Hà Nội đẩy nhanh giấy phép mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4

Đỗ Thêu| 24/09/2022 10:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dự án có ý nghĩa quan trọng

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và khu vực ngoại thành. Dự án cũng tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án đoạn đường Vành đai 4 qua địa bàn TP. Hà Nội dài 58,2 km đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Do đó, khối lượng công việc liên quan công tác GPMB, thu hồi đất phục vụ thi công dự án rất lớn.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của cả hệ thống chính trị từ Thành phố (TP) đến cơ sở, sự ủng hộ của tập thể, cá nhân người sử dụng đất khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung: Nghị quyết của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa của dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, đơn vị trong thời gian tới.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án; Vận động nhân dân thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý dân cư, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tiếp công dân, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo và giải quyết, trả lời đúng quy định pháp luật...

7 quận, huyện trên có trách nhiệm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của địa phương; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho đồng chí Bí thư, đồng chí Phó Bí thư, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, các phòng, ban, ngành, các xã, phường nơi có dự án đi qua và huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị.

Trong kế hoạch, mỗi địa phương cần xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, bảo đảm không phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự; giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; Gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án; Định kỳ giao ban kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy; Kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Bổ sung 2.256 tỉ đồng cho GPMB dự án đường vành đai 4

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết về cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố. 

Sau khi cơ cấu lại nguồn vốn, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 không thay đổi là 51.582,952 tỉ đồng. Trong đó, bổ sung 2.256,39 tỉ đồng cho Quỹ Phát triển đất ủy thác qua Quỹ Đầu tư phát triển TP để thực hiện ứng vốn GPMB dự án đường Vành đai 4.

Về tiến độ cụ thể, các quận, huyện có dự án đi qua hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác GPMB trước quý II/2023; các quận, huyện tổ chức bàn giao 60 - 70% diện tích đất đã GPMB xong trước quý III/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý IV/2023.

Ban Thường vụ Thành ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Cán sự đảng UBND TP, Đảng đoàn HĐND TP, Đảng đoàn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua, các Ban Đảng và Văn phòng Thành ủy. Chỉ thị số 16-CT/TU được phổ biến tới Chi bộ thuộc các quận, huyện có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua.

Trước đó, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Ngày 05/7/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2915-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo.

UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 13/7/2022 giao nhiệm vụ triển khai dự án và Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 05/8/2022 giao nhiệm vụ thực hiện bồi thường, GPMB phục vụ triển khai dự án./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy nhanh giấy phép mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO