Chuyển đổi số

Học bạ số: Công cụ quản lý tri thức số

Nhật Minh 14:18 11/06/2024

Học bạ điện tử (học bạ số) có nhiều lợi thế, ưu điểm, giúp cải cách, giảm thủ tục hành chính (TTHC), áp lực hồ sơ, chi phí, tiết kiệm thời gian... từ đó hướng đến nền giáo dục hiện đại, ngày một chất lượng, hiệu quả.

z4771792968295-ae164a66f3de7ef6832408f9a7c1929620240401173130.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: laodongthudo.vn)

Sẽ đánh giá việc thực hiện, triển khai học bạ số

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai học bạ số. Gần đây chính là Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học nhằm thực hiện thử nghiệm về giải pháp kỹ thuật làm căn cứ để triển khai chính thức cho bậc học phổ thông.

Nội dung thí điểm bao gồm: tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin học bạ số, chuyển trường…); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia. Thời gian thí điểm từ tháng 4 đến tháng 6-2024.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&Đ Nguyễn Kim Sơn cho biết, bộ đã ban hành văn bản, xây dựng các mô hình để hướng dẫn các địa phương tổ chức thí điểm thực hiện học bạ số.

Về phía các trường ở nhiều địa phương đã kết nối và báo cáo việc thực hiện học bạ số về Bộ GD&ĐT, dự kiến đến cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn thành. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện học bạ số vào tháng 7/2024”, bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Thí điểm triển khai học bạ số năm 2024

Học bạ số là học bạ được gắn mã số định danh duy nhất xuyên suốt quá trình học tập của học sinh, sẵn sàng về dữ liệu phục vụ triển khai chuyển đổi số học bạ và được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có chữ ký điện tử xác thực của giáo viên và hiệu trưởng, đồng thời có giá trị pháp lý như học bạ giấy, sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan.

Quan trọng hơn, học bạ dễ dàng được tra cứu, xem, đọc, xác thực trực tuyến và không thể sửa, thay đổi được nội dung nếu như khi đã chốt các dữ liệu nhập.

Với những lợi ích to lớn mà học bạ số tạo ra thì đây thực sự là một “công cụ quản lý tri thức số” tiến bộ cần áp dụng. Hiện đã có nhiều đơn vị giáo dục chủ động, thí điểm, chuẩn bị kỹ để triển khai, điển hình như: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng...

Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số. Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số.

Để làm tốt điều này, Hà Nội đã đảm bảo: 100% trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối Internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo; 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số; 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ CNTT để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.

mo-hinh-hoc-ba-so-1566_20240417081111.jpg
Thí điểm cần hạn chế tối đa phát sinh đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giáo viên, phụ huynh, nhà trường.

Cũng như Hà Nội, TP. HCM đã thực hiện áp dụng thực hiện thí điểm sử dụng học bạ số cho toàn bộ học sinh lớp 1 của thành phố năm học 2023-2024. Theo đó, đơn vị, ngành giáo dục thành phố đã sẵn sàng cung cấp về phần mềm; các giải pháp số cho các trường tiểu học (học sinh lớp 1) và đảm bảo tất cả giáo viên tại có chữ ký số, có kiến thức sử dụng học bạ số; đẩy mạnh cá giải pháp bảo trì, bảo lưu và lưu trữ học bạ của học sinh…

Ngoài hai địa phương trên, Hải phòng cũng đã đẩy mạnh việc triển khai học bạ số và các hồ sơ chuyên môn điện tử, sở đã thực hiện Đề án ký số ngành GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu số hóa sổ điểm điện tử, học bạ điện tử của ngành, thực hiện việc cấp chữ ký số cho 99% cán bộ quản lý và 97,6 % cho giáo viên tiểu học trên toàn thành phố; thực hiện tổ chức tập huấn tới 100 % cơ sở giáo dục trên toàn thành phố về việc sử dụng chữ ký số trên học bạ điện tử và các hồ sơ chuyên môn khác.

Sở GD&ĐT Hải phòng cho biết dự kiến thực hiện triển khai học bạ số năm học 2023-2024. Đồng thời, đơn vị phấn đấu: 100% các nhà trường tiểu học trên toàn thành phố sẽ thực hiện ký số trên hệ thống đối với học bạ số của học sinh từ lớp 1 đến lớp 4; thực hiện triển khai đại trà đối với tất cả các lớp tiểu học từ năm học 2024-2025…

Hạn chế tối đa những phát sinh khi thí điểm triển khai

Để thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, một số chuyên gia công nghệ cho rằng, ưu điểm và lợi ích là rất lớn nhưng vẫn có những hạn chế, bất cập, khó khăn. Đó là hiện nay học bạ số chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung thống nhất cho các nhà trường nên chỉ có thể sử dụng, lưu hành, quản lý nội bộ, chưa thể kết nối với những trường đã triển khai…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các đơn vị của bộ GD&ĐT, cần: Nắm bắt, tổng hợp đầy đủ ý kiến của địa phương, kịp thời cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc; tăng cường giám sát, tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện; hạn chế tối đa phát sinh đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giáo viên, phụ huynh, nhà trường.

Đặc biệt, các cơ sở tham gia thí điểm phải chuẩn bị các điều kiện: Máy tính kết nối mạng Internet, phần mềm quản lý nhà trường để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số.

Đồng thời, các sở GD&ĐT cần đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, học sinh phụ huynh về nội dung học bạ số; tăng cường phối hợp với các các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông để triển khai.

Có thể nói, việc hướng đến thay thế học bạ giấy truyền thống sang học bạ số chính là một xu hướng tất yếu, góp phần thực hiện nhiệm vụ CĐS ngành giáo dục ngày một thực chất, bởi lẽ mọi thông tin học sinh được lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, điều này đảm bảo giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Quan trọng hơn đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin, không thể thay đổi khi học bạ đã được phát hành, từ đó tạo sự minh bạch, công khai, bảo vệ công bằng tri thức cho mỗi học sinh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Học bạ số: Công cụ quản lý tri thức số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO