Hội nhập kinh tế quốc tế tác động mạnh đến lĩnh vực TT&TT

20/12/2016 13:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội nghị tập huấn hội nhập quốc tế về kinh tế trong lĩnh vực TT&TT do Bộ TT&TT phối hợp UBND TP.HCM tổ chức sáng ngày 16/12 tại TP.HCM.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế và Cục Công tác phía Nam - Bộ TT&TT, lãnh đạo Phòng hợp tác Quốc tế - Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch Đầu tư, cùng lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phía Nam và đông đảo phóng viên các báo, đài.

20161216-m4.JPG

Ông Phan Thảo Nguyên,Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT, khẳng định hội nhập kinh tế là xu thế tất yếu mà các nước trên thế giới đều hướng tới. Sau WTO, Việt Nam tiếp tục quá trình hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định kinh tế quan trọng như TPP, thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… “Hội nhập kinh tế mở ra những lợi ích cốt lõi cho đất nước, tuy nhiên bên cạnh những thời cơ cũng tồn tại nhiều thách thức, chúng ta cần hiểu rõ để phát huy những mặt lợi thế và hạn chế những mặt tiêu cực. Hội nghị tập huấn với báo cáo viên là những người trực tiếp tham gia quá trình đàm phán các hiệp định kinh tế quốc tế cho Việt Nam, sẽ cung cấp thông tin cần thiết hướng tới 3 nhóm đối tượng quan trọng, đó là: doanh nghiệp, chuyên gia tham mưu và quản lý chính sách, cùng các phóng viên báo, đài.” – ông Nguyên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quý Quyền, Trưởng nhóm đa phương - Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT, cho biết đối với ngành TT&TT, hội nhập quốc tế về kinh tế sẽ đặc biệt tác động mạnh đến các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và bưu chính. Trong đó, ở lĩnh vực viễn thông, các hiệp định thương mại cam kết mở cửa thị trường, dần cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư đến 100% vốn. Một loạt các rào cản trong nước gần như được cam kết gỡ bỏ như: cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài được quyền tiếp cận và đặt trang thiết bị tại trạm cập bờ cáp biển; được tiếp cận hạ tầng viễn thông thụ động, cột, cống bể cáp; được cung cấp dịch vụ thuê kênh, bán lại dịch vụ viễn thông, kết nối viễn thông, chuyển mạng giữ số thuê bao…

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, cam kết xu hướng mở cửa hoàn toàn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ một số trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Từ đó, sẽ dần hình thành một khái niệm mới là “sản phẩm số”, “thương mại điện tử”. Theo đó, hướng đến “thương mại phi giấy tờ”, tức các bên phải công khai các thủ tục, văn bản quản lý nhà nước dưới dạng điện tử; và văn bản điện tử được nộp có giá trị như văn bản giấy. Cam kết được tự do lưu chuyển thông tin qua biên giới nhằm mục đích thương mại, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của các nước về nội dung thông tin.

Ở ngành bưu chính, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ thúc đẩy phát triển phân ngành dịch vụ chuyển phát nhanh – là thị trường có khả năng sinh lời cao. Thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh hiện đã mở hoàn toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thường các nước đều bảo lưu đối với các dịch vụ bưu chính công ích, riêng Việt Nam bảo lưu thêm đối với dịch vụ bưu chính dành riêng (hạn chế về giá cả và khối lượng vật gửi). Theo quy định, chức năng quản lý phải độc lập với chức năng kinh doanh, cơ quan quản lý bưu chính phải độc lập với bất kỳ doanh nghiệp bưu chính hay chuyển phát nào.

20161216-m3.jpg

Toàn cảnh hội nghị

Riêng lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử là những lĩnh vực chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trừ các trang mạng xã hội vì có nguồn thu rất lớn từ quảng cáo. Các nước đều có những bảo lưu nhất định vì các lĩnh vực này có tác động đáng kể đến văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục và bản sắc văn hóa.

Theo ông Quyền, hội nhập kinh tế sẽ giúp thị trường sôi động, cạnh tranh hơn, từ đó thúc đẩy các dịch vụ đa dạng, chất lượng hơn. Dự báo doanh thu từ thị trường viễn thông và công nghệ thông tin, thậm chí trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát cũng sẽ tăng gấp nhiều lần, góp phần tăng nguồn thu thuế… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều thách thức như: nguồn nhân lực, nguy cơ tụt hậu công nghệ, vấn đề an toàn thông tin mạng, quản lý thông tin trên mạng qua biên giới, tình trạng công nghệ lỗi thời rất có thể đổ vào Việt Nam… Do đó, rất cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình hội nhập sâu, rộng về kinh tế quốc tế tại Việt Nam./.

Phương Thanh – Cục Công tác phía Nam

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập kinh tế quốc tế tác động mạnh đến lĩnh vực TT&TT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO