Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Quý Vũ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Việc triển khai số hóa truyền hình sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, đặc biệt là nâng cao chất lượng các kênh chương trình truyền hình cung cấp đến người dân. Với vai trò là đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung của Đề án nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên cả nước, trong đó tỉnh Kon Tum và Gia Lai”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử trình bày các nội dung tổng quan về lộ trình và triển khai công tác số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình; từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người dân; báo cáo viên của Cục Tần số vô tuyến điện giới thiệu tổng quan về lộ trình số hóa truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số, tình hình số hóa truyền hình mặt đất, lợi ích số hóa truyền hình, thiết bị thu truyền hình số mặt đất, công tác hỗ trợ chuyển đổi phương thức thu xem cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích… để từ đó các đơn vị, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết và thực hiện. Thay vì chỉ được xem 4 đến 5 kênh chương trình như hiện nay, khi thu xem tín hiệu truyền hình số mặt đất, người dân có thể xem được 40 kênh truyền hình số miễn phí. Số lượng kênh phong phú hơn và chất lượng kênh được nâng cao từ SD lên HD, Full HD, 3D, 4K…
Cũng tại hội nghị, ông Trần Văn Thu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum đã chia sẻ một số nội dung của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng mặt đất mà tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện; vai trò của địa phương trong công tác tuyên truyền Đề án hóa truyền hình. Theo đó, Kon Tum nằm trong nhóm 4 cùng với14 tỉnh, thành phố (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông), dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước 24h ngày 30/11/2020. Đến thời điểm này, Kon Tum về cơ bản đã sẵn sàng cho việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.
Bên cạnh đó, các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác triển khai số hóa truyền hình mặt đất đã được đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông; Cục Tần số Vô tuyến Điện; Cục Thông tin cơ sở, Ban Quản lý Chương trình Dịch vụ Viễn Thông Công ích thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông giải đáp. Đặc biệt là những vấn đề thực tiễn để triển khai Đề án đạt hiệu quả và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành hướng tới hoàn thành tốt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn Kon Tum, Gia Lai.