Trên khắp mạng xã hội hiện tại, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những câu chuyện "cười ra nước mắt" phụ huynh chia sẻ về việc học online của con. Lớp nọ nhao nhao không ai nhường ai, cô giáo chỉ hò hét giữ trật tự là hết một tiết học. Lớp khác thì không một tiếng động, cô hỏi không ai trả lời, gọi tên bạn nào cũng kêu mic bị hỏng.
Khi không có phụ huynh kèm cặp sát sao, có những học sinh tắt camera đi ngủ, hoặc xem phim online ngay trong khi cô giảng bài. Có học sinh thì ngồi im chăm chú nghe cô giảng suốt tiết học, nhưng khi bố mẹ hỏi nội dung thì không biết gì. Nhiều phụ huynh chán nản, sẵn sàng tâm thế cho con bỏ qua năm học này, đợi dịch Covid qua đi rồi học gì thì học.
Đánh giá hiệu quả của việc học trực tuyến
Quả thật, để có một lớp học online hiệu quả không hề đơn giản. Nó đòi hỏi một sự đầu tư đồng bộ trên nhiều phương diện: thiết bị và đường truyền, hệ thống quản lý, đào tạo giáo viên, giáo trình và học liệu. Nó khó ngay cả khi nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh có sự chuẩn bị chu đáo.
Trong điều kiện hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bắt buộc cả nền giáo dục phải chuyển đổi số một cách dồn dập và có phần miễn cưỡng, việc học online còn trở nên khó khăn hơn nhiều lần.
Số liệu nghiên cứu cho thấy ở thời điểm hiện tại, với lứa tuổi phổ thông, học trực tuyến vẫn kém hiệu quả hơn học trong lớp học truyền thống. Một báo cáo của McKinsey & Company về những tác động của dịch Covid-19 với giáo dục cho thấy trong kỳ học mùa thu năm 2020, trung bình học sinh Mỹ đạt được 67% lượng kiến thức Toán và 87% lượng kiến thức Văn học so với các học sinh khóa trước đó. Những nghiên cứu của Đại học Brown và Đại học New York với học sinh ở các bang khác nhau của Mỹ đều cho ra kết quả tương tự.
Tôi thấy lạc quan về những số liệu trên. Không thể đòi hỏi học trực tuyến được hiệu quả như học trực tiếp, nhưng hãy nhớ rằng 87% hay 67% đều tốt hơn là 0% nếu trì hoãn không học.
Cần có cái nhìn công bằng hơn về việc học trực tuyến
Hãy nghĩ lại về thời đi học của chúng ta. Tôi nhớ cứ đến cuối giờ học buổi sáng là cả lớp rất mệt, thường xuyên có đứa ngủ gục trên bàn. Có nhiều tiết học tôi chẳng nghe chữ nào cả, cả tiết ngồi suy nghĩ mơ màng. Có những quyển vở bộ môn từ đầu năm đến cuối năm vẫn gần như trắng xóa. Có những tiết học vô cùng ồn ào vô tổ chức, có những tiết học lại hoàn toàn lặng im.
Tôi tin là ai trải qua thời học sinh cũng có những trải nghiệm tương tự. Việc học truyền thống không hề luôn luôn hiệu quả, dù giáo viên có cố đến thế nào. Trong những giờ học dài đằng đẵng, sẽ có lúc học sinh tập trung, có lúc lơ đãng. Có những chủ đề học sinh thích thú và chú ý, có những chủ đề học sinh chỉ "nghe tai nọ bỏ tai kia".
Vì vậy, sự nhốn nháo hay nhiều lúc mất tập trung phụ huynh quan sát thấy ở con em mình trong lúc học trực tuyến có thể phần nào phản ảnh chính tình trạng học của học sinh khi học trực tiếp. Chỉ là giờ đây, học sinh có nhiều tự do hơn, không phải tuân theo quy củ trường lớp, không sợ hãi với các hình phạt, không áp lực từ bạn bè, nên chắc chắn sẽ cần gia đình tham gia đốc thúc, phối hợp với nhà trường trong việc xây dựng nề nếp, kỷ luật học tập cho học sinh.
Nhìn nhận một cách tích cực, học trực tuyến cũng có những lợi ích nhất định so với học kiểu truyền thống. Những than phiền của phụ huynh về việc học trực tuyến cũng chứng tỏ phụ huynh đang nắm rõ được tiến độ và thái độ học tập của con hơn bao giờ hết, từ đó có thể can thiệp hỗ trợ 1-1 hiệu quả. Những phần học sinh không hiểu, học sinh hoàn toàn có thể xem lại bài giảng, ngừng bài giảng, tua bài giảng nhanh hay chậm tùy vào khả năng cá nhân.
Học trực tuyến là một kỹ năng cần thiết cho tương lai sau này
Lượng kiến thức học sinh thu nạp được từ việc học trực tuyến phụ thuộc không chỉ vào nhà trường và giáo viên, mà còn vào kỹ năng học tập trực tuyến của học sinh. Học trực tuyến là một loại kỹ năng. Cũng như các kỹ năng khác, học sinh cần có thời gian tiếp xúc, rèn luyện đủ lâu để thích ứng, hoàn thiện và phát huy hết kỹ năng đó.
Với ảnh hưởng của dịch Covid-19 được dự báo sẽ kéo dài nhiều thập kỷ, các trường Đại học, các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đang tích cực chuyển mình để đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động trong một tương lai bất định.
Học trực tuyến là một trong các giải pháp tiêu biểu. Giờ đây, ai cũng có thể bắt đầu học chương trình Thạc Sỹ của những Đại học danh giá nhất thế giới như University of Chicago hay Massachussets Institute of Technology (Top 5 Đại học Mỹ) bất kỳ lúc nào qua chương trình MasterTrack. Sau khi hoàn thành khóa MasterTrack với kết quả tốt, học viên sẽ được tuyển thẳng vào năm 2 của chương trình Thạc sỹ học trực tiếp tại các trường Đại học này.
Về phía doanh nghiệp, công ty Google vừa cho ra mắt Chương trình Chứng Chỉ Nghề Nghiệp Google (Google Career Certificates Program) hoàn toàn online, gồm những chuyên ngành hot nhất hiện nay. Học viên hoàn thành chương trình có thể đi xin việc tại Google hay các công ty công nghệ hàng đầu mà không nhất thiết cần bằng Đại học chuyên ngành. Ngay ở Việt Nam, vừa qua cũng có trường hợp một em học sinh THPT được tuyển thẳng vào một tập đoàn lớn nhờ hoàn thành khóa học cử nhân của Đại học trực tuyến vào năm lớp 11.
Vì vậy, chúng ta hãy coi những tháng học online này là một cơ hội để học sinh dần làm quen với thế giới học tập và làm việc của tương lai, là một bước khởi động để học sinh Việt Nam tiến sát hơn với những cơ hội học tập và việc làm hàng đầu trên thế giới.
Vẫn còn đó vô vàn những bất cập, khó khăn trong triển khai thực tế, nhưng đừng vì thế mà nản lòng. Hãy chấp nhận khó khăn. Hãy tin rằng nhờ thời gian học trực tuyến này, lứa học sinh hiện tại sẽ có những kỹ năng và cơ hội mà những thế hệ khác khó mà có được.