Hộ chiếu sức khoẻ điện tử: Giấy thông hành trong tương lai

Tuấn Trần| 23/08/2021 14:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Dù muốn hay không, một lúc nào đó bạn có thể cần chứng nhận đã tiêm vaccine, và hộ chiếu sức khoẻ điện tử sẽ trợ giúp bạn.

Vietnam Airlines thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe điện tử thông qua ứng dụng IATA Travel Pass.

Đây là thực tế đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, việc đi đến đâu, du lịch hay đi làm, đi máy bay hay xe bus, vào quán bar hay nhà hàng, tham gia một buổi biểu diễn âm nhạc hoặc một trận bóng đá v.v... tất cả đều cần bạn phải chứng minh rằng mình đã được tiêm vaccine.

Tại sao phải cần hộ chiếu sức khỏe điện tử?

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể chứng minh việc đã tiêm vaccine mà không phải mang theo giấy xác nhận của nơi tiêm chủng vaccine Covid-19? Hộ chiếu sức khỏe điện tử - một dạng chứng nhận thông hành kỹ thuật số lưu trên điện thoại đã ra đời và ngày càng trở nên phổ biến.

Kinh nghiệm cho thấy, khi nhu cầu tăng lên, hồ sơ giấy tờ có thể sẽ bị làm giả, giống như trường hợp sử dụng giấy chứng nhận xét nghiệm trong thời gian qua tại Việt Nam là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, hộ chiếu sức khỏe điện tử rất khó có thể làm giả. Với "hộ chiếu sức khỏe điện tử", người dân không chỉ dùng để chứng minh việc đã tiêm chủng Covid-19, mà còn có thể gửi "chứng nhận tiêm chủng điện tử" qua online cho những nơi cần, ví dụ khi mua vé máy bay hoặc xin visa khi đi nước ngoài,... công việc này sẽ nhanh hơn nhiều so với việc phải xác thực bằng giấy.

Việc lưu trữ chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 số còn an toàn hơn so với chứng nhận bằng giấy. Và các bản chứng nhận kỹ thuật số cũng có thể bảo vệ quyền riêng tư, người dùng chỉ phải chuyển những thông tin được yêu cầu, thay vì tất cả các chi tiết về thông tin cá nhân được ghi trên thẻ chứng nhận bằng giấy.

Ngày càng có nhiều cách để lưu trữ hồ sơ tiêm chủng trên smartphone, nhưng hiện chưa có ứng dụng nào dùng chung cho mọi địa điểm, bởi nhiều lý do khác nhau như quyền riêng tư, đảm bảo an ninh và tránh giả mạo... Công nghệ chia sẻ dữ liệu tiêm chủng cá nhân vẫn đang phát triển, và những nơi khác nhau đang đưa ra các quy tắc của riêng họ, những nội dung họ sẽ chấp nhận làm bằng chứng tiêm vaccine Covid-19 của người sử dụng dịch vụ. Đó là lý do thế giới đang có nhiều "hộ chiếu sức khỏe điện tử" khác nhau.

Ở một số nước, "hộ chiếu sức khỏe điện tử" cũng đã xuất hiện những mặt trái, tiêu cực. Nhiều ứng dụng được phát triển nhưng các tính năng liên quan đến tiêm chủng hay phòng chống dịch bệnh không phải là trọng tâm duy nhất, có thể đó là một ứng dụng thu hút quảng cáo, hoặc là công cụ khai thác thông tin cá nhân người dùng v.v... Một số ứng dụng còn yêu cầu người dùng phải trả tiền để được sử dụng. Các ứng dụng được phát triển không cẩn thận cũng dễ bị tin tặc tấn công để lạm dụng dữ liệu riêng từ của người dùng. Trong khi đó các hệ thống "hộ chiếu sức khỏe điện tử" an toàn nhất lại khiến cho người dùng khó sử dụng vì sự phức tạp khi đăng nhập, cùng hướng dẫn chi tiết dài dòng mà người dùng không mấy khi đọc được hết.

Tuy nhiên, với mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19, và chưa biết đến bao giờ dịch bệnh mới được khống chế hoàn toàn, nhiều chuyên ra dự đoán, "hộ chiếu sức khỏe điện tử" sẽ trở thành giấy thông hành để người dân có thể di chuyển đến nhiều địa điểm công cộng, hoặc xuyên quốc gia bởi những ưu điểm và các khả năng kỹ thuật số của nó. Điển hình như vào thời điểm 7/2021 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai "Chứng nhận kỹ thuật số về Covid" (EUDCC). Đây là công cụ được sử dụng và chấp nhận ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU, cho phép công dân EU đi lại an toàn và không có sự phân biệt.

Không chỉ liên minh châu Âu, mà Vương quốc Anh cũng đã triển khai NHS Covid Pass - thông hành kỹ thuật số do cơ quan Y tế Anh cung cấp cho người đã tiêm vaccine hoặc đã có kháng thể vì lây Covid và đã khỏi với mục đích mở rộng phạm vi đi lại ở nước ngoài cho người có NHS Covid Pass. Tại châu Á, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng đang ráo riết tiến hành thử nghiệm áp dụng "hộ chiếu sức khỏe điện tử", "hộ chiếu vaccine" v.v...

"Hộ chiếu sức khỏe điện tử" giấy thông hành trong tương lai

Khác với châu Âu và một số nước khác, Việt Nam chưa công bố một ứng dụng "hộ chiếu sức khỏe điện tử" chính thức, do các cơ quan chứng năng công nhận, hoặc xác nhận nào. Nhưng hiện tại công dân Việt Nam đang có các lựa chọn chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử, để chứng minh việc mình đã tiêm chủng, bao gồm ứng dụng di động dành cho smartphone có tên Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT), hoặc truy cập vào https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/search để tra cứu kết quả tiêm chủng Covid-19. Tại hai công cụ này, người dùng có thể kiểm tra xem ai đó đã được tiêm vaccine hay chưa và tính xác thực là chắc chắn bởi đây là các công cụ do cơ quan chức năng phụ trách tiêm chủng của Chính phủ Việt Nam phát hành.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Việt Nam đang thận trọng xem xét áp dụng "Hộ chiếu sức khỏe điện tử" để mở cửa đón khách quốc tế, khôi phục ngành hàng không, du lịch sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, hồi tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch như đảo Phú Quốc.

Hộ chiếu sức khỏe điện tử nên được tính tới ngay từ bây giờ - Ảnh 2.

Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 trên ứng dụng SSKĐT.

Trong tháng 8, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thực hiện chuyến bay số hiệu VN310 từ Nội Bài đến Narita, Nhật Bản với việc lần đầu tiên hành khách trên chuyến bay này của Vietnam Airlines phải sử dụng ứng dụng IATA Travel Pass (hộ chiếu chiếu sức khỏe điện tử) do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) phát triển và cung cấp. Đây được coi là bước thử nghiệm việc áp dụng "hộ chiếu sức khỏe điện tử" của Vietnam Airlines trên các đường bay quốc tế trong thời gian tới đây. Việc thử nghiệm này đang được tiến hàng đến hết tháng 8 với các đường bay từ Việt Nam đến Tokyo (Nhật Bản). Vietnam Airlines cũng cho biết, hãng sẽ triển khai áp dụng "hộ chiếu sức khỏe điện tử" cho các đường bay từ Việt Nam đến London (Anh quốc) trong tháng 9 tới đây.

Chia sẻ trên trang web của Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, đây có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.

"IATA sẽ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines xuyên suốt quá trình chạy thử nghiệm. Các Chính phủ nên công nhận và cho phép ứng dụng rộng rãi Giải pháp hộ chiếu sức khỏe điện tử như IATA Travel Pass, giúp nhanh chóng khôi phục vận tải hành khách quốc tế thường lệ. Mục tiêu quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn và liền mạch cho tất cả mọi người".

Việc có một "hộ chiếu sức khỏe điện tử" được công nhận rộng rãi cho công dân Việt Nam là điều rất cần thiết nhằm trợ giúp việc đi lại, học tập, du lịch, kinh doanh... của người Việt Nam cũng như người nước ngoài khi đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng vừa thông báo về việc công nhận "hộ chiếu vaccine" của 44 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy việc công nhận lẫn nhau đang ngày một phổ biến. Và một "hộ chiếu sức khỏe điện tử" chính thức của Việt Nam nên được tính đến ngay từ thời điểm này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hộ chiếu sức khoẻ điện tử: Giấy thông hành trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO