Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đất nước ngày nay đang rất cần những giai điệu có sức lôi cuốn, kết đoàn muôn người như một để cùng chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đưa đất nước vượt lên sánh cùng năm châu bè bạn.
Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng và rất mực tin tưởng đội ngũ những người làm công tác âm nhạc nước nhà bằng tất cả tài năng, tình yêu nghệ thuật và tâm huyết sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục; khơi dậy niềm tự hào, ý chí vươn lên, hun đúc tâm hồn Việt chân - thiện - mỹ, làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với Hội nhạc sĩ Việt Nam về những đóng góp to lớn của Hội cùng các thế hệ Hội viên của Hội trong suốt 60 năm qua.
Trên chặng đường vinh quang ấy, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã thực sự hóa thân vào cuộc sống chiến đấu, lao động, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; đã sáng tạo những tác phẩm âm nhạc thấm đậm hồn dân tộc và hơi thở thời đại, những bài ca vang mãi cùng năm tháng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ
Trong 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam có tới 8 di sản về âm nhạc. Đó là niềm tự hào của cả dân tộc, đặc biệt là những người làm công tác âm nhạc.
Ngay từ những bước đi đầu tiên, dòng âm nhạc cách mạng với những âm hưởng hào hùng đã trở thành vũ khí tinh thần sắc bén trong cuộc kháng chiến vệ quốc.
Ra đời giữa những năm tháng đầy cam go, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thêm sức mạnh để âm nhạc cách mạng Việt nam thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trân trọng ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn và hết sức ý nghĩa của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người làm công tác âm nhạc nước nhà. Trong đó có nhiều nhạc sĩ - chiến sĩ, nghệ sĩ - chiến sĩ đã hiến dâng cả máu thịt, cả cuộc đời của mình cho chiến thắng của dân tộc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng bức trướng cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cũng bày tỏ:Bước tiếp những chặng đường vẻ vang 60 năm qua, giới âm nhạc Việt Nam tiếp tục xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, chuyên nghiệp, phấn đấu có những tác phẩm đỉnh cao thuộc các thể loại nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng, hợp xướng, chú trọng tới lĩnh vực ca khúc, thế mạnh truyền thống của nền âm nhạc nước nhà, khuyến khích nhạc sĩ trẻ tìm tòi sáng tạo ra nhiều sản phẩm am nhạc mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, hội nhập với thị trường âm nhạc thế giới.
Cách đây 60 năm, ngày 30/12/1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 750, 751 của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, nằm trong Hội Văn Nghệ Việt Nam (thành lập từ tháng 7/1948) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Lần giở lại những trang tư liệu về ngày đầu thành lập Hội, khi đó chỉ với hơn 50 nhạc sĩ - nghệ sĩ từ chiến khu về và trong lòng Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam với những tên tuổi như: nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Phúc, Tạ Phước, Lương Ngọc Trác...nay các vị tiền bối sáng lập ra Hội cùng nhiều nhạc sĩ thế hệ đầu tiên đã ra đi mãi mãi.
Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của thế hệ nhạc sĩ đi trước, lớp nhạc sĩ kế cận và nhạc sĩ trẻ vẫn duy trì định hướng “Đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân”. Bám sát những hoạt động của đời sống xã hội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn phối hợp, tham gia có hiệu quả vào những hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, âm nhạc dân tộc, truyền thống, các cuộc thi tài năng trẻ…
60 năm qua là sự trưởng thành và phát triển không ngừng về chất và sự lớn mạnh về tổ chức, đội ngũ. Tiêu biểu cho sự phát triển này là những thành tích xuất sắc mà Hội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương độc lập Hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với 5 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1995), đến nay đã có 22 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng cao quý này. Bên cạnh đó, 120 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Nhà nước và 51 Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, hơn 200 nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hội Nhạc sĩ đã phát triển trên 1.500 hội viên, gồm 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo, với 51 chi hội trong cả nước.
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tự hào là một tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của Nhân dân. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ, vô cùng giá trị đóng góp vào kho tàng văn hóa của nước nhà.