Theo thông tin từ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sau khi đã thực hiện các đợt thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên Internet, hầu hết các đối tượng bị thanh, kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế đều không nắm rõ các quy định của pháp luật về việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam.
Theo quy định pháp luật hiện hành, “Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền quốc tế mà tổ chức quốc tế phân bổ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam” (Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013). Cụ thể, Chương III về Đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam tại Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ TT&TT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet thì việc quản lý hồ sơ, thông tin về tên miền quốc tế, thông báo hoạt động, báo cáo đăng ký, duy trì phải báo cáo với Bộ TT&TT. Tức là các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế phải tuân thủ các quy định pháp luật tương tự như các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền “.vn”.
Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Việt Nam hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử chiếm 45% (khoảng 220.000 doanh nghiệp). Tuy nhiên, số lượng chủ thể báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam trên website thongbaotenmien.vn chỉ khoảng 153.228 tên miền. So với con số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động thương mại điện tử thì số lượng chủ thể thông báo tên miền quốc tế còn ít. Nhiều các tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế không tuân thủ các quy định của Bộ TT&TT về sử dụng tên miền quốc tế như không thông báo hoặc thông báo thiếu thông tin, thông tin không chính xác với Bộ TT&TT theo quy định tại Điều 23 Luật Công nghệ thông tin. Mức xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi này theo Điểm a Khoản 1 Điều 41 Nghị định 174/2013/NĐ-CP là từ 5 – 10 triệu đồng.
Đối với hành vi cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế mà không đăng ký hoạt động, không đáp ứng một trong các điều kiện để trở thành nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam thì “án phạt” nặng hơn từ 50-70 triệu đồng theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 41 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Quá trình phối hợp phục vụ cho công tác xử lý vi phạm của các cơ quan cảnh sát điều tra gửi về Bộ TT&TT cho thấy sai phạm đều tập trung vào nhóm chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế. Trong năm 2016, chỉ tính riêng số tên miền do cơ quan cảnh sát điều tra gửi về Bộ TT&TT, đã có hơn 30 trường hợp chủ thể sử dụng tên miền quốc tế có hành vi vi phạm trong khi số lượng tên miền “.vn” có hành vi vi phạm tương tự bị phát hiện chỉ có vài trường hợp. Một số chủ thể sử dụng tên miền quốc tế có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số khác có hành vi vi phạm về việc cung cấp thông tin trên mạng, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hành vi vi phạm bản quyền, ...
Trao đổi tại Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông năm 2016, bà Phạm Đắc Mỵ Trân, Phó chánh Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM cho biết “Trong năm 2017, Thanh tra Sở TT&TT TP. HCM sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trên địa bàn TP. HCM, trong đó đặc biệt chú ý đến hoạt động đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam ”.
Ngoài địa bàn TP HCM, trong thời gian tới, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật liên quan đến tên miền quốc tế sẽ được Bộ TT&TT đẩy mạnh, tăng cường tại địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
(Theo: VNNIC)