Hàng hóa phong phú trong các siêu thị tại Việt Nam.
Luật chơi mới khi không còn hàng rào thuế quan
Cách đây gần ba năm, Hiệp hội Rượu bia - Nước giải khát Việt Nam có lần ngồi lại với nhau để tính bài toán cạnh tranh khi mà ngành giải khát nội địa có thể là nơi bị tổn thương đầu tiên với dự đoán thuế nhập khẩu loại mặt hàng này có thể giảm từ 30- 40% tùy loại về con số 0% tròn trĩnh. Nhiều lo âu, lắm nỗi lòng, nhưng các doanh nghiệp cùng nhau thống nhất một niềm tin: sản phẩm tốt, thương hiệu mạnh thì vẫn có thể cạnh tranh được.
Mới cách đây một tuần, Hiệp hội Ngành công nghiệp giải khát châu Âu cũng họp để bàn về TPP, về cách phản ứng của họ với việc 12 quốc gia vùng Thái Bình Dương đã quyết định hình thành một liên minh. Nó sẽ ảnh hưởng đến thị phần của họ trên toàn cầu đến mức nào? Câu hỏi thú vị này được giải bằng công thức giản đơn: hãy tiếp tục đẩy mạnh những sáng kiến cải thiện sản phẩm và gia tăng mức đầu tư cho công tác chăm sóc thị trường.
Vì sao mọi người trong ngành giải khát lại quan ngại mạnh mẽ đối với hội nhập kinh tế như vậy? Đó là vì ngành công nghiệp có giá trị hàng trăm tỷ USD này lại rất đơn giản trong sản phẩm: tất cả đều phải bắt đầu từ nguyên liệu cơ bản nhất là nước. Và nước nguyên liệu, cho dù là sản xuất bia, nước ngọt có ga, nước ngọt không ga, nước trái cây, nước tinh khiết hay nước khoáng thì cũng có hai nguồn cung cấp chính: Nước giếng khoan (từ nguồn nước ngầm hoặc khoáng…) và nước thủy cục (hay còn gọi là nước máy, là nước được cung cấp đại trà cho người dùng theo tiêu chuẩn của từng địa phương, quốc gia).
Từ nguyên liệu này, mỗi doanh nghiệp sẽ sử dụng hệ thống quy trình xử lý khác nhau để tạo thành sản phẩm của mình. Và tiêu chuẩn của ngành thì xưa nay đã thống nhất gần như tuyệt đối trên toàn thế giới. Nên cho dù là ICY của Vinamilk, Dasani của Coca Cola hay Trà 0 độ của Tân Hiệp Phát, Aquafina của Suntory PepsiCo, Bidrico hay Evian, Lavie... đều giống nhau về nguồn nước đầu vào và đạt các tiêu chuẩn đầu ra cho sản phẩm của mình. Sự khác biệt nằm ở chỗ, các giá trị gia tăng đến từ các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn quy định, các loại bao bì, hệ thống phân phối và thương hiệu.
Chính thương hiệu sản phẩm mới là yếu tố làm nên sự thành công và giàu có cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, sản phẩm có thương hiệu lâu đời luôn có giá bán cao hơn hẳn, thậm chí hàng chục lần so với sản phẩm cùng loại nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Hàng thể thao của Nike, Adidas... với người dùng bình thường thì khó mà tìm ra những điểm khác biệt về chất lượng so với sản phẩm của một công ty nhỏ trong nước sản xuất, nhưng với các nhãn hàng nêu trên lại bán giá rất cao và rất chạy. Điều này chỉ có thể giải thích: bởi đây là vấn đề của thương hiệu. Không chỉ tạo ra sự tự hào cho người tiêu dùng, thương hiệu cũng tạo sự yên tâm trong tiêu dùng do sự danh tiếng và bảo đảm chất lượng của từng sản phẩm.
Như vậy, luật chơi mới của toàn cầu đề cao thương hiệu và những vấn đề khác liên quan, người tiêu dùng trong nước liệu đã hiểu điều này?
“Ngày số 0” và người tiêu dùng toàn cầu
"Ngày số 0" là một khái niệm đang được báo chí quốc tế sử dụng để nói về khoảng thời gian chuẩn bị trước khi bước chân chính thức vào các hiệp định thương mại toàn cầu. Và với người tiêu dùng, TPP cũng dành ra một không gian rộng lớn để có thể “tung hoành”: tạo điều kiện để nâng cao thu nhập và trình độ học vấn; gia tăng những tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng toàn khối. Lý do là sự phát triển không đồng đều giữa người tiêu dùng ở các nước phát triển và đang phát triển có thể làm ảnh hưởng đến bức tranh chung của nền kinh tế khu vực.
Lại trở lại câu chuyện nguồn nước. Ở Mỹ chẳng hạn, bất kỳ vòi nước máy (thủy cục) nào, dù là công cộng hay hộ gia đình, đều có thể uống ngay được. Vậy nên việc mua chai nước tinh khiết hay nước khoáng để uống không còn là giải pháp vật lý sinh học nữa, mà là hành vi tiêu dùng theo thương hiệu, theo phong cách và theo mức độ gắn bó giữa mình với sản phẩm này. Họ không bao giờ phải quan ngại về chất lượng của nước uống đóng chai, vấn đề là họ có yêu thích nó và dễ tiếp cận với sản phẩm này hay không.
Ngược lại, nước giếng và nước máy ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác không thể uống ngay được vì còn chứa nhiều loại tạp chất không tốt cho sức khoẻ. Nước cần đưa vào hệ thống xử lý chuyên dụng được thiết kế tùy theo nguồn nước đầu vào để bảo đảm đầu ra sẽ có cùng phẩm chất và luôn vượt cao hơn tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nếu đó là các công ty lớn. Đơn giản là vì họ cũng phải đạt tiêu chuẩn của sản phẩm cùng tên đang bán ở Mỹ, nơi nước đóng chai phải cạnh tranh với nước ở vòi (và vẫn phát triển rất tốt).
Chất lượng sản phẩm không chỉ là bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn là vấn đề luật pháp. Đây là điều kiện ắt có để bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại hoặc bắt đầu tham gia cuộc chơi “hội nhập”. Điều kiện đủ, để nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa doanh nghiệp đến sự thành công là công nghệ, quy trình sản suất, hệ thống phân phối, thương hiệu sản phẩm… kể cả vai trò công dân doanh nghiệp trong cộng đồng và xã hội đang kinh doanh.
Chuyện của nước giải khát, cũng là chuyện chung của tất cả các ngành hàng tiêu dùng khác, vì cũng là quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Người tiêu dùng biết về nguồn gốc của sản phẩm để cùng chia sẻ với nhà sản xuất câu chuyện tiêu dùng, câu chuyện giá cả, lãi lỗ, trách nhiệm xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đó thực sự là một yếu tố công bằng đối với các doanh nghiệp trong thời kỳ phải định cư ở vùng biển mới này.
Và ngược lại, để công bằng với người tiêu dùng, và cũng là để bảo vệ mình trong cuộc canh ngày càng căng thẳng, mỗi doanh nghiệp phải hiểu rõ: không có sự thỏa hiệp nào được chấp nhận liên quan đến chất lượng. Bình đẳng về chất lượng, chúng ta mới có thể bắt đầu cạnh tranh bằng giá trị gia tăng. Đó là cạnh tranh toàn cầu.