Truyền thông

Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển bền vững

Đỗ Thêu 22/06/2024 13:00

Xác định hợp tác quốc tế chính là cánh cửa mở ra cơ hội phát triển bền vững, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã linh hoạt trong các mối quan hệ song phương và đa phương để thu về nhiều kết quả nổi bật.

Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế

Với vai trò là Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, mới đây Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33.

hai-quan-1.jpg
Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì cộng đồng kinh tế ASEAN.

Trong quá trình phát triển, ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn. Có thể kể đến những văn kiện mang tính cột mốc như: Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về thực hiện biểu thuế hài hoà hoá của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về Hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)…

Sự hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN đã mang lại nhiều kết quả nổi bật như, hoàn thiện danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN), hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS)...

Trong đó hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN là hệ thống quản lý quá cảnh hải quan được tự động hóa việc thực hiện các thủ tục hải quan đối với việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua biên giới trong ASEAN bằng phương tiện đường bộ. Thông qua một thủ tục hải quan chung, ACTS cho phép doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tự do qua các Quốc gia thành viên ASEAN.

Ngoài ra, còn có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (AAMRA).

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN (AAMRA) đã được toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN thông qua, ký kết và có hiệu lực từ ngày 19/9/2023. Đây là một trong những sáng kiến nổi bật của ASEAN nhằm hướng đến mục tiêu củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung của các bên tham gia.

Những năm qua, ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến về hợp tác hải quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Theo đó, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, trong đó nổi bật là chiến dịch "Con rồng Mekong".

Chiến dịch được vận hành dưới cơ chế chia sẻ thông tin nghiệp vụ tình báo hải quan (thông tin nóng và thông tin bắt giữ) thông qua việc sử dụng công cụ bảo mật thông tin của Tổ chức Hải quan thế giới - CENCOmm và hệ thống đầu mối liên lạc được chỉ định. Hải quan Việt Nam đóng vai trò là thành viên của nhóm điều phối (OCU) trong toàn bộ Chiến dịch.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan lần thứ 33 được tổ chức trong bối cảnh khu vực ASEAN đang hồi phục đáng kể về thương mại, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư và du lịch. Trong hợp tác hải quan, các đối tác song phương và đa phương tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò của Hải quan ASEAN. Sự khác biệt về trình độ phát triển và hiện đại hóa được rút ngắn bằng lòng tin, tinh thần xây dựng, đồng lòng, ủng hộ và thiện chí của các cơ quan Hải quan ASEAN.

Tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, Hải quan Việt Nam tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác quan trọng trong ASEAN vì mục tiêu xây dựng một cộng đồng gắn kết.

Hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh

Bên cạnh các nước trong khu vực ASEAN, Hải quan Việt Nam còn mở rộng quan hệ hợp tác với Hải quan nhiều quốc gia khác, tiêu biểu phải kể tới Trung Quốc.

Hiện đề án cửa khẩu thông minh đang được UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có dấu ấn rất lớn của lực lượng hải quan.

Cửa khẩu thông minh là việc hai nước Việt Nam - Trung Quốc cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa độc lập, tách biệt với đường vận chuyển hàng hóa hiện nay. Quá trình giao nhận hàng hóa thông qua hình thức vận chuyển không người lái theo tuyến đường cố định 24/7 giữa hai nước. Kết hợp với các thiết bị cẩu container tự động hóa trên cơ sở định hình vệ tinh và công nghệ 5G.

Để thực hiện thành công Đề án, ngành Hải quan đã có những bước đầu tiên nghiên cứu triển khai xây dựng, đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, về mô hình cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, Tổng cục Hải quan đã hai lần tham mưu cho Bộ Tài chính có văn bản tham gia ý kiến với UBND tỉnh Lạng Sơn để hoàn thiện Đề án. Trong đó có nội dung liên quan đến quy trình giao nhận hàng hóa giữa hai bên.

Theo đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn cần có kế hoạch đầu tư trang thiết bị phù hợp cho cơ quan hải quan đóng tại cửa khẩu để đưa vào Đề án, đồng thời nêu rõ những nội dung cần có sự phối hợp, hay cần sửa đổi quy định pháp lý nào để có thể thực hiện được đối với những phần liên quan đến quản lý hải quan.

Bộ Tài chính cũng đề nghị giao Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi với Trung Quốc, thống nhất mô hình vận hành, trao đổi thông tin dữ liệu để rà soát các quy trình, thủ tục hải quan có liên quan.

hai-quan-2.jpg
Hải quan Việt Nam phối hợp, trao đổi kinh nghiệm cùng Hải quan Trung Quốc triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tỉnh Lạng Sơn.

Để cụ thể hóa việc sẵn sàng tham gia cửa khẩu thông minh, dự kiến cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện Đề án kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa làm tiền đề áp dụng mô hình này trong tương lai.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO