Hoàn thiện trung tâm dữ liệu
Trung tâm dữ liệu của tỉnh Hậu Giang là nơi lưu trữ dữ liệu dùng chung, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin và các dịch vụ CNTT toàn Tỉnh, do đó, cần được từng bước đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn. Trung tâm dữ liệu mới của Tỉnh đã đáp ứng được các yêu cầu như:
Nằm trong khu vực giao thông thuận lợi, gần với khu hành chính tỉnh. Vị trí đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn. Phòng, chống các thảm họa thiên nhiên (động đất, lũ lụt...) và cháy nổ.
Có mặt bằng phù hợp tại tầng 1 để đặt hệ thống máy phát, bồn chứa nhiên liệu, điều hòa...
Có nguồn cung cấp điện ổn định, kết nối viễn thông đến các nhà cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, trong năm đầu Trung tâm dữ liệu được tận dụng lại Trung tâm tích hợp dữ liệu sẵn có của Tỉnh và nâng cấp một số hạng mục để đáp ứng nhu cầu hiện tại của tỉnh. Trong giai đoạn sau (năm thứ 2) sẽ tiến hành xây dựng Trung tâm Kỹ thuật an toàn mạng mới đạt tiêu chuẩn quốc tế và tận dụng Trung tâm dữ liệu cũ làm nơi lưu dữ liệu dự phòng cho tỉnh để khi trong trường hợp thảm họa, sự cố xảy ra hệ thống vẫn hoạt động bình thường.
Ngoài ra về việc hoàn thiện đường truyền mạng tốc độ cao, mạng cục bộ, Hậu Giang cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, hoàn thiện đường truyền mạng tốc độ cao, kết nối Trung tâm Tỉnh với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các phòng ban chuyên môn cấp huyện; trụ sở làm việc của cấp xã trên địa bàn Tỉnh bằng đường truyền tốc độ cao để đảm bảo cho các đơn vị khai thác các ứng dụng và các dịch vụ dùng chung được cài đặt tại Trung tâm dữ liệu Tỉnh.
Xây dựng mạng LAN cho các đơn vị chưa có và nâng cấp cho các đơn vị có mạng LAN nhưng thiết bị quá cũ kỹ, lạc hậu, không còn đáp ứng nhu cầu công việc.
Để thực hiện tốt việc triển khai các kế hoạch liên quan đến Chính quyền Điện tử nói riêng và Chương trình Mục tiêu Công nghệ Thông tin giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, tỉnh Hậu Giang đã trang bị hệ thống máy chủ, lưu trữ và sao lưu phục vụ triển khai các ứng dụng của hệ thống Chính quyền điện tử. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, bao gồm: thiết bị (máy tính, máy in…) và các giải pháp an toàn, an ninh thông tin.
Triển khai phần mềm nền tảng và phần mềm ứng dụng
Về phần mềm nền tảng. Hậu Giang đã trang bị các phần mềm lớp giữa (middleware) làm nền tảng phát triển các ứng dụng theo kiến trúc hướng dịch vụ (SOA: Service Oriented Architecture), thuận lợi trong việc tích hợp và tái sử dụng các ứng dụng đang vận hành và dễ dàng liên thông kết nối với các hệ thống do các Bộ, Ngành Trung ương triển khai.
Về việc nâng cấp Cổng thông tin Điện tử. Xây dựng mới Cổng thông tin điện tử của Tỉnh dựa trên công nghệ lõi mã nguồn mở (Liferay Portal) theo khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông để tích hợp 2 cổng con sau và một số hệ thống thông tin khác:
- Cổng Quản lý văn bản tỉnh: là giao diện để cán bộ công chức truy cập vào hệ thống Chính quyền điện tử để sử dụng các ứng dụng tác nghiệp.
- Cổng Dịch vụ công trực tuyến Tỉnh (dựa công nghệ Open CPS): là giao diện để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ra Internet để công dân và doanh nghiệp khai thác sử dụng.
Đẩy mạnh triển khai phần mềm ứng dụng hỗ trợ tác nghiệp. Căn cứ mức độ cần thiết và khả năng triển khai của Tỉnh; trong giai đoạn 2018-2019, Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng, triển khai các ứng dụng nghiệp vụ; thông qua đó sẽ hình thành các CSDL tương ứng. Các hệ thống thông tin và CSDL được chia thành nhóm, phân kỳ triển khai phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, công tác thông tin tuyên truyền
Hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách CNTT Để triển khai thành công Chính quyền điện tử, nguồn nhân lực để quản lý, vận hành các hệ thống thông tin là rất quan trọng. Vì vậy, phải hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo phụ trách và công chức, viên chức chuyên trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo đủ nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ về CNTT.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về chiến lược, tầm nhìn; kỹ năng quản lý CNTT, chính quyền điện tử cho lãnh đạo CNTT các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã. Nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo các cấp về vai trò, vị trí quan trọng của Chính quyền điện tử. Tổ chức đào tạo các kiến thức, kỹ năng để quản trị, điều hành các hệ thống thông tin (hạ tầng, ứng dụng, an ninh, an toàn thông tin…) cho cán bộ chuyên trách CNTT tại các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, Trung tâm dữ liệu, Trung tâm hành chính.
Đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, hướng dẫn những kỹ năng tin học cơ bản và nâng cao đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên máy tính, trên mạng; sử dụng, khai thác hiệu quả chính quyền điện tử.
Tổ chức cho cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, các cán bộ chuyên trách về CNTT của các sở, ngành, địa phương tham quan, khảo sát một số địa phương trong nước và nước ngoài để trao đổi, học tập kinh nghiệm về việc ứng dụng CNTT và triển khai hệ thống Chính quyền điện tử.
Tuyên truyền quảng bá, truyền thông sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp về việc triển khai Chính quyền điện tử của Tỉnh; Đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được truyền thông về Chính quyền điện tử và có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi Chính quyền điện tử.
Các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên cung cấp tin tức, phóng sự …về Chính quyền điện tử nhằm quảng bá, truyền thông đến người dân và doanh nghiệp. Tổ chức giao kết, hợp tác với một số cơ quan, đơn vị truyền thông trong và ngoài nước để quảng bá, truyền thông về xây dựng Chính quyền điện tử Tỉnh. Đưa nội dung về Chính quyền điện tử vào chương trình ngoại khóa về công nghệ thông tin trong các trường học trên địa bàn Tỉnh.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách
Cụ thể hóa và thể chế hóa các chủ trương, chính sách, quy định về ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh, gồm:
- Chuẩn hóa quy trình tác nghiệp tại các cơ quan; Chuẩn hóa các quy định về tạo nguồn thông tin, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị được thuận lợi và an toàn.
- Quy định quản lý các dự án ứng dụng CNTT, sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin trên địa bàn Tỉnh.
- Xây dựng các chính sách về thu hút, chế độ đãi ngộ, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT.
- Tạo các cơ chế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp và dịch vụ CNTT: Hoàn thiện và xây dựng các chính sách ưu đãi trong đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển CNTT, đặc biệt là liên doanh, liên kết phát triển phần mềm. Chính sách chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Khuyến khích các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển CNTT tại Hậu Giang. Xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường CNTT, đặc biệt chú ý đến việc khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT được tạo ra trong tỉnh, trong nước. Tạo hành lang pháp lý để hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến mô hình chính quyền điện tử.