Về nguồn vốn phát triển nhà ở, giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bản thành phố khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030 cũng xác định rõ 6 quan điểm, mục tiêu tổng quát với 9 mục tiêu cụ thể, 2 nhóm chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm với 12 chỉ tiêu cụ thể, 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 66 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó nhiều giải pháp mới phù hợp thực tiễn, tính khả thi cao, thể hiện rõ vai trò nhà nước trong công tác phát triển nhà ở, cũng như điều tiết thị trường bất động sản, việc phân công tổ chức thực hiện cụ thể.
Theo đó, đến năm 2030 diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt 32m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người; Phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; Khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ, trong đó 6 khu có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp).
Nhiều chung cư cũ ở Hà Nội sẽ được cải tạo
Nhà ở theo dự án tại khu vực mở rộng được ưu tiên phát triển, các khu đô thị vệ tinh của thành phố được đẩy mạnh; Phấn đấu 100% dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số; các khu đô thị, khu nhà ở phải bố trí đầy đủ hạ tầng khung (cấp điện, cấp thoát - nước), đáp ứng đầy đủ cơ sở giáo dục công lập, chỗ tập kết rác thải, các điểm nạp sạc điện cho ô tô, xe máy và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường./.