Hiệu quả từ việc tăng cường công tác quản lý kinh doanh đa cấp
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết cả nước chỉ còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp đang hoạt động trên thị trường.
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh được pháp luật thừa nhận và cần phải được đăng ký theo quy định. Khi tham gia vào những doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp sẽ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, có ràng buộc pháp lý rõ ràng, được đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp, được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật và được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh tranh chấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Nhằm nâng cao công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã phối hợp với công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp khu vực phía Bắc” tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thời gian qua, ngành bán hàng đa cấp đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp tiếp tục được triển khai trên mọi mặt, từ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, quản lý hội nghị hội thảo, đào tạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo nâng cao ý thức người dân.
Đáng chú ý, sau hơn 2 năm xây dựng, ngày 28/4/2023, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và chính thức có hiệu lực vào ngày 20/6/2023. Việc ra đời của Nghị định đánh dấu những thay đổi quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho hay, công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp được triển khai trở lại sau dịch bệnh Covid-19 và ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp và cảnh báo nâng cao ý thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng, đa cấp không phép được thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng từ trung ương đến địa phương.
Về hoạt động của các doanh nghiệp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, cả nước hiện chỉ còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp đang hoạt động trên thị trường. Tuy số lượng doanh nghiệp giảm, song doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn liên tục tăng trưởng. Năm 2021, doanh thu ngành đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020. Năm 2022, doanh thu ngành đạt 21.110 tỷ đồng, tăng 10,51% so với năm 2021.
“Như vậy, doanh thu toàn ngành bán hàng đa cấp trong 5 năm qua có xu hướng tăng liên tục với tỉ lệ tăng trưởng khá cao. Đóng góp của ngành vào nguồn thuế nộp ngân sách Nhà nước là 2.434 tỷ đồng” - Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.
Dù đạt được kết quả cao, tuy nhiên đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng nhìn nhận, một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định trong việc tuân thủ pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và bị xử phạt qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, trong đó 2 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và công ty TNHH Homeway Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, đại diện các Sở Công Thương phía Bắc, Hiệp hội Bán hàng đa cấp và các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã trao đổi và cùng đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý tại địa phương và những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp.