nên một môi trường tiếp nhận thông tin lành mạnh…

“Báo điện tử là một xu hướng tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và lành mạnh, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị báo chí và cộng đồng xã hội. Chỉ khi giữ được bản sắc, đạo đức và giá trị cốt lõi, báo điện tử mới thực sự phát huy vai trò là “người gác cổng” thông tin, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, minh bạch và tiến bộ”, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa hạ tầng và cải tiến mô hình quản trị để phát triển báo điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO