Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
(Chinhphu.vn) - Thị trường viễn thông đã và đang từng bước hình thành theo đúng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Bộ TT&TT, tổ chức ngày 25/12.
Xin Thứ trưởng cho biết, trong năm 2014, điểm nhấn trong lĩnh vực viễn thông của nước ta là gì?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Năm 2014 có nhiều vấn đề lớn cần giải quyết trong mảng viễn thông. Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà Bộ TT&TT đã chỉ đạo thực hiện là tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam, tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia năm 2020, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là Tập đoàn VNPT, với việc tách Mobifone và tổ chức phần còn lại của Tập đoàn này.
Mục đích của Đề án này là hình thành trên thị trường 3-4 tập đoàn, tổng công ty lớn hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và làm chủ thị trường trong nước, từng bước vươn ra quốc tế. Đề án đã được Chính phủ phê duyệt.
Cũng trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng cấp Công ty thông tin di động VMS thành Tổng Công ty viễn thông Mobifone.
Như vậy, hiện nay trên thị trường viễn thông có 3 tập đoàn, tổng công ty lớn là VNPT, Viettel và Mobifone. Ngoài ra, còn có hàng trăm DN khác cung cấp dịch vụ viễn thông và internet trên cả nước.
Với thực tế trên, có thể khẳng định, thị trường viễn thông đã và đang từng bước hình thành theo đúng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.
Sau thời gian ngắn tái cơ cấu vừa rồi, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Thông qua báo cáo, sau khi tái cơ cấu, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực bưu chính viễn thông đều hoạt động tốt. Ví dụ như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT tiếp tục có tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, thu ngân sách Nhà nước và làm chủ thị trường viễn thông trong nước, cũng như vươn ra quốc tế.
Một ví dụ khác như Tổng Công ty bưu điện Việt Nam - là doanh nghiệp tách từ VNPT, hiện nay, sau 2 năm hoạt động độc lập, Tổng Công ty đã hoàn toàn tự chủ, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng vẫn có lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng.
Đó là thành công của việc tái cơ cấu các DN, trọng tâm là các DN Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông.
Thực trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đang bùng phát trở lại, xin Thứ trưởng cho biết, đây có phải là tồn tại mà ngành viễn thông không xử lý được triệt để?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Sau khi đã hình thành được thị trường viễn thông, thúc đẩy được cạnh tranh, tạo lập được môi trường kinh doanh có hiệu quả… thì nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT là làm sao tạo điều kiện cho các DN viễn thông phát triển bền vững.
Phát triển bền vững ở đây phải được thể hiện ở nhiều tiêu chí như: Cơ sở hạ tầng, mạng lưới phải bao phủ rộng, tốc độ cao, an toàn an ninh thông tin tốt, chất lượng dịch vụ cao hơn, giá cước tiếp tục giảm phù hợp với người dân. Và đây cũng chính là mục tiêu của ngành bưu chính viễn thông trong năm 2015.
Trong đó, việc xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo cũng là vấn đề cần phải giải quyết triệt để nhằm đảm bảo môi trường thông tin liên lạc, môi trường hoạt động của viễn thông được an toàn.
Tin nhắn rác không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của DN, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng. Chính vì vậy, trong năm 2015, Bộ TT&TT cũng sẽ tập trung giải quyết vấn đề này, đẩy mạnh các biện pháp tăng cường quản lý và xử lý vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!