Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn thông lấy hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học làm nòng cốt

PTL| 21/10/2016 12:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Kế thừa truyền thống hơn 60 năm của Trường Bưu điện, trường Đại học Thông tin Liên lạc và các đơn vị thành viên (với vai trò là tổ chức Nghiên cứu và Đào tạo công lập) sớm hoạt động theo cơ chế tự chủ, Học viện đã và đang trở thành điểm sáng về đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo chất lượng cao và có nhiều đóng góp tích cực cho Ngành Bưu chính Viễn thông - Công nghệ Thông tin của đất nước.

Ngay từ khi thực hiện chiến lược số hóa mạng lưới Viễn thông vào đầu những năm 1990, yêu cầu phát triển về nguồn nhân lực và tiềm lực Khoa học Công nghệ (KHCN) phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trở thành vấn đề cấp bách. Đặc biệt là với ngành Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin vừa là ngành công nghệ cao và luôn thay đổi một cách nhanh chóng, đồng thời là ngành chịu sức ép hội nhập Quốc tế, sức ép cạnh tranh rất cao, cần phải có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và chủ động làm chủ được công nghệ.

Tháng 7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định thành lập Học viện Công nghệ BCVT trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn BCVT Việt Nam) trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị đào tạo - nghiên cứu trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam để thực hiện các mục tiêu: Kết hợp các hoạt động nghiên cứu khoa học với giáo dục - đào tạo để đáp ứng nhanh các yêu cầu thực tiễn của hoạt động sản xuất kinh doanh; Góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu chiến lược của Ngành thông qua việc đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề cho Ngành và cho xã hội; và tạo ra một mô hình mới trong việc huy động nguồn lực (cả kinh tế và môi trường thực tiễn…) từ các doanh nghiệp mạnh của Nhà nước, cho nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và của xã hội.

Từ ngày 1/7/2014, thực hiện Quyết định số 888/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được điều chuyển về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Học viện có trụ sở chính đặt tại Thành phố Hà Nội, có 2 cơ sở đào tạo đặt tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tổ chức đào tạo từ trình độ Cao đẳng tới trình độ Tiến sỹ; có 3 Viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về kỹ thuật công nghệ và kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Học viện có 2 trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thực hiện đào tạo ngắn hạn cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong các lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, quản lý, kinh tế...

Kế thừa truyền thống hơn 60 năm của Trường Bưu điện, trường Đại học Thông tin Liên lạc và các đơn vị thành viên (với vai trò là tổ chức Nghiên cứu và Đào tạo công lập) sớm hoạt động theo cơ chế tự chủ, Học viện đã và đang trở thành điểm sáng về đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo chất lượng cao và có nhiều đóng góp tích cực cho Ngành Bưu chính Viễn thông - Công nghệ Thông tin của đất nước.

Trong hoạt động Giáo dục, Học viện đã xây dựng, duy trì, khẳng định được uy tín và chất lượng trước người học, trước xã hội. Đến nay, đã có hàng vạn cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo tại Học viện với những kiến thức chuyên môn gắn liền với thực tế mạng lưới, đang công tác ở mọi ngành kinh tế xã hội của đất nước và tại nhiều nước trên thế giới. Trong hệ thống các Trường Đại học Việt Nam, Học viện vẫn luôn được đánh giá là một trong các Trường Đại học có uy tín tốt. Mặc dù điểm chuẩn thi vào Học viện vẫn luôn ở mức cao, nhưng sức hút của Học viện với xã hội vẫn luôn được duy trì ổn định. Học viện là đơn vị Nghiên cứu, Đào tạo công lập nhưng ngay từ khi thành lập đã không hưởng Ngân sách Nhà nước. Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam trước đây và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện nay đã luôn quan tâm, hỗ trợ và sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp để thay thế cho nguồn Ngân sách Nhà nước, trực tiếp đầu tư gần nghìn tỷ đồng để phát triển đội ngũ cán bộ, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học cho Học viện. Sau khi Học viện chuyển về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, phát huy hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại phục vụ tốt cho làm việc, đào tạo, học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên, Học viện tiếp tục chủ động khai thác, phát huy được sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước như VNPT, Samsung, MobiFone, Microsoft, … qua đó tạo nên môi trường tốt để Học viện hợp tác, liên kết, cộng tác nhằm liên tục nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết được hoạt động Nghiên cứu, Đào tạo luôn bám sát với thực tiễn của mạng lưới.

Bên cạnh những ngành đào tạo có uy tín, gắn với tên tuổi, hình ảnh của Học viện như ngành Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin… Học viện đã chủ động mở thêm một số ngành đào tạo Sau đại học và Đại học như: ngành Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền dữ liệu, An toàn Thông tin, Truyền thông Đa phương tiện, Công nghệ Đa phương tiện. Trong đó, Ngành Công nghệ Đa phương tiện lần đầu tiên được tổ chức đào tạo tại Việt Nam (chưa có trong mã ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho các ngành, các tổ chức Chính phủ, doanh nghiệp trong tương lai.

Hiện nay, quy mô các hệ đào tạo tại Học viện là trên 18 ngàn sinh viên, học viên.   Khi mở rộng quy mô, Học viện còn không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc xây dựng, chuẩn hóa việc học và thi các học phần Tiếng Anh tại Học viện, đồng thời nghiên cứu, triển khai cải tiến chất  lượng các chương trình đạo tạo theo chuẩn kiểm định quốc tế (AUN). Học viện là trường đại học đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam công bố chuẩn đầu ra đối với hệ đại học chính quy, đây là bước tiến quan trọng trong thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội của Học viện. Học viện tiếp tục nghiên cứu triển khai các ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy, Học viện đã triển khai xây dựng các bài giảng điện tử phục vụ cho công tác đào tạo, trong đó đa số các bài giảng đã được cung cấp trên mạng để tạo điều kiện cho việc tự học, tự nghiên cứu của học viên, sinh viên. Học viện cũng tạo điều kiện cho các giảng viên, nghiên cứu viên tham gia các hội thảo khoa học, công bố, đăng tải các bài báo, báo cáo khoa học trong nước và quốc tế.

Trong lĩnh vực đào tạo ngắn hạn, Học viện là địa chỉ tin cậy trong đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực cho các tổ chức, doanh nghiệp. Hàng năm, Học viện thực hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ cho khoảng 10.000 lượt cán bộ trong các tổ chức và doanh nghiệp ICT của Việt Nam, đồng thời đào tạo cho hàng trăm cán bộ cho các nước bạn Lào, Campuchia, Myanmar… Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và luôn thay đổi rất nhanh, Học viện vừa có Trường Đại học, vừa có các Viện nghiên cứu và lại nằm ngay trong mạng lưới của doanh nghiệp từ những ngày đầu mới thành lập, nên đã tạo ra mô hình gắn kết hữu cơ giữa Đào tạo (trường Đại học), Nghiên cứu khoa học (Các Viện nghiên cứu đầu ngành) và Sản xuất kinh doanh (mạng lưới của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội). Hoạt động nghiên cứu của Học viện được thực hiện bởi các Viện nghiên cứu chuyên ngành với 100% đề tài đều do các tổ chức, doanh nghiệp đặt hàng và kết quả nghiên cứu phải được áp dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực tế mạng lưới, nên hoạt động nghiên cứu của Học viện vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn và luôn theo kịp với các thay đổi của công  nghệ, luôn bám sát được với thực tiễn.

Trong hoạt động nghiên cứu, Học viện đã thực hiện đi tắt đón đầu, bám sát chiến lược khoa học công nghệ của Quốc gia và của Ngành, đưa công nghệ cao vào lĩnh vực Bưu chính Viễn thông (BCVT), Công nghệ Thông tin (CNTT) và trở thành là một trong số ít đơn vị của Việt Nam đi đầu trong làm chủ công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, chế tạo được các sản phẩm về viễn thông và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Học viện còn tổ chức các hoạt động nghiên cứu về chiến lược, quy hoạch phát triển mạng và dịch vụ BCVT, CNTT; Cung cấp các dịch vụ tư vấn về công nghệ, giải pháp và phát triển dịch vụ, thực hiện đo kiểm, tư vấn thẩm định các công trình, dự án BCVT và CNTT cũng như tổ chức nghiên cứu các vấn đề về kinh tế và quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực BCVT và CNTT.

Bên cạnh đó, Học viện cũng luôn tích cực tham gia các chương trình KHCN trọng điểm của quốc gia trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông - Công nghệ thông tin. Kết quả các đề tài do Học viện chủ trì đã và đang góp phần định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Trong đó có những đề tài tiêu biểu như: Đề tài phát triển ICT cho Nông thôn góp phần đưa công nghệ thông tin về vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn; đề tài Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ dịch vụ mạng IP tiếp cận công nghệ Internet thế hệ mới; Đề tài Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tự động hoá tiên tiến để nâng cao hiệu suất sử dụng và chất lượng dịch vụ Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Đề tài Nghiên cứu thiết kế và chế tạo tổng đài đa dịch vụ, chuyển mạch mềm và đưa vào ứng dụng tại các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, đóng góp cho sự phát triển Khoa học Công nghệ phục vụ An ninh Quốc gia.

Học viện đã xây dựng khoảng trên 100 tiêu chuẩn kỹ thuật và trên 50 tiêu chuẩn, định mức về kinh tế Bưu chính Viễn thông, thực hiện hơn 300 công trình về các lĩnh vực như viễn thông nông thôn, mạng thông tin di động, thông tin vệ tinh, mạng máy tính, mạng truyền dẫn, mạng ngoại vi, tiếp đất, chống sét, tích cực tham gia công tác ứng cứu thông tin, phòng chống lụt bão, góp phần đảm bảo an toàn thông tin quản lý điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước trong vùng lụt bão. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng mạng lưới, Học viện đã chủ trì xây dựng phương án và thực hiện đo, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật, đánh giá hiệu năng sử dụng… cho phần lớn các thiết bị Viễn thông, Công nghệ thông tin phức tạp, đa dạng của các nhà cung cấp trên thế giới trước khi đưa vào khai thác chính thức trên mạng lưới Viễn thông Việt Nam. Trong quá trình khai thác, vận hành mạng lưới Viễn thông - Công nghệ thông tin của các nhà mạng, thời gian qua Học viện cũng đã trực tiếp thực hiện hơn 500 đợt đo kiểm chất lượng mạng lưới và đã đề xuất nhiều giải pháp khoa học để nâng cao chất lượng, cũng như khắc phục các sự cố đảm bảo an toàn thông tin cho quốc gia. Với vai trò là đơn vị Nghiên cứu Phát triển tiếp cận trực tiếp với thực tiễn mạng lưới và luôn chủ động kịp thời nắm bắt xu thế phát triển của công nghệ, Học viện đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu có tính sáng tạo cao, vừa theo kịp công nghệ thế giới vừa mang tính đặc thù, tương thích với mạng lưới Viễn thông - Công nghệ Thông tin Việt Nam. Các sản phẩm nghiên cứu của Học viện đã được trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 03 giải Ba giải sáng tạo KHKT Việt Nam VIFOTEC, 5 sản phẩm đoạt Cúp Vàng Công nghệ Thông tin, 2 sản phẩm được Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, 10 sản phẩm được bảo hộ bản quyền…

Xác định các hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng cho sự phát triển, Học viện đã chủ động trao đổi, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng các mô hình liên kết đào tạo với các trường Đại học có uy tín trên thế giới, tiêu biểu như: Đại học bang Arizona, Đại học CSI/CUNY (Hoa Kỳ), Đại học Kỹ thuật Auckland (New Zealand), Đại học Aizu (Nhật Bản), Đại học Viễn thông Xanh-pê-téc-bua (Nga), Đại học Chulanglongkorn (Thái Lan),… Đồng thời, Học viện cũng chú trọng công tác trao đổi sinh viên giữa các quốc gia, tổ chức đón tiếp các đoàn sinh viên đến học tập, làm việc dài hạn và ngắn hạn tại Học viện như tiếp nhận các Lưu học sinh Lào, tiếp đón các Đoàn sinh viên tình nguyện Hàn Quốc,...

Với các kết quả như trên, Học viện đã khẳng định là một trong các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực BCVT và CNTT của Quốc gia, góp phần vào sự nghiệp phát triển Công nghiệp Viễn thông, Công nghiệp Phần mềm trong nước, Từng bước gia tăng hàm lượng làm chủ công nghệ, làm chủ sản phẩm trên thực tiễn mạng lưới BCVT và CNTT của đất nước.

Trên cơ sở những định hướng chiến lược phát triển toàn diện và lâu dài của đất nước sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, những kinh nghiệm học hỏi được từ các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các tiềm năng và điều kiện hiện có, Học viện xác định định hướng phát triển đến năm 2030 là:

- Xây dựng và phát triển Học viện trở thành Trường đại học trọng điểm Quốc gia trong lĩnh vực ICT; Hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Lấy hoạt động Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học làm nòng cốt, thông qua thực hiện gắn kết Nghiên cứu, Đào tạo với thực tiễn Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của xã hội để tạo ra tiềm lực Khoa học công nghệ, làm cơ sở vững chắc cho việc duy trì chất lượng và uy tín của Học viện; Nhanh chóng hội nhập hệ thống đại học và nghiên cứu khoa học trong khu vực và thế giới; Là địa chỉ đầu tư và hợp tác tin cậy, hấp dẫn đối với xã hội và các tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Phát triển Học viện trở thành tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và kinh doanh hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực; Tập trung phát triển các cơ sở Nghiên cứu, Đào tạo, Kinh doanh, Chuyển giao công nghệ chủ lực, mũi nhọn, chất lượng cao của Học viện tại Thủ đô Hà Nội và tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phấn đấu đến năm 2030 các cơ sở này đạt chất lượng và trình độ ngang với khu  vực; Phát triển nhanh các hoạt động đào tạo đáp ứng theo nhu cầu của xã hội thông qua hệ thống các Phân hiệu, các điểm liên kết trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, phát huy vai trò là cơ sở đào tạo Đại học trọng điểm về Công nghệ Thông tin và Truyền thông của đất nước, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế,... để củng cố sự phát triển bền vững, vươn lên tầm cao mới, phát huy tốt cơ chế tự chủ và bám sát định hướng phát triển Học viện của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn thông lấy hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học làm nòng cốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO