Tạo mọi nguồn lực
Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của những người làm công tác giáo dục mà còn là của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các lực lượng xã hội. Chính vì vậy, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cũng như sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, trong nhiều năm qua, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hà Nội luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục
Trong những năm qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Tiêu biểu phải kể đến quận Ba Đình. Từ một địa phương nhiều năm liền nằm trong nhóm 5 đơn vị có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia thấp nhất thành phố (dưới 60%), từ năm 2020 trở lại đây, số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Ba Đình đã tăng nhanh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, khó khăn lớn nhất của Ba Đình là thiếu quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường học, trong khi đó, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm lại tăng nhanh.
Trước thực tế này, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ quận Ba Đình (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu, xây dựng 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, trên cơ sở rà soát tất cả các trường trên địa bàn, UBND quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa, xây mới, sáp nhập các trường học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Lộ trình, kinh phí, các hạng mục đầu tư, giải pháp cho từng trường cũng được xác định rõ. Đặc biệt, việc dành quỹ đất để mở rộng, xây mới trường học được ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, huyện Gia Lâm là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường, việc phát triển quy mô, xây dựng và mở rộng trường học theo các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia được xác định là mục tiêu, cũng là giải pháp để không chỉ đáp ứng nhu cầu về chỗ học, mà còn nhằm nâng cao chất lượng dạy, học bền vững. Với sự đầu tư tập trung, đến nay toàn huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 95%. Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã góp phần tạo lập môi trường giáo dục đạt chuẩn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Mới đây, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn thành phố phấn đấu có tỷ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia từ 80% đến 85%. Đồng thời, duy trì, giữ vững chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố phấn đấu tăng thêm từ 432 - 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Kế hoạch đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, giải pháp đầu tiên là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu quan trọng trong phát triển GD&ĐT, là giải pháp tiên quyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi chọn...
Một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong kế hoạch gồm: Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học. Đẩy mạnh công tác truyền thông. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Tăng cường huy động các nguồn lực...
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc rà soát, kịp thời bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện khác đáp ứng chuẩn quốc gia đối với các trường học phân cấp quản lý.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã cần có giải pháp bổ sung quỹ đất, phân luồng, phân tuyến tuyển sinh bảo đảm quy mô trường, lớp, số học sinh/lớp, bình quân diện tích đất/học sinh theo quy định để hoàn thành công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2022 và kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025./.