Dạy và học trực tuyến còn nhiều khó khăn, hơn 1,8 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến
Sáng 11/11, trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) liên quan đến vấn đề nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, đánh giá chất lượng dạy và học trực tuyến..., Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, việc dạy và học trực tuyến không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Đối với Việt Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm, đã chuẩn bị trong những năm học trước và việc dạy và học trực tuyến đã có từ năm 2019, còn với tư cách là hình thức bổ trợ thì đã có từ lâu.
"Nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian học trực tuyến là chưa từng có kinh nghiệm và tiền lệ nên cũng không tránh khỏi những thách thức", ông Sơn nói.
Theo Bộ trưởng GDĐT, mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã rất quan tâm đến chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng công nghệ được đầu tư, nhưng khi ứng phó với dịch bệnh, chuyển sang dạy và học trực tuyến vẫn còn những khó khăn.
"Hiện nay không phải theo thống kê là còn 1,5 triệu học sinh không có trang thiết bị học tập, mà trên 1,8 triệu học sinh hiện không có bất cứ thiết bị gì trong tay để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học", ông Sơn nói và nhấn mạnh, trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những học sinh không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất.
"Đây là vấn đề cấp bách hơn việc chúng ta đánh giá việc các cháu học sinh học được gì", Tư lệnh ngành GDĐT nói và thông tin, điều đáng mừng là ở những địa phương khó khăn, trong đó có các địa phương phía Bắc, thời gian qua, học sinh được học trực tiếp.
Khi học sinh quay trở lại trường học, không khảo sát, đánh giá ngay việc dạy và học trực tuyến
Dạy học trực tuyến đang là giải pháp ứng phó, nhưng cần đưa vào tầm chiến lược
Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) về "Giải pháp căn cơ để khắc phục khó khăn, bất cập tổ chức dạy học trực tuyến?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hiện nay, chúng ta phải "sống chung" và ứng phó với đại dịch. Giải pháp dạy - học trực tuyến là để thích ứng. Về lâu dài và căn cơ, cần đầu tư để hình thành nền tảng đủ lớn, mang tính bền vững và tầm quốc gia.
Ông Sơn thông tin, vừa rồi, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, giải quyết được nhiều việc. Trong thời gian ngắn đã giải quyết được hơn 200 điểm lõm sóng. Ngoài ra, cần xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến mang tầm quốc gia. Việc này cần sự chung tay, hỗ trợ của các tập đoàn lớn.
Bộ cũng đã có các hướng dẫn tương đối đầy đủ, nhưng vẫn thiên về ứng phó và có tính chất tạm thời. Sau đợt này, Bộ sẽ có đánh giá sâu hơn.
Như vậy, 3 vấn đề chính là: Hạ tầng cơ sở, hành lang pháp lý và con người… Điều này đã nằm trong chiến lược của ngành GDĐT. Việc dạy - học trực tuyến đang là ứng phó, nhưng vẫn là nội dung quan trọng cần đưa vào tầm chiến lược.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, để đánh giá được chất lượng của việc dạy và học trực tuyến có 2 căn cứ: Đánh giá việc triển khai việc học trực tuyến, thực thi công việc ra sao và đánh giá chất lượng và hiệu quả việc học và dạy trực tuyến.
Ông Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, việc dạy và học trực tuyến đang có những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến chất lượng, cho nên việc dạy và học trực tuyến không thể hiệu quả như việc dạy và học trực tiếp.
"Việc đánh giá hiệu quả dạy và học trực tuyến, Bộ GDĐT theo dõi các đơn vị hàng ngày, thường xuyên. Bộ cũng đang tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập, thời gian qua, toàn ngành đã huy động, hỗ trợ được trên 140 nghìn trang thiết bị, trong tháng 11 này sẽ có trên 50 nghìn máy tính được phân phối đến các nơi và các công việc này vẫn tiếp tục. Song, để đánh giá mức độ đạt được của dạy và học trực tuyến, chúng tôi đang thực hiện, mọi việc còn ở phía trước", ông Sơn nói.
Bộ trưởng GDDT lưu ý, khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, việc đầu tiên là đừng "lôi các em ra đánh giá xem được cái gì trong đầu, đừng căng thẳng quá", mà phải giúp các em làm quen lại môi trường trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân… lấy lại tinh thần thư thái rồi mới bắt đầu. "Không quẳng ngay vào tay học sinh các phiếu khảo sát, các loại đánh giá", Bộ trưởng GDĐT nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi học sinh quay trở lại trường học thì giáo viên phải có trách nhiệm đánh giá, bởi khi quay trở lại trường thì lúc này một lớp không còn chất lượng đồng đều nữa. "Lúc này, phải triển khai biện pháp hỗ trợ theo nhóm, theo từng em cụ thể và việc triển khai theo nhóm cá thể hóa là phù hợp. Do vậy, cần những giải pháp tổng thể về mặt chuyên môn, tăng cường trang thiết bị, về tâm lý", Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nói.
Thầy cô sáng tạo trong điều kiện dạy và học trực tuyến, đó là điều tích cực
Cũng trong sáng 11/11, chất vấn Bộ trưởng GDĐT, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) nhìn nhận, trong điều kiện dịch bệnh, ngành giáo dục đã đảm bảo được những nhiệm vụ trọng tâm và được xã hội đánh giá cao. Đội ngũ nhà giáo vượt khó trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, đội ngũ quản lý, điều hành của địa phương còn bộc lộ những bất cập, cần khắc phục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, điều kiện dịch bệnh là dịp ngành củng cố niềm tin từ sự nhiệt thành, tận tâm và hy sinh của hơn một triệu giáo viên. Trong đó, phần lớn giáo viên không kêu ca, phàn nàn trên các diễn đàn. Thầy cô sáng tạo trong điều kiện dạy học trực tuyến, đó là điều tích cực.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng điều kiện dịch bệnh cũng là dịp Bộ GDĐT nhìn thấy một số điều cần điều chỉnh tốt hơn trong thời gian tới. Những chế độ, chính sách còn hạn chế sẽ được rà lại. Việc ban hành chính sách cần đa dạng và mang tính đặc thù của vùng miền, phù hợp thực tế