Hoa Kỳ siết chặt quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT

04/11/2015 07:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 22/6/2011, Đạo luật mới có tên gọi "Vi phạm bản quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực CNTT"(gọi tắt là Luật) chính thức có hiệu lực tại Bang Washington, Lousiana – Hoa Kỳ. Đây là một rào cản mới cho hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Luật điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất từ các tổ chức, cá nhân có sử dụng các thiết bị phần cứng hoặc phần mềm thương mại không có bản quyền.

Ông Michael Mudd - Đại diện Liên minh Máy tính, Luân Đôn, Vương quốc Anh – nói về vấn đề bản quyền CNTT khi tham gia thị trường Mỹ
Một vài quy định tương tự đã được ban hành tại một số tiểu bang tại Hoa Kỳ như: Arizona, California, Connecticut… nhưng đối tượng liên quan hầu hết là người tiêu dùng. Đây là lần đầu tiên một Đạo Luật có quy định điều chỉnh trực tiếp tới các doanh nghiệp vi phạm Quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) để sản xuất và phân phối các sản phẩm trên thị trường nội địa Mỹ được thông qua và thực thi.

Luật được ban hành nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng các phần mềm, phần cứng vi phạm bản quyền ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, bằng cách gây sức ép với nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ để yêu cầu các nhà cung cấp các sản phẩm từ nước ngoài chấm dứt việc sử dụng phần cứng, phần mềm bất hợp pháp. Tất cả các sản phẩm được sản xuất trực tiếp từ các phần mềm hay thiết bị vi phạm bản quyền SHTT và các sản phẩm được sản xuất từ tổ chức, cá nhân sử dụng các phần mềm và thiết bị vi phạm bản quyền trong tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm… đều chịu sự điều chỉnh của Luật này. Mặt khác, Luật cũng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất đã mua phần mềm bản quyền nhưng với số lượng không đủ hoặc sử dụng các phần mềm có bản quyền tại các địa điểm không được phép sử dụng.

Theo quy định của Luật, để miễn trách nhiệm, các tổ chức, cá nhân bán sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ phải yêu cầu các nhà sản xuất (bao gồm các nhà xuất khẩu) gửi thư bảo đảm bằng văn bản của các nhà sản xuất cam kết rằng theo hiểu biết của mình các nhà sản xuất không sử dụng các phần mềm không có bản quyền trong quá trình sản xuất ra sản phẩm; Yêu cầu các nhà sản xuất chấm dứt việc sử dụng các phầm mềm không có bản quyền; Chấm dứt hợp đồng nhập khẩu sản phẩm vi phạm. Trong trường hợp này, bên mua sẽ không bị coi là vi phạm hợp đồng đã ký kết và được pháp luật Hoa Kỳ bảo vệ khi chấm dứt hợp đồng.

Theo đạo luật này, hàng hóa của doanh nghiệp có vi phạm về bản quyền sẽ không được bán tại thị trường Mỹ. Hành vi vi phạm bản quyền được xét ở khâu sản xuất trực tiếp lẫn khâu phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm.Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu dệt may, giày, nhựa... khi sử dụng máy tính có cài các phần mềm liên quan đến Windows, Word, Excel (cũng như nhiều phần mềm khác có liên quan trong lĩnh vực sản xuất)... mà không có bản quyền thì sản phẩm sản xuất hoàn chỉnh vẫn bị xem là vi phạm.Nếu đối tác có vi phạm bản quyền, doanh nghiệp Mỹ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhập khẩu mà không bị xem là vi phạm hợp đồng.

Với bộ luật mới này của Mỹ, các công ty Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang thị trường tại một số tiểu bang Hoa Kỳ sẽ phải sử dụng phần mềm hợp pháp, nếu không, các công ty này sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất thị trường và cơ hội kinh doanh. Nó cũng sẽ gây tác động đến các mặt hàng Châu Á xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vì Washington là thị trường lớn thứ hai Hoa Kỳ chuyên nhập khẩu hàng hóa từ Châu Á. Bộ luật này chính là một cơ hội lớn để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ tại những quốc gia có mức độ tuân thủ luật sở hữu trí tuệ thấp.

Sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ mang lại cho nhà xuất sản một lợi thế về giá nhưng không bình đẳng so với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng sản phẩm CNTT hợp pháp. Nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, các tiểu bang này đã cung cấp cho các doanh nghiệp bị bất lợi một phương thức hợp pháp để phục hồi tổn thất và ngăn chặn các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh khi bán sản phẩm của họ mà không sử dụng phần mềm có bản quyền tại các tiểu bang cho đến khi các doanh nghiệp này hoàn toàn chịu tuân thủ theo bộ luật mới.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giá bán sản phẩm thấp là một lợi thế của các nhà xuất khẩu Việt Nam. Bà cũng nói thêm rằng: “Trong cuộc đua nhằm cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp có thể sẽ lựa chọn giữa các việc nhập nguyên liệu giá thành thấp, thuê các lao động không có tay nghề và sử dụng phần cứng, phần mềm CNTTmà không phải trả tiền bản quyền”. Tuy nhiên, về lâu dài, các sản phẩm giá thành thấp sẽ không thể giúp các doanh nghiệp phát triển và tiếp cận với phân khúc thị trường hàng cao cấp nơi các khách hàng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Ngoài ra, việc sử dụng phần cứng, phần mềm không có bản quyền sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam dần mất đi tính cạnh tranh trên các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật, Châu Âu. Bà Hằng cho rằng các cơ quan Chính phủ và các tổ chức quốc tế ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đang tiếp cận các giải pháp CNTT-TT có bản quyền phù hợp cũng như cung cấp thông đến các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp nhằm giúp họ hoàn toàn yên tâm tham gia vào các tổ chức kinh tế toàn cầu.

Ông Đoàn Tử Tích Phước, Phó Trưởng Ban Điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công Thương chia sẻ: “Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của những doanh nghiệp sử dụng CNTT hợp pháp trong tất cả mọi hoạt động kinh doanh của họ.” Ông Tích Phước còn cho biết thêm: “Trên thực tế, các doanh nghiệp tuân thủ đúng luật bản quyền Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định của bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh và còn được hưởng lợi từ bộ luật này trong việc cạnh tranh kinh doanh và nhận được sự ủng hộ trên thị trường quốc tế.”

Hệ thống luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng được chú trọng nhiều hơn trong thời gian gần đây. Việc ban hành bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh sẽ khuyến khích các nhà sản xuất Việt Nam chấp hành tốt hơn luật trong nước nếu họ không muốn phải đối mặt với nguy cơ đánh mất cơ hội trên thị trường Hoa Kỳ. Hơn thế, việc tuân thủ bộ luật mới này và các qui định về luật bản quyền trong nước chính là một hành động thể hiện sự tôn trọng luật sở hữu trí tuệ cũng như thúc đẩy trao đổi thương mại bình đẳng.

Đại diện Liên minh Máy tính, Luân Đôn, Vương quốc Anh, ông Michael Mudd, cho biết: “Các doanh nghiệp có thể chứng tỏ rằng họ quản lý doanh nghiệp và hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình tốt bằng việc tôn trọng luật sở hữu trí tuệ của các nhà phát triển phần mềm và CNTT. Các kỹ sư phần mềm sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để phát triển và cho ra đời các ý tưởng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và cho chính xã hội. Việc tôn trọng luật Sở hữu Trí tuệ cũng giúp Chính phủ Việt Nam đạt được tiến bộ cao hơn trong tầm nhìn CNTT-TT 2020 và đạt mục tiêu trở thành cường quốc về CNTT toàn cầu.”

Các chuyên gia CNTT và chuyên gia luật đều khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nên thực hiện kiểm tra việc sử dụng bản quyền phần mềm tốt hơn để đảm bảo rằng họ đã được cấp phép sử dụng phần mềm hợp pháp và không sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Các chuyên gia tư vấn CNTT có thể thực hiện việc kiểm tra phần mềm cho công ty của mình. Các công ty phần mềm cũng có thể hỗ trợ việc này.

Mạnh Vỹ

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Zalo đã có hơn 17.000 tài khoản chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị tiện ích
    Tính đến hết năm 2024, có tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. ‏
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Hoa Kỳ siết chặt quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO