Hà Nội “khoác áo mới” cho chung cư cũ

Đỗ Thêu| 27/07/2022 12:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ (nhiều nhất cả nước). Chung cư cũ chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, quy mô thường từ 2 - 6 tầng.Những chung cư này hầu như đều trong tình trạng cũ nát, thậm chí là nguy hiểm rất cần các giải pháp xử lý.

Còn nhiều khó khăn

Theo UBND TP Hà Nội, hầu hết các chung cũ đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Do vậy, cần thiết phải kiểm định, đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng lại.

Tại Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 1, UBND TP xác định sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, nhà chung cư nguy hiểm cấp D trong giai đoạn 2021 - 2025 và giao UBND các quận Ba Đình, Đống Đa hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D.

Hà Nội “khoác áo mới” cho chung cư cũ - Ảnh 2.

Một số chung cư có nguy cơ sụp đổ nguy hiểm

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, với nhà chung cư nguy hiểm số 51 Huỳnh Thúc Kháng, UBND quận Đống Đa đã di dời 1 tổ chức, 4/4 hộ dân còn lại đã nhận nhà tạm cư. Với 5 nhà chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn quận Ba Đình (gồm C8 Giảng Võ, G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, Tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây), tổng số có 174 hộ dân phải di dời. Đến nay, UBND quận Ba Đình di dời được 128/174 hộ dân về nhà tạm cư, còn 46 hộ chưa đồng thuận.

Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, các hộ có ý kiến phải lựa chọn được chủ đầu tư và phương án bồi thường mới di dời. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn đang tuyên truyền, vận động các hộ dân để thực hiện dự án.

Trong đề án, UBND TP Hà Nội đã giao UBND các quận Đống Đa, Ba Đình hoàn thành việc di dời các hộ dân ra khỏi chung cư nguy hiểm cấp D. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên một số địa phương chưa hoàn thành theo tiến độ được giao.

Có thể nói việc cải tạo chung cư cũ là một việc làm khó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của nhiều hộ dân. Tuy nhiên với mục đích chỉnh trang đô thị, Hà Nội sẽ quyết tâm cải tạo xây dựng tạo diện mạo mới cho các chung cư cũ.

Áp dụng nhiều giải pháp

Để khắc phục những rào cản, hiện nay, Thành phố đã tổng hợp những nội dung khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ. Theo đó, Hà Nội chia khó khăn thành 06 nhóm, 20 vấn đề về: rà soát, kiểm định chất lượng và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập quy hoạch; lựa chọn chủ đầu tư dự án; giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo lập quỹ nhà tạm cư (nhà ở tạm thời); ưu đãi đầu tư.

Theo đó, UBND Hà Nội thành lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định, ban hành kết luận kiểm định nhà chung cư cũ; ban hành Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; yêu cầu, nội dung kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư phải xác định rõ nhà chung cư không bị hư hỏng hoặc nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ.

UBND thành phố cũng đã giao UBND cấp quận, huyện tiếp tục rà soát, thống kê danh mục, số liệu hiện trạng chung cư cũ trên địa bàn để thiết lập hồ sơ phục vụ công tác quản lý; rà soát, lập Kế hoạch bảo trì, đảm bảo an toàn sử dụng nhà chung cư trên địa bàn theo từng năm; khẩn trương thực hiện di dời các chủ sở hữu ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, gây mất an toàn tại các nhà chung cư cũ trên địa bàn quản lý.

Tiếp đến, ban hành Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời với quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, cơ quan được giao tổ chức lập quy hoạch chi tiết có trách nhiệm chủ trì, khảo sát, xác định phạm vi, ranh giới phần diện tích đất thuộc diện được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất; diện tích hiện trạng căn hộ cũ .

Đồng thời, ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, định kỳ 06 tháng/lần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở kết quả kiểm định nhà chung cư cũ.

Thành lập Tổ công tác của UBND Thành phố để xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố.

Thành lập Hội đồng thẩm định của UBND Thành phố, UBND cấp quận, huyện thành lập Hội đồng thẩm định của địa phương để xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu.

Tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư) để bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Thực hiện chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất... theo quy định của pháp luật./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội “khoác áo mới” cho chung cư cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO