Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo, đ/c Nguyễn Minh Hồng- Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: từ khi thành lập đến nay, Ngành TT&TT, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cùng các cấp, các ngành và nhân dân cả nước giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của ngành TT&TT. Việc nghiên cứu, biên soạn để cho ra đời bộ tuyển tập Lịch sử của Ngành là rất cấp thiết, một nhiệm vụ nặng nề, quan trọng, vì qua đó sẽ làm rõ các chặng đường phát triển, tổng kết thực tiễn, nêu bật những thành tựu của Ngành; là tài sản vô giá và là tài liệu tổng quan sâu sắc để giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần làm sáng tỏ những bài học lịch sử, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao sức chiến đấu, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành được thắng lợi to lớn trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội thảo
Những công việc liên quan đến công tác Lịch sử truyền thống của Ngành trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: Toàn Ngành đã nghiên cứu, biên soạn được hơn 80 công trình về lịch sử, như: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1925 đến 2010, lịch sử ngành Xuất bản Việt Nam, 50 năm ngành in, xuất bản, phát hành sách Việt Nam, Lịch sử Bưu điện Việt Nam (3 tập). Nhiều đơn vị trong Ngành, nhất là lĩnh vực Bưu điện đã xây dựng được Nhà truyền thống, tổng kết lịch sử truyền thống của đơn vị mình, đó vừa là nơi trưng bày tư liệu lịch sử vừa là nơi sinh hoạt chính trị nội bộ, giáo dục truyền thống cho công chức, viên chức và người lao động, qua đó mọi người hiểu rõ quá trình hình thành phát triển của Ngành, những đóng góp to lớn của Ngành TT&TT trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo…
Tuy nhiên, công việc này cũng có những hạn chế như chất lượng khoa học, hiệu quả giáo dục chưa cao, một số công trình nặng về miêu tả diễn biến sự việc mà chưa có những đúc kết, bài học tương xứng, hay việc tổ chức học tập, phát huy các chương trình chưa đi vào nề nếp. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo cần thảo luận để làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn, pháp lý và lịch sử của việc nghiên cứu. Cùng đó là đề xuất các giải pháp hiệu quả cho công việc này.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về quá khứ, những sự kiện liên quan đến con người nên là công việc rất khó khăn, phức tạp, cần độ chính xác cao. Hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần duy nhất nhưng nhận thức lại là một quá trình, mà ở đó vượt qua các yếu tố chủ quan người làm công tác nghiên cứu sẽ tiếp cận lịch sử ngày càng khách quan, trung thực. “Đây không chỉ là mong muốn, ước vọng, mục tiêu mà còn là nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu và nguyên tắc đạo đức của người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử” – Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai phát biểu tham luận
Tới dự buổi Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai đã có bài tham luận, ôn lại từng thời kỳ hình thành và phát triển của Ngành, đ/c Trần Đức Lai khẳng định: việc nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Thông tin & Truyền thông 1945 – 2015 có ý nghĩa hết sức to lớn, là công trình chính thống tổng kết, đánh giá, tôn vinh lịch sử truyền thống của Ngành TT&TT trong suốt chiều dài hình thành và phát triển. Bằng những nghiên cứu có tính khoa học, tổng kết thực tiễn sẽ khắc họa lịch sử truyền thống của ngành TT&TT gắn bó máu thịt với Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi, tự hào về truyền thống của Ngành. Theo đ/c Trần Đức Lai: nên xây dựng lịch sử của ngành TT&TT theo phân kỳ gắn với các thời điểm chuyển mình của cách mạng Việt Nam. Ví dụ: các giai đoạn : 1945-1954, 1955-1975, 1975- 1986, 1986 – 2015… Đ/c Trần Đức Lai cũng đề nghị: Lãnh đạo của Ngành, các phương tiện truyền thông nên tăng cường công tác tuyên truyền rõ ràng, cụ thể, cần giải thích lý do lấy ngày 28/8 hàng năm làm ngày truyền thống của ngành TT&TT, tuy nhiên các lĩnh vực khác trong Ngành vẫn còn giữ nguyên các ngày truyền thống của mình, như: ngày truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6); truyền thống ngành Bưu điện (15/8); truyền thống ngành Xuất bản (10/10) để cán bộ, nguyên cán bộ của toàn Ngành, nhất là các đồng chí đã nghỉ hưu hiểu rõ thêm: sự ra đời của ngày truyền thống TT&TT không làm triệt tiêu các ngày truyền thống của các lĩnh vực khác, bởi đến nay ngành TT&TT hội tụ các lĩnh vực là Bưu điện, Báo chí Cách mạng, Xuất bản, in phát hành, phát thanh truyền hình…
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Trí Đạt (Giám đốc Nhà xuất bản TT&TT) chia sẻ: NXB Thông tin và Truyền thông vinh dự được tiếp cận với nhiều đầu sách của Ngành, đặc biệt đã tham gia biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành 4 tập sách Lịch sử Bưu điện Việt Nam, Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam, Kỷ yếu Đại hội Thi đua yêu nước ngành Bưu chính Viễn thông giai đoạn 2001-2005, Kỷ yếu Đại hội Thi đua yêu nước ngành TT&TT giai đoạn 2006-2010 và nhiều công trình sách đồ sộ về các lĩnh vực của Ngành… Công tác nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử chuyên ngành TT&TT là một công việc thầm lặng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, thận trọng, tập hợp được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức (nhất là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, cán bộ lão thành cách mạng của Ngành qua các thời kỳ) tham gia cung cấp tư liệu, và những trải nghiệm thực tế xây dựng và phát triển ngành TT&TT trong thời gian dài vừa qua…
Với hàng chục bài tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết chắc chắn đây sẽ là điểm khởi đầu quan trọng để khơi dậy sự quyết tâm của tất cả mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành đi tìm, sưu tập tài liệu, tìm đến các vị cán bộ lão thành của ngành TT&TT có thể đang sinh sống ở các địa phương trong toàn quốc. Sự hợp sức tích cực của tất cả mọi thành viên trong ngành TT&TT chắc chắn bộ sách Lịch sử ngành TT&TT sẽ sớm ra đời, tới tay mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành và tới với bạn đọc gần xa.