Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngày 20/9, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới… dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, NHNN đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ;… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại thông qua việc xây dựng và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay mới, miễn giảm lãi vay...
Ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất - kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Theo Nghị quyết, NHNN được giao hai nhiệm vụ đó là, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại thông qua việc xây dựng và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay mới, miễn giảm lãi vay (đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ mới)… bằng chính khả năng tài chính của mình. Ông Lê Quang Vinh - đại diện Vietcombank cho biết, nhằm kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão, lũ, Vietcombank đã triển khai chính sách giảm tới 0,5% lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 tại các địa phương thuộc khu vực bị ảnh hưởng. Chương trình giảm lãi suất được áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới. Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lên tới 100 tỷ đồng.
Đại diện Agribank (ngân hàng chuyên cho vay lĩnh vực nông nghiệp), ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, khoảng 15.000 khách hàng vay với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng 30.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của bão, lũ lụt; đồng thời giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng với từng mức độ từ 0,5 - 2%. Còn theo ông Đoàn Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BIDV hiện ngân hàng vẫn tiếp tục rà soát thiệt hại. Bám sát chủ trương của Chính phủ và của NHNN, BIDV đã triển khai chương trình hỗ trợ, giảm lãi suất từ 0,5-2% tuỳ theo mức độ thiệt hại của khách hàng, chương trình áp dụng đối với cả nhóm khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, triển khai gói tín dụng mới 60.000 tỷ đồng áp dụng từ ngày hôm nay đến hết năm 2024. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dành trên 30 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội dành để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Nhằm đồng hành và tiếp sức cho khách hàng tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi cơn bão đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả, ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc LPBank cho biết, Ngân hàng dự định cơ cấu nợ, gia hạn thời gian trả lãi, gốc cho khách hàng hiện hữu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ. LPBank sẽ giảm lãi suất cho vay với tổng quy mô dư nợ lên tới 29.700 tỷ đồng. Dự kiến, hơn 63.200 khách hàng tại 26 tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. LPBank cũng áp dụng những chính sách đối với các khách hàng mới, hỗ trợ gói cho vay lên tới 8.000 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm lãi suất cho vay dự kiến lên đến 85 tỷ đồng.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách kịp thời, linh hoạt, tiếp tục bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù cơn bão số 3 gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, phải bảo đảm nguồn vốn cho các lĩnh vực cần đảm bảo sự tăng trưởng, ngành Ngân hàng quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,8%; NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách một cách hợp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong thực hiện triển khai chính sách tín dụng dành cho người dân. NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu, bổ sung những nội dung liên quan như: trích lập dự phòng rủi ro (làm căn cứ cho việc xây dựng cơ chế), giãn, hoãn thời hạn trả nợ (dành riêng cho đối tượng chịu thiệt hại từ cơn bão số 3), để sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó xây dựng Chương trình hành động ngành Ngân hàng để ban hành cho các đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện.
Các tổ chức tín dụng cần bám sát dữ liệu đánh giá của chính quyền địa phương để tiếp tục đánh giá mức thiệt hại, xây dựng báo cáo thống kê xác thực và đầy đủ mọi mặt để báo cáo NHNN; Đồng thời, có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các chi nhánh, phòng giao dịch thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại phổ biến về các chính sách đã và đang xây dựng; Tăng cường công tác truyền thông với sự phối hợp của các cấp lãnh đạo địa phương để thực sự đưa những giải pháp đi vào thực tiễn, hỗ trợ hết sức có thể cho người dân; Nghiên cứu những chính sách giãn, hoãn thời gian trả nợ hợp lý; Thực hiện công tác tham mưu cho địa phương về các phương pháp tín dụng phù hợp với người dân, các quy định, điều kiện vay vốn, bao gồm cả vay tiêu dùng - một khoản vốn nhỏ nhưng thiết yếu để giúp đỡ khách hàng có cơ hội khôi phục kinh tế, dần ổn định lại cuộc sống./.