Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Hải Anh| 25/10/2022 09:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong kinh doanh, nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo về thương mại điện tử đã được tổ chức.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nổi bật trong khu vực

Chuyển đổi số và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử là những chiến lược luôn được quan tâm, chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt là các chính sách về chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thương mại điện tử quốc gia đã được xác định là mũi nhọn góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển, như đã được đề ra trong Quyết định số 645/QĐ-TTg. Cụ thể, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử. Ngoài ra, mức độ phát triển thương mại điện tử giữa các thành phố lớn và các địa phương sẽ được thu hẹp khoảng cách.

Thị trường thương mại điện tử lành mạnh sẽ được xây dựng, trong đó có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở cả trong và ngoài nước sẽ được mở rộng thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử. Nền thương mại điện tử xuyên biên giới cũng sẽ được đẩy mạnh. Chiến lược phát triển thương mại điện tử sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Thương mại điện tử được đánh giá có tiềm năng cao tại Việt Nam, tốc độ phát triển vượt trội trong khu vực. Cụ thể, thương mại điện tử Việt Nam những năm qua luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20%.

Với một dân số luôn sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và tiềm năng thương mại điện tử to lớn, việc khai thác thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm trong nước, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương ... sẽ mang lại nhiều lợi ích. Hơn thế nữa, cách khai thác bài bản, đúng quy trình sẽ tạo tiền đề vững chắc cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng các doanh nghiệp Việt tới các tiêu chuẩn xuất khẩu và cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế.

Mới đây, Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới” đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức. Hội nghị là một trong các hoạt động chuyên sâu nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, song song với đó sẽ phát triển thị trường thương mại điện tử trong nước và hướng tới xuất khẩu. Thông qua Hội nghị, doanh nghiệp cũng sẽ biết cách ứng dụng các giải pháp công nghệ số để từ đó tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối, tiến hành chuyển đổi số và dịch chuyển sang phương thức kinh doanh thương mại điện tử.

Đồng bộ marketing, bán hàng và trải nghiệm khách hàng trên sàn thương mại điện tử

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng tiêu thụ cho các sản phẩm của Việt Nam rất lớn, khi xem xét quy mô dư địa của các thị trường nhập khẩu nước ngoài. Đặc biệt, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ trở thành động lực mới của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới. 

Với các điều kiện thuận lợi và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu ra thế giới, nếu có sản phẩm tốt, phù hợp với người tiêu dùng. Thương mại điện tử cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường, mở cánh cửa mới để các doanh nghiệp bước chân vào các thị trường khó tính, những nơi đang có nhiều rào cản về thủ tục và chi phí. Trong thực tế, có nhiều mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới khác nhau, vì vậy mỗi doanh nghiệp có thể lựa chọn mô hình phù hợp với hoạt động của mình. Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị chuyên đề cùng các đối tác Amazon, Shopee International để chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà nhập khẩu và nhà cung cấp toàn cầu luôn được luôn tạo điều kiện thuận lợi để giao thương trực tuyến với nhau. 

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới - Ảnh 1.

Tiềm năng của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam được đánh giá rất cao

Với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chuyển mình thực hiện các chương trình xây dựng thương hiệu số. Theo chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng như nghiên cứu thị trường, đối thủ và khách hàng mục tiêu, từ đó hiểu rõ vị thế của mình, xác định nền tảng, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển từ hình ảnh doanh nghiệp, nội dung sản phẩm đến việc kết hợp các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu đa nền tảng như mạng xã hội.

Tại Hội nghị, nhiều nội dung hữu ích trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số đã được các chuyên gia, đối tác chia sẻ, giới thiệu. Các doanh nghiệp cũng được tham khảo các vấn đề như chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam; những kinh nghiệm, bài học hướng dẫn kinh doanh và hoạt động thành công trên sàn thương mại điện tử quốc tế; kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trên các nền tảng số; giải pháp quảng bá trên nền tảng số, mạng xã hội tích hợp các giải pháp tài chính số tiếp sức kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, 75% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet thường xuyên. Trong đó, số lượng người dùng Internet tham gia vào quá trình mua sắm trực tuyến là 74,8%. Thói quen mua hàng trực tiếp đã dần dần chuyển sang mua hàng trực tuyến, thói quen này xuất hiện trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 và đã trở thành xu hướng ở thời điểm hiện tại. Nhóm các mặt hàng cả thiết yếu lẫn không thiết yếu tăng trưởng mạnh mẽ trên các nền tảng bán hàng online phổ biến như Shopee, Tiki, Chotot, Lazada…. 

Lựa chọn thương mại điện tử chính là cách để doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị cho cả nhà bán lẻ và khách hàng trong xu thế mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần một công cụ kết nối hiệu quả với khách hàng, bởi hiện nay có rất nhiều công cụ và nền tảng triển khai thương mại điện tử. Doanh nghiệp cần không chỉ giữ chân khách hàng mà còn tạo ra những trải nghiệm mang dấu ấn thương hiệu.

Tiềm năng của thương mại điện tử đối với doanh nghiệp đã được chứng minh. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn cần sự dẫn dắt, hướng dẫn đồng bộ từng bước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bởi vì, triển khai đồng bộ các hoạt động marketing, bán hàng và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng theo đúng đặc trưng thương hiệu trên nền tảng thương mại điện tử chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều không gian để doanh nghiệp có thể sáng tạo và tăng doanh thu bán lẻ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO