Hội tụ cố định và di động - Xu hướng nổi bật tại thị trường viễn thông châu Âu.

03/11/2015 20:51
Theo dõi ICTVietnam trên

T rong bối cảnh cạnh tranh, mua bán sáp nhập giữa các nhà mạng, nhà cung cấp truyền hình, nội dung... đang diễn ra mạnh mẽ, ranh giới giữa di động, cố định, truyền hình đang dần được phá bỏ thì việc tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng để cung cấp đa dạng các dịch vụ đang được các nhà mạng ở châu Âu hướng tới.

Hội tụ cố định và di động FMC (Fixed Mobile Convergence) là sự hợp nhất các công nghệ hữu tuyến, vô tuyến và di động; trong đó dịch vụ được tạo ra trên một cơ sở mạng viễn thông duy nhất Không phải là xu hướng mới, nhưng gần đây FMC đang là chiến lược trong kế hoạch của các nhà khai thác châu Âu. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh, mua bán sáp nhập giữa các nhà mạng, nhà cung cấp truyền hình, nội dung... đang diễn ra mạnh mẽ, ranh giới giữa di động, cố định, truyền hình đang dần được phá bỏ thì việc tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng để cung cấp đa dạng các dịch vụ đang được các nhà mạng ở châu Âu hướng tới, nhằm giữ chân khách hàng, giảm sự xáo trộn và tăng doanh thu.

1.FMC - XU HƯỚNG NỔI BẬT

Vào đầu tháng 9, tại hội chợ công nghệ lớn nhất châu Âu, IFA 2014 Berlin, Deutsche Telekom, nhà mạng hàng đầu ở Đức, đã tiết lộ chiến lược phát triển dịch vụ "Quadruple- Play“, với tên gọi MagentaEins, đánh dấu bước tiến về cung cấp dịch vụ theo xu hướng hội tụ giữa cố định và di động (FMC - Fixed Mobile Convergence) của hãng này trong thị trường viễn thông châu Âu.

Dịch vụ MagentaEins cho phép nhà mạng tích hợp dịch vụ thoại cố định, băng rộng và truyền hình với các tính năng di động. Điều này đã giúp Deutsche Telekom có thể cạnh tranh với các nhà khai thác trong thị trường nội địa, đặc biệt khi mà Vodafone gần đây đã bắt đầu bán các dịch vụ cáp băng rộng dựa trên cơ sở hạ tầng của Kabel Deutschland, công ty sở hữu và quản lý hệ thống cáp truyền dữ liệu lớn nhất Đức, đã được Vodafone mua lại năm 2013.

Đây không phải là hiện tượng đơn lẻ mà đang là xu hướng nổi bật của các nhà khai thác viễn thông châu Âu trong thời gian gần đây. Các nhà khai thác di động như Vodafone, Telekom Austria và Orange đã được cho là đang đàm phán mua lại hoặc là để mắt tới các mạng truyền hình cáp và cố định tại các thị trường trên khắp châu Âu, nhằm thúc đẩy năng lực canh tranh trong lĩnh vực thông tin di động của mình tại các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, các nhà khai thác dịch vụ truyền hình cáp và cố định cũng đang tích hợp các dịch vụ di động và không dây với gói sản phẩm "triple-play" (thoại, truyền hình và các dịch vụ truy nhập băng rộng) của mình.

Xu hướng hội tụ di động cố định cũng là chủ đề chính được các nhà cung cấp truyền hình, nội dung và nhà mạng tranh luận sôi nổi tại hội nghị IBC 2014 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan). Adrian Baschnonga, chuyên gia phân tích của Ernst & Young, nhận định "Bối cảnh thị trường viễn thông đã thay đổi trong khoảng từ 12 đến 18 tháng qua, ranh giới giữa cố định và di động cũng đang dần được phá bỏ".

2.CHUYỂN SANG "HỘI TỤ": CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Theo nghiên cứu của Current Analysis thì ngày càng có nhiều nhà khai thác chuyển sang cung cấp dịch vụ theo hướng FMC để nâng cao lòng trung thành của khách hàng và giảm sự biến động trong kinh doanh dịch vụ. Một ví dụ điển hình được Natasha Rybak, chuyên gia phân tích của Current Analysis, chia sẻ là sự thành công của Belgacom và Swisscom, nhờ vào doanh số thu được trên khách hàng sử dụng gói Quad-play thì hệ số biến động kinh doanh của cả hai công ty này đã giảm 2,6 lần so với việc chỉ cung cấp gói dịch vụ đơn lẻ (single-play).

Sự thành công của 2 nhà mạng này sẽ là mục tiêu hấp dẫn để các công ty theo đuổi một chiến lược cung cấp dịch vụ tương tự. Tuy nhiên, những thách thức triển khai FMC là rất đa dạng, bao gồm những quyết định về lựa chọn hình thức đầu tư (mua, xây dựng mới hay thuê lại tài sản cố định với số lượng bao nhiêu và ở đâu); vấn đề về tích hợp các mạng khác nhau; và chiến lược giá cho các gói dịch vụ. Tất cả những quyết định này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và lập kế hoạch cẩn thận dựa trên cơ sở của mỗi quốc gia.

Mặc dù có rất nhiều thách thức, nhưng một số chuyên gia cho rằng có rất ít lựa chọn cho các nhà khai thác di động vì đây là xu hướng chính tại các thị trường phát triển nhất ở Tây Âu: "Việc triển khai chỉ di động như truyền thống là không dễ dàng cho hoạt động kinh doanh của các nhà mạng hiện nay và đó cũng không phải là phương thức mong muốn", Rupert Wood, nhà phân tích của Analysys Mason, nhận định.

Ông Wood cũng lưu ý rằng các nhà khai thác truyền hình cáp và dịch vụ cố định có thể phải thiết lập các mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) để cung cấp dịch vụ di động, nhưng ông tin rằng MVNO chỉ là một biện pháp tạm thời. Mô hình đem lại lợi ích lâu dài được Wood gọi là "inside out", là mô hình mà trong đó sử dụng các trạm phủ sóng nhỏ (Femtocell) và kết nối WiFi ở trong nhà để triển khai dịch vụ, với ý tưởng là phần lớn khách hàng khi thực hiện gọi điện thoại là đang ở trong nhà.

"Cách tiếp cận này giúp tiết kiệm hóa trên các mô hình MVNO cổ điển, và chúng ta tin rằng nó có thể phá bỏ kiểu cung cấp dịch vụ truyền thống của các nhà mạng và đem lại thành công và lợi nhuận cho họ“. Ông Wood lấy trích dẫn BT và TalkTalk là hai nhà khai thác đã theo đuổi chiến lược này.

3.CHIẾN LƯỢC HỘI TỤ CỦA MỘT SỐ NHÀ MẠNG Ở CHÂU ÂU

Orange (Pháp)

Pierrick Hamon, Phó chủ tịch điều hành chịu trách nhiệm về chiến lược hội tụ của Orange, cho rằng, tại các nước Tây Âu việc "cung cấp dịch vụ di động đơn lẻ không phải là một lựa chọn phù hợp cho các nhà mạng hiện nay“. Thực tế đã chứng minh điều này, khi tại Bỉ với thương hiệu nhà khai thác dịch vụ di động Mobistar, Orange đã buộc phải từ bỏ việc triển khai các dịch vụ cố định trong năm ngoái do chi phí cao. Hiện nay, hãng đang tìm cách khắc phục tình trạng này thông qua việc điều chỉnh các chính sách để bán lại dịch vụ truyền hình cáp.

Do đó, chiến lược hội tụ đã được Orange triển khai mạnh mẽ ở cả Pháp và Tây Ban Nha, và theo dự định sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược này tại các thị trường Tây Âu. Cụ thể, Orange đang tìm cách mua lại hoặc tìm kiếm đối tác để đảm bảo tài sản cố định. Ví dụ, tại Tây Ban Nha, Orange đã không giấu giếm sự quan tâm của mình đối với việc thâu tóm nhà mạng Jazztel.

Tuy nhiên, Hamon nói rằng quyết định mua, xây dựng hoặc tìm đối tác không dựa trên các hoạt động kinh doanh, như nhiều người có thể nghĩ. Trong thực tế, ông cho biết quyết định phụ thuộc vào việc một công ty có thể thực hiện chiến lược lựa chọn tốt hay không. Nếu một công ty có kinh nghiệm trong các dịch vụ cố định, thì việc lựa chọn xây dựng là hợp lý. Còn nếu thiếu kinh nghiệm thì hình thức mua lại một công ty hiện có sẽ là hợp lý hơn.

Hamon cũng nhấn mạnh rằng FMC không phải là lựa chọn thích hợp cho tất cả các thị trường ở châu Âu, và vì thế ông cho biết, chiến lược của Orange là theo từng quốc gia: "Điều này là phù hợp để thích ứng với những thị trường mà khách hàng không muốn bị ràng buộc, đây là vấn đề đã từng tồn tại ở Pháp và một số quốc gia phát triển“.

Đối với những thị trường nhạy cảm về giá, việc duy trì các dịch vụ riêng biệt có ý nghĩa hơn đối với người sử dụng. Theo Hamon, "Thành quả của cuộc chiến hội tụ là thị trường cao cấp. Thách thức chính là phải triển khai bán chéo các dịch vụ một cách hoàn hảo... và chất lượng của từng dịch vụ phải tuyệt vời“.

Vodafone, Telekom Austria

Vodafone là một trong những nhà khai thác được cho là đã rất tích cực "đổi mới“. Sau chiến lược "chỉ có di động“ trước đó của mình, gần đây, Vodafone đã tăng tốc để theo đuổi chiến lược hội tụ bằng việc mua lại các nhà khai thác cố định và cáp như Kabel Deutschland (Đức), Ono (Tây Ban Nha) và Hellas Online (Hy Lạp) và xây dựng mạng cố định tại những thị trường như Ý và Bồ Đào Nha.

Một phát ngôn viên của Vodafone cho rằng, "Khi nhu cầu của khách hàng đối với dữ liệu và nội dung ở khắp mọi nơi tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới, thì các nhà cung cấp thông tin liên lạc thành công nhất sẽ là những người có thể cung cấp kết nối tốc độ cao liên tục ở bất cứ nơi nào, tại nhà cũng như tại nơi làm việc...,''.

Vodafone cho biết họ áp dụng một phương pháp tiếp cận hội tụ theo từng thị trường dựa trên 4 tiêu chí: (1) chi phí xây dựng cáp quang, (2) sự công khai "điều kiện bán buôn hợp lý“, (3) tốc độ phát triển thị trường, (4) và sự sẵn có của các công ty chất lượng tốt để sáp nhập. Các loại hình dịch vụ có thể được cung cấp sẽ phụ thuộc vào khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ để truy cập các mạng cố định thế hệ tiếp theo, chủ yếu là cáp hoặc cáp quang, để hỗ trợ nhu cầu tốc độ và dung lượng gia tăng.

Telekom Austria cũng đồng ý rằng tất cả các công ty phải quyết định có hay không duy trì cung cấp "chỉ di động“ theo chiến lược riêng của mình. "Trong thị trường của chúng tôi, chúng tôi đang tập trung mạnh vào hội tụ bởi vì chúng tôi nghĩ rằng nó cung cấp các trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng“, Hannes Ametsreiter, Giám đốc điều hành Telekom Austria nói.

Telekom Austria đã xây dựng thành công chiến lược hội tụ với thương hiệu A1 tại thị trường nội địa, và hiện tiếp tục triển khai một chiến lược tương tự tại các thị trường khác của nó ở Trung và Đông Âu.

Chia sẻ thêm về kế hoạch hội tụ của Telekom Austria, Ametsreiter cho biết: "Chúng tôi đã có được một trong những nhà cung cấp cáp hàng đầu ở thị trường Macedonia và có quan hệ đối tác chiến lược với Telecom Liechtenstein. Điều đó có nghĩa là 5 trong số 8 thị trường của tập đoàn Telekom Austria đã sẵn sàng hội tụ - A1 ở Ào là lớn nhất“.

4.TẠO RA GIÁ TRỊ HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Hannes Ametsreiter, CEO của Telekom Austria, nhấn mạnh: FMC là một chiến lược dài hạn nhằm mục đích tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, giữ khách hàng trung thành tốt hơn, linh hoạt hơn trong việc quản lý sản phẩm và tối ưu hóa quản lý năng lực cơ sở hạ tầng mạng.

Rõ ràng là FMC và "Quad - Play“ đại diện cho một chiến lược bền vững đối với một số nhà khai thác, nhưng điều này không có nghĩa là các nhà khai thác dịch vụ di động đơn lẻ đang phải đối mặt với một tương lai ảm đạm: Wood, chuyên gia phân tích của Mason, luu ý rằng mạng 5G có thể mang lại nhiều cơ hội thú vị. "Các nhà khai thác cố định và cáp đang có lợi thế hơn các nhà khai thác di động, tuy nhiên 5G đang thách thức quan điểm rằng truyền tải dữ liệu tốc độ cao chỉ có thể thực hiện trên hạ tầng cố định“.

Mika Uusitalo, CTO phụ trách khu vực châu Âu và châu Mỹ Latinh của Nokia Networks, cũng nhận định, LTE có thể phát triển theo một hướng mà nó có thể được sử dụng để thay thế các dịch vụ DSL cố định. Uusitalo nhấn mạnh: "Ví dụ, đã có nhiều quốc gia học sinh thích sử dụng dịch vụ băng rộng di động chứ không phải là dịch vụ băng rộng cố định để truy cập Internet“.

Rybak, chuyên gia phân tích của Current Analysis chia sẻ một số bài học hữu ích trong cách tiếp cận đa dịch vụ của 2 nhà mạng Belgacom và Swisscom. "Đáng chú ý là hai nhà khai thác này không quá tập trung vào việc đưa ra các gói dịch vụ "Quad- play", mà thay vào đó là triển khai nhiều dịch vụ trên cả cố định và di động, bao gồm cả đóng gói và hình thức khuyến mãi qua chiết khấu, Rybak cho biết. "Các nhà cung cấp cần phải nhận thức rằng họ không phải quá trọng tâm để theo đuổi "Quad-play“, nhung cũng cần phải luu ý rằng việc triển khai song song sẽ là phương thức bổ sung để khuyến khích bán hàng đa dịch vụ“.

Có nhiều chiến lược cho mỗi nhà khai thác, FCM cũng chỉ là một lựa chọn, cho nên dù chiến luợc nào đuợc lựa chọn đi nữa thì các nhà khai thác cũng cần phải có hoạch định dài hạn cho mục tiêu của mình để đi tới thành công.

Tài liệu tham khảo

[1].White paper, Delivering converged quad-play services with IPTV and IMS, Nortel.
[2].http://www.fiercewireless.com/.
[3].Centralized, United Platform for Fixed/ Mobile Device and Service Management, http://www.workssys.com/.

B.N

(TCTTTT Kỳ 1/11/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hội tụ cố định và di động - Xu hướng nổi bật tại thị trường viễn thông châu Âu.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO