Tại Hội nghị, đại diện Cục ATTT, Bộ TT&TT cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó, vấn đề phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đặt ra đóng vai trò then chốt, quyết định.
Năm nay là năm thứ 3 triển khai Đề án 99 đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Bộ TT&TT sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ sơ kết tình hình thực hiện Đề án đến hết năm 2017.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải thu hút đầu vào chất lượng cao. Do đó, nhiệm vụ xương sống của Đề án 99 là tạo hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi cho các cán bộ làm ATTT trong cơ quan nhà nước. Cho đến nay, đã có 8 cơ sở đào tạo trọng điểm được phê duyệt chủ trương mỗi trường có 1 đề án nâng cấp cơ sở vật chất: 4 cơ sở đã làm được được, 4 cơ sở đang gặp khó khăn.
Tại Hội nghị, đại diện Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết, Học viện đà hoàn thành đề án đầu tư và kết thúc vào năm 2016. Hệ thống máy chủ, các phòng thực hành đã giúp học viên thuận lợi trong học tập. Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã đào tạo được 650 kỹ sư, 100 thạc sĩ ATTT; về đào tạo ngắn hạn, từ 2015 đến nay, đào tạo 50 – 60 lớp cho học viên cơ yếu, khoảng 700 lượt cán bộ.
Toàn cảnh Hội nghị.
Đại diện Đại học CNTT, Đại học Quốc gia TP. HCM đã tuyển 100 sinh viên học ATTT, chia thành 2 lớp tài năng. Đến nay, đã có 2 khóa tốt nghiệp và đều có việc làm. Chương trình giảng dạy được thiết kế cho sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp từ năm thứ 3. Phần lớn các sinh viên sau khi kết thúc thực tập đều được doanh nghiệp tạo điều kiện ở lại làm tiếp.
Đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, niên khóa 2017-2018 sẽ có khóa đào tạo ATTT đầu tiên của ĐH Bách Khoa ra trường. Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn, ngành ATTT là ngành chuyên môn hẹp, ra trường có dễ tìm việc hay không. Do đó, nhà trường vẫn thiết kế chương trình giảng dạy về CNTT, đến năm thứ 4 mới đưa nội dung ATTT vào. Vị đại diện này chia sẻ ĐH Bách Khoa Hà Nội đang thiếu các chuyên gia đầu ngành về ATTT và thiếu sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp về ATTT.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm hoan nghênh nỗ lực, cố gắng của các trường trong triển khai các nhiệm vụ được giao theo Đề án. Có thể nói, đây là một trong những Đề án đang được triển khai tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt trong thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tính chủ động trong công tác bảo đảm ATTT cho đất nước. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn phải nỗ lực nhiều mới có thể đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí còn đứng trước rủi ro không đạt được vì nguồn lực không đảm bảo.
Về những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng yêu cầu các trường phác thảo đề án tuyển sinh về ATTT, thống kê cụ thể số lượng giảng viên, từ đó xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi giảng viên giữa các trường trong bối cảnh đội ngũ giảng viên ATTT thiếu về số lượng. Đồng thời, các trường cũng cần ngồi lại bàn thảo, xây dựng thời gian biểu, chia sẻ dùng chung phòng lab về ATTT để tạo điều kiện cho sinh viên ATTT các trường chưa có phòng lab được thực hành.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục ATTT – đơn vị thường trực Ban điều hành Đề án 99 tổng hợp kiến nghị của các trường đi kèm các đề xuất cụ thể cần phải sửa đổi những quy định nào hiện đang là rào cản hoặc bổ sung các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đề án. Đồng thời, Cục ATTT cũng là đơn vị đầu mối tiếp xúc với các nhà mạng viễn thông, ngân hàng tạo cơ hội tham quan, thực tập cho sinh viên ATTT, Thứ trưởng chỉ đạo.