Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2017

Xuân Lộc| 19/01/2017 09:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiều ngày 18/01/2017, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên TW Đảng: Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW; Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Viêt Nam; Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW; các đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW; Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành TW. Tham dự có hơn 650 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý; cơ quan chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc TW; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo các Sở TT&TT và lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí TW và địa phương trên phạm vi toàn quốc.

20170118-l160.jpg

Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cảm ơn báo giới đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ và cả nước, góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc thông tin vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương và các chương trình của Chính phủ, hoạt động báo chí góp phần đắc lực vào việc phản biện, xây dựng chính sách tạo bước tiến rất rõ rệt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng, sự chỉ đạo của Chính phủ về một số vấn đề liên quan tới người dân như: y tế, vệ sinh thực phẩm, đổi mới giáo dục... nếu không có sự tuyên truyền, đặc biệt là phản biện góp ý xây dựng chính sách của báo chí thì Chính phủ và các Bộ, ngành không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đồng thời chia sẻ với những thách thức của báo chí đang phải đối mặt, đó là vấn đề bao cấp, thu nhập của cán bộ, phóng viên và người lao động trong các cơ quan báo chí.... Cho dù báo chí không đơn thuần chạy theo tính thương mại, nhưng phải dành tâm lực lớn để lo kinh tế phát triển đời sống của người làm báo được nâng lên. Thực tế hiện nay cho thấy, báo chí với sự tham gia của các hình thức như mạng xã hội, báo đài của nước ngoài, bởi vậy, đội ngũ những người làm báo nước ta phải vào cuộc cạnh tranh thông tin lớn hơn, đặt ra thách thức lớn cho làng báo, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Cũng trong năm vừa qua, việc cung cấp thông tin cho báo chí của Chính phủ và các bộ đã có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan của Chính phủ phải thích ứng dần với sự thay đổi của thông tin, đặc biệt trong việc xử lý các sự cố, khủng hoảng truyền thông, trước sức lan tỏa của mạng xã hội. Một mặt phải chủ động tăng cường cung cấp thông tin đến mỗi cán bộ trong các cơ quan hành chính, kể cả trong các doanh nghiệp, mặt khác phải trang bị kỹ năng xử lý sự cố thông tin một cách chủ động, hợp quy luật.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, Chính phủ cùng Ban Tuyên giáo TW sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, không chỉ đơn thuần xử lý vi phạm mà còn tạo môi trường cho báo chí phát triển thuận lợi hơn, đúng hơn, lành mạnh hơn. Trong đó, tăng cường quản lý về bản quyền để bảo vệ quyền hợp pháp của các cơ quan báo chí; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của từng nhà báo. Phó Thủ tướng mong muốn Ban Tuyên giáo TW và các cơ quan báo chí phối hợp với Chính phủ để công tác quản lý nhà nước về báo chí được tốt hơn trong thời gian tới.

20170118-l170.jpg

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng đã biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của báo giới trong năm 2016 vừa qua. Đồng thời, Trưởng Ban Tuyên giáo TW đã nêu một số thách thức đối với báo chí cần phải chú ý trong năm 2017:

Hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ với nền tảng công nghệ số hóa, dẫn tới công nghệ truyền tin, chia sẻ thông tin tác động lớn đến hoạt động tác nghiệp của người làm báo. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, thậm chí đi ngược lại xu hướng truyền thống. Trong bối cảnh ấy, nếu đội ngũ phóng viên không cập nhật kiến thức kỹ năng phương thức làm báo, trau dồi bản lĩnh chính trị thì sẽ tụt hậu không đáp ứng yêu cầu. Một số nhà báo có kiến thức dưới mức trung bình kiến thức của xã hội, như vậy làm sao khai sáng, dẫn dắt, định hướng, có sản phẩm hay, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu vấn đề tại Hội nghị

Mặt khác, sự tác động rất sâu của doanh nghiệp và lợi ích nhóm đối với báo chí đang làm biến dạng nền báo chí cách mạng. Đây là thách thức rất lớn. Do vậy, báo chí cách mạng phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên, bảo vệ lẽ phải, giữ vững cốt cách của nền báo chí cách mạng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng dẫn chứng: Vụ nước mắm vừa qua là chuyện rất nhỏ trong chuyện xâm nhập lợi ích nhóm của doanh nghiệp vào báo chí. Trên thực tế có những vụ nghiêm trọng nhưng không đủ bằng chứng để xử lý. Điều này đặt ra cho cơ quan chủ quản và báo chí phải rà soát đội ngũ của mình.

Mặt khác, sự biểu hiện "tự diễn biến",  "tự chuyển hóa" trong chính đội ngũ người làm báo cũng là vấn đề cần phải chỉ rõ. Gần đây bộc lộ tình trạng nhiều nhà báo sống hai mặt. Một mặt là nhà báo viết bài báo rất hay, một mặt là facebook viết những lời lẽ xấu xí, chửi thề hết người này đến người khác... Hiện xu hướng báo giấy sẽ giảm, báo mạng sẽ lên ngôi, khoa học công nghệ và các hình thức báo sẽ lên ngôi trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Bạn đọc, người nghe, người xem sẽ từ từ tìm kiếm thông tin trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, do đó báo chí chúng ta phải tìm cách tiếp cận. Vấn đề kinh tế báo chí, truyền thông cũng là vấn đề lớn cần lưu tâm, hiện nhiều hãng truyền thông, công ty ở nước ngoài chi phối báo và hưởng lợi, còn trong nước hưởng lợi không được bao nhiêu, Trưởng Ban Tuyên giáo TW nêu ra những thách thức đối với báo chí tại Hội nghị.

Trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan định hướng, quản lý báo chí cần tập trung làm tốt một số việc trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền để cổ vũ cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và các Nghị quyết của TW, của Quốc hội, Chính phủ. Coi trọng việc phát hiện, cổ vũ, động viên các điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phê phán tiêu cực, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; chống lợi ích nhóm, tạo diễn đàn để các tầng lớp nhân dân hiến kế để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng.

Thứ hai, tiếp tục phát huy kết quả năm 2016 để tạo bước chuyển biến lớn trong năm 2017, kịp thời thống nhất trong chỉ đạo và định hướng thông tin theo nguyên tắc chỉ đạo thông tin của Đảng và các văn bản của Đảng về vấn đề này trên phạm vi toàn quốc, Ban Tuyên giáo Trung ương chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo Trung ương. Ở các tỉnh, thành là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch báo chí theo tinh thần quy hoạch để phát triển; Rà soát, xem xét xử lý cho đầy đủ, thỏa đáng vấn đề các trang tin điện tử, các báo điện tử theo đúng quy định.

Thứ tư, tránh sự dẫn dắt của các công ty truyền thông nước ngoài đối với vấn đề lợi dụng quảng cáo.

Thứ năm, cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn của người làm báo. Trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, Hội Nhà báo. Triển khai quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo, động viên người làm báo rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn.

20170118-l180.jpg

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Hội nghị đã nghe Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác báo chí năm 2017.

Theo đó, hiện cả nước có 859 tờ báo, tạp chí in (tăng 02 tờ so với năm 2015), trong đó có 199 báo (báo TW có 86 báo, địa phương có 113 báo); 660 Tạp chí (TW có 523 tờ, địa phương có 137 tờ).

Về báo chí điện tử, cả nước có 135 báo, tạp chí điện tử (tăng 30 báo, tạp chí điện tử so với năm 2015 (năm 2015 là 105 tờ), chủ yếu là báo điện tử của các cơ quan báo chí in. Trong đó có 112 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 23 báo, tạp chí điện tử độc lập. Ngoài ra, cả nước có 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép (tăng 10 trang thông tin điện tử tổng hợp so với năm 2015.

Về phát thanh, truyền hình: Hiện cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình TW và địa phương, bao gồm 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương (riêng TP.Hồ Chí Minh có hai đài: Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh). Tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 268 kênh; số lượng kênh nước ngoài cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền là 47 kênh (tăng 7 kênh so với năm 2015);…

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, trong năm 2016, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

20170118-l130.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trong đó, nổi bật là báo chí đã tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả, góp phần vào thành công tốt đẹp của Đại hội XII của Đảng; cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tích cực tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết Hội nghị TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thông tin toàn diện về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của đất nước; triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 11/5/2016 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Nhiều cơ quan báo chí tiếp tục phát huy tính năng động, tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và thành tựu đổi mới của đất nước với bạn bè quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tích là chủ đạo, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm như: Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng; thông tin phiến diện, không cân bằng chưa được khắc phục triệt để; tình trạng đăng tải quá nhiều tin tiêu cực, giật gân, câu khách, trái thuần phong mỹ tục… trên các ấn phẩm phụ, số chuyên đề của một số báo in và các trang tin điện tử tổng hợp vẫn tiếp diễn, gây phản cảm đối với người đọc; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp với định hướng thông tin; vi phạm quảng cáo; vi phạm về bản quyền trên báo chí; vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật có thể gây mất lòng tin của nhân dân đối với báo chí, ảnh hưởng xấu đến uy tín của những người làm báo chân chính…

Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen cho 20 tác phẩm, chuyên đề, chuyên mục báo chí có chất lượng tốt trong tuyên truyền các chủ đề: biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; xây dựng Đảng; đấu tranh phòng, chống “”diễn biến hòa bình””, phòng chống tiêu cực, tham nhũng…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO