Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự họp Nội các chung, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động-Thương binh và Xã hội; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cùng một số quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.
Về phía Thái Lan, có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Tanasak Patimapragorn, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Pridiyathorn Devakula, Phó Thủ tướng phụ trách văn hóa-xã hội Yongyuth Yuthavong, các Bộ trưởng, quan chức cao cấp trong Chính phủ Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Prayut Chan-ocha. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau lễ đón trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm hẹp với Thủ tướng Prayut Chan-ocha; cùng các thành viên Chính phủ hai nước tiến hành cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3, kỳ họp Nội các chung đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 6/2013).
Đưa quan hệ hợp tác hai nước phát triển toàn diện, thực chất
Tại cuộc hội đàm và họp Nội các chung, hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển của mỗi nước.
Thủ tướng Prayut Chan-ocha đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, đồng thời bày tỏ mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn.
“Quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam rất tốt đẹp và gần gũi. Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan và cũng là đối tác duy nhất trong ASEAN có cơ chế họp Nội các chung với Thái Lan”, Thủ tướng Prayut Chan-ocha nói.
Cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Thái Lan đạt được trong công cuộc xây dựng đất nước Thái Lan thịnh vượng và hiện đại, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên tinh thần Đối tác chiến lược với Thái Lan, ủng hộ Thái Lan có vai trò và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
“Trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã cùng tiến hành rà soát, đánh giá và nhất trí rằng quan hệ hợp tác hai nước trong thời gian qua ngày càng phát triển hiệu quả, sâu rộng và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã thống nhất đề ra những định hướng hợp tác lớn trong thời gian tới theo hướng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan, hướng tới thập kỷ thứ 5 trong quan hệ song phương”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Định hướng hợp tác Việt Nam-Thái Lan
Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ tinh thần đối tác chiến lược với hiệu quả và tầm quan trọng ngày càng tăng của các nội dung hợp tác.
Trên cơ sở đó, hai Thủ tướng đã thống nhất đề ra những định hướng hợp tác lớn trong thời gian tới nhằm làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan, hướng tới thập kỷ thứ 5 trong quan hệ song phương.
Về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp; thực hiện tốt Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018; phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác như họp Nội các chung, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương (JCBC), họp hẹp cấp Ngoại trưởng, Nhóm Công tác chung về hợp tác Chính trị-An ninh (JWG/PSC); phối hợp chặt chẽ trong tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2016).
Về quốc phòng và an ninh, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương; sớm thiết lập và triển khai hoạt động các Cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bí thư Thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, Cơ chế đối thoại an ninh cấp cao giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, cũng như thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này như Hiệp định dẫn độ tội phạm. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc cam kết không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia.
Về kinh tế, trên cơ sở những thành tựu hợp tác ngày càng đa dạng, hiệu quả, trong đó có việc Thái Lan nằm trong số 10 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong các nước ASEAN, hai nước nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2020.
Hai bên nhất trí tăng cường đầu tư vào các ngành Thái Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là du lịch biển, công nghiệp dệt may, da giầy; sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí chế tạo, hóa chất, nguyên vật liệu. Nhất trí tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác khác nhưlao động, văn hóa, thể thao, giáo dục, thủy sản, khoa học công nghệ và kết nối; trong đó có việc phối hợp mở dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định giữa hai nước, cũng như về hợp tác vận tải biển ven bờ giữa Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để bảo đảm cho ngư dân hai nước không vi phạm trong đánh bắt hải sản, đồng thời phối hợp giải quyết các vi phạm của ngư dân trên tinh thần hữu nghị, hợp tác. Nhất trí tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước, cũng như đẩy mạnh giao lưu nhân dân thông qua việc phát huy vai trò của Hội Hữu nghị Việt Nam-Thái Lan và Hội Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam.
Hai Thủ tướng họp báo sau cuộc họp Nội các chung. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chia sẻ mối quan tâm về tình hình khu vực Đông Nam Á
Hai Thủ tướng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai bên khẳng định lại quan điểm đã được nêu trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 tại Kuala Lumpur, Malaysia (tháng 4/2015); khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn tiếp theo, đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Hai bên cũng chia sẻ quan ngại về diễn biến gần đây tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến sự tin cậy và lòng tin cũng như hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
“Hai bên tái khẳng định quan điểm về vấn đề Biển Đông như đã được nêu trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN 26. Hai bên cũng chia sẻ quan ngại về diễn biến gần đây tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến sự tin cậy và lòng tin cũng như hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Thành viên Nội các hai nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp sự khác biệt và tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); đề nghị tăng cường đối thoại và tham vấn để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại cuộc họp báo sau cuộc họp Nội các chung.
Thủ tướng Prayut Chan-ocha nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thảo luận một cách toàn diện nội dung hợp tác giữa hai nước, cả chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội, lao động, giáo dục, dạy nghề đến hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Chúng tôi đã tìm ra phương thức và biện pháp mới để thúc đẩy hợp tác nhằm đem lại lợi ích chung cho cả hai nước. Hôm nay, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta có vai trò đối với quan hệ của hai đất nước cũng như vai trò đối với khu vực và thế giới. Chúng ta là những người bạn và hứa sẽ cùng nhau phấn đấu và không bỏ bạn của mình”.
Kết thúc cuộc họp, hai Thủ tướng cùng chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, gồm: Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3; Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động; Thỏa thuận về tuyển dụng lao động; Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa tỉnh Long An (Việt Nam) và tỉnh Trat (Thái Lan); Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan).
Lễ ký Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hai bên cũng đã ra Thông cáo báo chí chung về kết quả cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3.