Hệ sinh thái hạ tầng mở khai phóng các doanh nghiệp số

10/05/2019 09:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 9/5/2019, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam 2019 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ đã được tổ chức tại Hà Nội.

Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” do Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một diễn đàn có quy mô quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ, với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm thể hiện sự quyết tâm phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông) phát biểu khai mạc hội nghị: “Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường… câu trả lời chung cho những trăn trở đó là Công nghệ. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Việt Nam chính là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu, sử dụng công nghệ của nhân loại để làm ra giải pháp thay đổi Việt Nam, biến Việt Nam thành nước phát triển. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức diễn đàn cấp quốc gia để công bố chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam: “Make in Vietnam: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để “make in Vietnam”, thay đổi cách tạo ra sản phẩm và thay đổi mô hình kinh doanh, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thịnh vượng và gìn giữ nền hòa bình lâu dài.” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia – “Digital Vietnam”. Bộ TT&TT đề xuất lập Quỹ phát triển công nghệ Việt Nam do người dân quản lý, đề xuất một số giải pháp tạo thách thức cho doanh nghiệp phát triển, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho sản phẩm Việt Nam. “Một đất nước hóa rồng sẽ mất nhiều thập kỷ”, Bộ trưởng nhấn mạnh đây sẽ là quá trình chuyển dịch không ngừng, học hỏi không ngừng, nhưng chúng ta cần phải có niềm tin vào sự thành công của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Mở đầu phiên thảo luận “Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ Thành phố Hà Nội là thành phố đầu tiên trong 63 tỉnh thành đã hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư của 7,9 triệu người dân, phát triển thành công các ứng dụng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội, ứng dụng đỗ xe thông minh iParking, tra cứu úng ngập khi mưa bão, quan trắc môi trường không khí, kết nối các quầy thuốc, y tế trên địa bàn... Thành phố Hà Nội đang xây dựng Trung tâm Điều hành Thông minh và dự kiến hoàn thành năm 2019. Ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ phần lớn những thành quả ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính nêu trên đều được thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam, điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh. Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ vào cuộc mạnh mẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp CNTT trên địa bàn để đẩy nhanh các mục tiêu lớn do Chính phủ giao.

Trả lời các vấn đề nêu trên của Bộ trưởng TT&TT và Chủ tịch Thành phố, ông Nguyễn Trung Chính (Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC) mang đến bài phát biểu “Hệ sinh thái hạ tầng mở khai phóng các doanh nghiệp số”. Với suy nghĩ luôn trăn trở làm thế nào đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, Tập đoàn CMC hiểu rằng chỉ có công nghệ và kết nối tri thức mới có thể giúp Việt Nam tiếp cận nhanh nhất với nền kinh tế số. Những thách thức cho doanh nghiệp & tổ chức trong thế giới số như Tốc độ, Trí tuệ, Năng suất, Kết nối… sẽ được giải quyết bằng một hệ sinh thái mở có tên C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise) mà CMC đã nghiên cứu phát triển trong 3 năm. Với triết lý “mở”, Tập đoàn CMC đã “mở” năng lực công nghệ và tri thức với tất cả các doanh nghiệp khác với mong muốn tất cả cùng tận dụng cơ hội và cùng thành công. CMC cũng đưa ra sáng kiến kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ hãy hướng tới xây dựng Việt Nam thành một “Digital Hub” kết nối dữ liệu của khu vực, tức là 1 trung tâm của khu vực về chuyển đổi - kết nối - lưu trữ - cung cấp dịch vụ số.

Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố phát biểu chỉ đạo kết thúc phiên thảo luận: “Chúng ta đã thấy những thành công bước đầu, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ, Việt Nam thiết kế, sản xuất, ứng dụng thành công – Make in Vietnam. Chính phủ và các Bộ trưởng, cơ quan quản lý có mặt hôm nay cần lắng nghe các kiến nghị, giúp doanh nghiệp thành công hơn. Diễn đàn này nêu khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường, đến năm 2045 Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng, để tiến tới như vậy phải nhờ CMCN 4.0, nhờ khoa học công nghệ, và doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân trong quá trình phát triển đó.” Thủ tướng kêu gọi doanh nhân Việt Nam chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh xây dựng Việt Nam hùng cường. Thủ tướng cũng giao lại cho Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng chiến lược và chương trình hành động phát triển công nghệ để trình Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở pháp lý để tạo thể chế khuyến khích phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Tại phiên thảo luận vào buổi chiều nhằm chia sẻ giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ, ông Lương Tuấn Thành (Giám đốc Công nghệ, Tổng công ty Công nghệ & Giải pháp CMC – CMC TS) đã có bài trình bày về cải thiện an toàn thông tin trong hệ thống Chính phủ và tổ chức. Qua phân tích tình trạng an ninh mạng thế giới và tình hình đầu tư an ninh thông tin tại Việt Nam, ông Lương Tuấn Thành đánh giá an ninh mạng Việt Nam chỉ thuộc mức trung bình ở ASEAN. Ông Thành chỉ ra 3 vấn đề chủ chốt cho hệ thống an ninh gồm: tạo ra hệ thống phòng vệ, chống thất thoát dữ liệu và phục hồi, phản ứng sự cố, trong đó công nghệ không phải là yếu tố cốt lõi mà là con người và quy trình. Tất cả các dịch vụ an ninh an toàn thông tin trên hiện đã có thể được tư vấn và cung cấp bởi công ty CMC Cyber Security (CCS) thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC với những chứng chỉ năng lực quốc tế và kinh nghiệm triển khai thực tiễn ở Việt Nam.

Nhận xét về Diễn đàn Phát triển Công nghệ Quốc gia 2019 nói riêng và những hoạt động xúc tiến gần đây của Chính phủ đối với doanh nghiệp công nghệ nói chung, ông Nguyễn Trung Chính (Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC) đánh giá: “Make in Vietnam” là ý tưởng hay của Bộ Thông tin & Truyền thông. Tập đoàn CMC trong suốt 26 năm qua rất tập trung xây dựng năng lực công nghệ, làm ra những sản phẩm dịch vụ do người Việt Nam phát triển. Nếu có những chương trình mang tầm quốc gia như thế này, sẽ có thêm những khát vọng sản xuất, nghiên cứu phát triển các sản phẩm làm tại Việt Nam, đó là điều rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, “Make in Vietnam” không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mà mục tiêu quan trọng là hội tụ được, thu hút các sản phẩm, dịch vụ công nghệ trên toàn thế giới đến Việt Nam, để xây dựng, giúp đất nước phát triển hùng cường.”

Tuấn Trần

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hệ sinh thái hạ tầng mở khai phóng các doanh nghiệp số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO