Hà Nội: “Miền đất hứa” cho các nhà đầu tư, tập đoàn lớn
Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, Hà Nội tập trung rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đây là cơ hội lớn, động lực để Hà Nội vươn lên đứng trong top các tỉnh, thành phố thu hút đầu tư FDI và thu nộp ngân sách lớn nhất cả nước. Để có được những thành tích đó, Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mảnh đất lành với các nhà đầu tư
Trong chiến lược duy trì đà phát triển, Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, Hà Nội ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Đồng thời, thành phố tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội không ngừng đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, hướng đến các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Để phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, Hà Nội đã chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Đồng thời, Thủ đô công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.
Xác định rõ mục tiêu hạ tầng phải đi trước một bước, hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,42ha, trong đó, có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang xúc tiến triển khai dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư
Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 2303/UBND-KTN về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm của thành phố; tham mưu các nội dung để lãnh đạo thành phố tham gia các đoàn Trung ương nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng, hiệu quả.
Đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2024 ban hành tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 24/4/2024 của UBND thành phố. Thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, hiệu quả thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
UBND thành phố cũng yêu cầu tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư.
UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của thành phố, báo cáo UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố trong việc thực thi không đúng quy định liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững, đồng hành với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Tính đến hết tháng 6/2024, Hà Nội tiếp tục là địa chỉ
thu hút đầu tư vốn nước ngoài lớn của cả nước. Thành phố đã thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD, 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.