Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, kể từ 1/7/2022 mọi tổ chức, cá nhân sẽ phải bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy hiện nay. Để đưa chính sách thuế vào cuộc sống, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai hóa đơn điện tử và đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Việc Tổng cục Thuế triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là bước đi quan trọng của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung trong chuyển đổi số.
Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy
Để triển khai công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, từ ngày 1/7/2022 hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, thay vào đó là áp dụng HĐĐT. Như vậy, về cơ bản toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện HĐĐT (trừ một số trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng điện tử).
Để áp dụng HĐĐT theo quy định của luật, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế từng bước chuyển đổi, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, giúp các doanh nghiệp chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ký quyết định triển khai HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Những địa phương này chiếm tới 70% HĐĐT của cả nước, với khoảng 4 tỷ hóa đơn/năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc áp dụng HĐĐT có ý nghĩa rất quan trọng cho công tác quản lý thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp. Bởi vì, khi thực hiện HĐĐT, các doanh nghiệp có thể đối chiếu, kiểm tra một cách chính xác nhất số thuế mà mình phải nộp và HĐĐT phát hành, tiết giảm chi phí in ấn, bảo quản, lưu giữ hóa đơn của các doanh nghiệp.
“HĐĐT rất thuận lợi và nhanh trong quá trình thực hiện nộp và hoàn thuế. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi trong kiểm tra, kiểm soát, giảm chi phí. Đồng thời, khi phát hành HĐĐT cũng chống được nạn hóa đơn giả và chống hoàn thuế không đúng đối tượng, hay nói cách khác là chống trục lợi thuế” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Áp dụng HĐĐT là một nhiệm vụ trong chuyển đổi số mà Chính phủ đang phát động, đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số của ngành Tài chính một cách nhanh nhất. Việc áp dụng HĐĐT cũng là bước đột phá của ngành Thuế trong việc phát hành, quản lý HĐĐT, là cơ sở để sau này áp dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý HĐĐT.
Bộ Tài chính là cơ quan tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số
Hóa đơn điện tử tác động rất lớn đến chuyển đổi số của đất nước
“Chuyển đổi số ngành Tài chính nói chung và chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng tác động đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế và đời sống xã hội. Do đó, bước chuyển đổi số của ngành Tài chính nói chung và chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng sẽ là động lực lớn, tác động đến chuyển đổi số của đất nước.
Với tầm quan trọng trên đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng có giải pháp giảm chi phí đối với các dịch vụ số, nhất là dịch vụ ký điện tử (dự kiến giảm 20 lần) để doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng trong xã hội chuyển đổi số, thúc đẩy việc triển khai hóa đơn điện tử”. - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Nói về công tác chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của thế giới và Việt Nam. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẩn trương, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể để chủ động và tận dụng tối đa các lợi thế, giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nước ta. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020). Giai đoạn 2021-2025 được nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương.
“Bộ Tài chính là một trong những cơ quan tiên phong, triển khai tích cực chuyển đổi số, thích ứng hiệu quả với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, hỗ trợ đắc lực trong cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính quốc gia. Trong số những lĩnh vực chuyển đổi số quan trọng của Bộ Tài chính phải kể đến lĩnh vực thuế, nhất là đối với HĐĐT. Quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và công nhận tính pháp lý của HĐĐT trong giao dịch dân sự - kinh tế, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được xem là bước đi quan trọng thể hiện quyết tâm trong chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng, áp dụng thành công HĐĐT cũng là một nội dung quan trọng trong Chương trình chuyển đổi quốc gia của Chính phủ, đồng thời, sẽ tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới.
Dồn toàn lực để triển khai thành công hóa đơn điện tử
Theo ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực một số điều Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 20/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã cùng 6 cục Thuế kiện toàn nhân sự đáp ứng yêu cầu triển khai. Cụ thể, đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ thường trực triển khai tại Tổng cục Thuế và 6 tỉnh, thành phố với thành phần tham gia của UBND và các sở, ban ngành địa phương. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố.
Để việc triển khai HĐĐT diễn ra theo đúng lộ trình và mục tiêu đề ra, Tổng cục Thuế đã đưa ra các giải pháp cụ thể sau: Thứ nhất, bám sát các nội dung và kế hoạch triển khai Bộ Tài chính, căn cứ tình hình kinh tế, xã hội và thực tế quản lý tại mỗi địa bàn, Tổng cục Thuế đề nghị UBND lộ trình thực hiện tại địa bàn, trên cơ sở đó cụ thể hoá các các phương án triển khai phù hợp…
Thứ hai, phân công công việc cụ thể đến từng thành viên Ban chỉ đạo và thành viên Tổ thường trực triển khai, kiểm soát tiến độ nhằm đảm bảo kế hoạch triển khai trên toàn địa bàn, kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để tháo gỡ kịp thời.
Thứ ba, tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về chính sách HĐĐT, quy trình quản lý và hệ thống công nghệ thông tin. Tiếp nhận và xử lý các vướng mắc của người nộp thuế, cán bộ thuế và các đơn vị liên quan qua hệ thống điện thoại, email, đường dây nóng hỗ trợ triển khai HĐĐT và các kênh hỗ trợ tương tác dành cho người nộp thuế, cán bộ thuế trên trang thông tin điện tử của ngành Thuế.
Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT để chỉ đạo thực hiện, báo cáo, giao ban tiến độ, trao đổi và xử lý các vướng mắc kịp thời.
Thực hiện thành công HĐĐT là một nội dung quan trọng trong chương trình chuyển đổi quốc gia của Chính phủ, đồng thời sẽ tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, cán bộ, công chức tại cơ quan thuế các cấp quyết tâm, dồn toàn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.