Hà Nội trong tiến trình Chuyển đổi kép xanh và số
Hà Nội là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ lớn nhất của cả nước. Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Hiện nay chuyển đổi kép xanh và số đang trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Chuyển đổi kép xanh và số là việc theo đuổi đồng thời các mục tiêu số hóa và phát triển bền vững, khai thác tối đa lợi ích do quá trình chuyển đổi kép mang lại.
Nhiều nước trên thế giới đã tích cực khai thác các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng tiềm năng của công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số trở thành đòn bẩy cho quá trình chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường. Một số nước đã ban hành các kế hoạch, quy định và ưu đãi nhằm xanh hoá ngành công nghệ thông tin truyền thông. Điển hình như Pháp đánh thuế doanh nghiệp theo mức tiêu thụ điện năng, giảm thuế cho các trung tâm dữ liệu nếu đáp ứng được một số tiêu chí về hiệu quả năng lượng. Trung Quốc ban hành kế hoạch "Dữ liệu phương Đông, điện toán phương Tây" vào năm 2020 nhằm mở rộng năng lực của trung tâm dữ liệu ở miền đông và miền tây Trung Quốc, bao gồm các tiêu chí về hiệu quả năng lượng cho các trung tâm dữ liệu (mức hiệu quả sử dụng điện năng). Hàn Quốc tận dụng công nghệ kỹ thuật số để triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thụy Điển là quốc gia đặt mục tiêu trở thành quốc gia tốt nhất thế giới trong việc tận dụng các khả năng số hóa…
Tại Việt Nam cũng đã theo đuổi đồng thời mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và mục tiêu chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022. Nghị quyết số 18-NQ/TW về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đến nay TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số. Chính quyền số đã được triển khai mạnh mẽ với 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, minh bạch thông qua nền tảng hệ thống dịch vụ trực tuyến. Về kinh tế số, có gần 5.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với năm 2023. Hơn 90% doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh. Kê khai và nộp thuế điện tử đạt 99%. Về xã hội số, gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đã hoạt động tích cực, đưa chuyển đổi số vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giúp người dân nắm bắt và trải nghiệm các dịch vụ số. Hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động đã được đào tạo kỹ năng số cơ bản, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một thế hệ công dân số thông minh. Trong ứng dụng công nghệ số, Hà Nội lựa chọn những việc gắn với người dân, những vấn đề cấp thiết để tập trung giải quyết, đem lại lợi ích cho người dân.
Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị - văn hóa - xã hội của cả nước. Mục tiêu phát triển kinh tế Hà Nội xứng tầm đúng vị thế - tiềm năng của Thủ đô, đúng với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và thông điệp “Yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.
Thủ đô Hà Nội có lịch sử hào hùng nghìn năm văn hiến với hơn 10 triệu dân trong đó có hàng triệu lao động trình độ cao và tốt của các địa phương trên cả nước thường xuyên sống làm việc tại Hà Nội. Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 vừa điều chỉnh, rất chuẩn xác về pháp lý để Hà Nội thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây các chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số Thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô.
Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của TP Hà Nội. Làm gì để hai quá trình chuyển đổi diễn ra đồng thời và có thể hỗ trợ cho nhau là một bài toán nan giải. Từ một số kinh nghiệm quốc tế việc chuyển đổi kép xanh và số đòi hỏi sự tham gia của các bên gồm khu vực công, doanh nghiệp và cộng đồng gồm các tổ chức nghiên cứu, phi chính phủ và người dân trong việc chia sẻ gánh nặng và thách thức trong hành động chống lại biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong đó, khu vực công có vai trò định hướng, khuyến khích lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông và các chủ thể khác sử dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường do quá trình số hóa ngày càng tăng gây ra. Các tổ chức và cộng đồng cần đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tài trợ khí hậu kỹ thuật số để đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số chống lại biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; xây dựng các chính sách hỗ trợ và môi trường pháp luật minh bạch cho hoạt động kinh doanh của các nền tảng số như nhà cung cấp phế liệu, nhà tái chế, đơn vị thu gom..
Hà Nội cũng cần nắm bắt cơ hội do quá trình chuyển đổi kép mang lại bao gồm việc xây dựng năng lực kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng và thể chế cần thiết, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và vượt qua các rào cản tài chính. Các giải pháp lồng ghép chính sách chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, kinh tế số và kinh tế xanh đối với Hà Nội cần được nghiên cứu và ban hành bao gồm việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về lợi ích và thách thức về môi trường đối với phát triển kinh tế số; đẩy nhanh việc hoàn thiện khung thể chế phù hợp với môi trường kinh doanh số; hoàn thiện chính sách tài chính và đầu tư cho chuyển đổi số và tăng trưởng xanh và tính chủ động của doanh nghiệp trong chuyển đổi kép…