Chuyển đổi số

Hải Dương tăng cường chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Đỗ Thêu 15/07/2024 10:07

Xác định chuyển đổi số chính là “chìa khoá vàng” để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương không ngừng kêu gọi, thu hút các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ nhằm hợp tác, đầu tư và phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống.

anh-6.1.jpg
Hải Dương luôn mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp cùng đồng hành, đầu tư, tư vấn giúp tỉnh thực hiện chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo lộ trình phát triển, Hải Dương đặt mục tiêu tới năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP, từng bước hình thành, đồng bộ ba trụ cột gồm: Kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương đã và đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử, trong đó đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…nhằm chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành từ mô hình truyền thống sang môi trường số. Qua đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn rót vốn và khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một điểm sáng của tỉnh Hải Dương đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, ngành nông nghiệp của địa phương đã từng bước “thay da đổi thịt” nhờ chuyển đổi số.

anh-6.2.jpg
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một điểm sáng của tỉnh Hải Dương đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Tiêu biểu như việc ứng dụng các mô hình ứng dụng công nghệ số như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh… đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa, qua đó tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cà rốt, vải thiều Thanh Hà, các sản phẩm OCOP lên các nền tảng số như báo chí điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo đã giúp cho nông sản tiêu thụ khá dễ dàng và vẫn giữ được giá.

Trong sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã sớm ứng dụng chuyển đổi số đem lại lợi nhuận lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Ðiển hình như Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Hải Dương đã ứng dụng tự động hóa hoàn toàn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất hàng nghìn tấn thức ăn mỗi ngày chỉ cần hai kỹ sư vận hành toàn bộ quá trình từ lúc nhập nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Mỗi năm công ty đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng.

Hay trong lĩnh vực y tế, tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai một số ứng dụng như: Quản lý bệnh viện, xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử, đặt lịch khám bệnh trực tuyến… giúp các cơ sở y tế, người dân dễ tiếp cận thông tin, các dịch vụ y tế thuận tiện, dễ dàng.

Ðáng chú ý, công tác số hóa hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối chính quyền theo Ðề án 06 của tỉnh Hải Dương đã hoàn thành. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đồng bộ 100% hồ sơ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công việc trong các cơ quan nhà nước.

Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp đầu ngành công nghệ

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương không ngừng kêu gọi đội ngũ chuyên gia cũng như các doanh nghiệp đầu ngành công nghệ đầu tư, phát triển trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như việc mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã làm việc với Công ty Cổ phần FPT về kết quả hợp tác chuyển đổi số và đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp giáo dục FPT trên địa bàn.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương luôn mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực cao cùng đồng hành, đầu tư, tư vấn giúp tỉnh thực hiện chuyển đổi số để phục vụ người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần FPT về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với 9 nội dung hợp tác. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa Hải Dương và FPT trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên. Lãnh đạo tỉnh khẳng định, Hải Dương luôn tạo điều kiện tốt nhất và mong muốn hợp tác với FPT thực chất, cụ thể hơn nữa trong chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề.

Ông Triệu Thế Hùng đề nghị phía FPT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương của Hải Dương để tìm hiểu vị trí triển khai, lập dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp giáo dục.

Đối với hợp tác chuyển đổi số giữa Hải Dương và FPT, lãnh đạo tỉnh giao các sở, ngành, địa phương rà soát các nhiệm vụ chuyển đổi số, tham vấn ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với tỉnh, trong đó có Công ty Cổ phần FPT để đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, chính quyền điện tử của tỉnh.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT Nguyễn Văn Khoa đề xuất UBND tỉnh Hải Dương xem xét, giới thiệu và chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Tổ hợp giáo dục FPT với diện tích từ 5 đến 10ha và được áp dụng chính sách ưu đãi 100% xã hội hóa cho giáo dục. Lãnh đạo FPT cũng mong muốn Hải Dương ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật kết nối dự án, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng cũng như đẩy nhanh các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Dự kiến sau khi được bàn giao đất, hoàn thiện các thủ tục, Công ty Cổ phần FPT sẽ tiến hành xây dựng và đưa tổ hợp giáo dục vào hoạt động sau 8 tháng. Tổ hợp giáo dục FPT dự kiến xây dựng tại Hải Dương sẽ có các cấp học từ tiểu học đến đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hình thức truyền thống và 9+.

Trong giai đoạn 2024-2025, FPT dự kiến sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; triển khai các giải pháp về an toàn, an ninh thông tin; triển khai các mô hình của Đề án 06 như: FPT.Kiosk thông minh, khảo thí online và nền tảng xác thực căn cước công dân gắn chip FPT.IDCheck; giải pháp số hóa và nền tảng lưu trữ điện tử dùng chung, xây dựng và hình thành kho dữ liệu số cho tỉnh; triển khai hệ thống quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử và hệ thống quản lý hành nghề y tế.

Giai đoạn 2026-2030, FPT phối hợp với Hải Dương triển khai ưu tiên một số nền tảng số dùng chung phục vụ chuyển đổi số và đô thị thông minh như: Không gian đô thị (GIS), internet vạn vật (IoT); các dịch vụ, tiện tích thông minh cho các ngành du lịch, công thương, nội vụ, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông…

Ngoài FPT, trước đó tỉnh Hải Dương còn ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với nhiều doanh nghiệp lớn khác như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT, Tổng công ty viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI, Công ty cổ phần Tập đoàn SAVIS, Công ty cổ phần MISA.

Nhờ những hướng đi đúng đắn, trong vài năm trở lại đây, Hải Dương luôn có chỉ số chuyển đổi số (DTI) đứng trong số 15 tỉnh top đầu cả nước. Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Hải Dương đứng thứ 17 cả nước, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 22 cả nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương tăng cường chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO