Hợp lực để chuyển từ phòng ngừa sang tấn công COVID-19 bằng công nghệ

Huyền Thanh| 05/12/2021 13:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, ngoài các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, còn có một “đội quân” thầm lặng phía sau để hỗ trợ, đó là các chuyên gia công nghệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội ngũ chuyên gia của Việt Nam đã xây dựng được hàng loạt nền tảng công nghệ “make in Viet Nam”, ứng dụng công nghệ vào tất cả các khâu của công tác phòng, chống dịch để “bắt kịp” với tốc độ lây lan của virus.

Đặc biệt, việc Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia ra đời có thể xem là một dấu mốc quan trọng cụ thể hoá chủ trương chuyển từ “phòng ngừa” sang “tấn công” COVID-19 bằng công nghệ. PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia.

PV: Thành lập và đi vào hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ vào các khâu của công tác phòng, chống dịch. Ông có thể nói rõ hơn về những đóng góp của Trung tâm trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4?

Ông Đỗ Lập Hiển: Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia ra đời là để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển từ “phòng ngừa” sang “tấn công” COVID-19 bằng công nghệ. Trung tâm là cơ sở để hợp lực và thống nhất triển khai các biện pháp công nghệ phòng, chống dịch của 2 ngành Y tế và Thông tin và Truyền thông với sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu Việt Nam với hai nhóm nhiệm vụ chính.

Nhiệm vụ thứ nhất là quy hoạch lại, xây dựng một kiến trúc tổng thể của các nền tảng phòng, chống dịch COVID-19; thống nhất dữ liệu, tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu giữa các nền tảng nhằm tạo sự hiệu quả, gắn kết và sự thuận lợi cho người dân trong phòng, chống dịch. Nhiệm vụ thứ hai là hợp nhất sức mạnh các lực lượng công nghệ, chuyên gia trong lĩnh vực y tế để hoàn thiện các giải pháp hiện hành, phát triển các giải pháp mới đồng bộ với mục tiêu và nhu cầu chống dịch của ngành y tế.

Thực tế cho thấy, sự đáng sợ của dịch COVID- 19 chính là ở tốc độ lây lan vượt ngoài tầm kiểm soát của con người, vượt ngoài khả năng ngăn chặn của hệ thống y tế theo cách ứng phó truyền thống. Nếu tốc độ lây lan của virus nhanh hơn tốc độ phản ứng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì gánh nặng lên ngành y tế trong công tác điều trị càng lớn, và hệ quả chính là sự quá tải của hệ thống y tế, đây cũng là “ác mộng” đối với mọi quốc gia khi bị dịch bệnh tấn công, kể cả là những quốc gia phát triển nhất thế giới.

Những công nghệ chống dịch mà Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đang phát triển và đẩy mạnh ứng dụng trong thời gian qua không nằm ngoài các mục tiêu giúp ngành y tế đón đầu và tiệm cận được với tốc độ của “con virus” khi nó bùng phát, thông qua hệ thống các nền tảng công nghệ “khép kín”, từ khai báo y tế, xét nghiệm, truy vết dữ liệu tiếp xúc gần và hỗ trợ tiêm chủng. Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp ích đáng kể cho ngành y tế ở mặt trận điều trị, hỗ trợ người dân vùng dịch thông qua việc kết nối bệnh viện với bệnh viện, bác sĩ với người dân, và kết nối những người dân gặp khó khăn với những người dân có nhu cầu giúp đỡ người khác.

PV: Từ việc “loạn” các ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch, đến nay 3 Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ Y tế đã thống nhất sử dụng chung một ứng dụng, liên thông dữ liệu với 1 mã QR thống nhất. Điều này tạo thuận lợi như thế nào cho người dân và cơ quan quản lý trong công tác phòng, chống dịch, thưa ông?

Ông Đỗ Lập Hiển: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ba Bộ nói trên đã phối hợp triển khai, tích hợp các chức năng từ những ứng dụng trước đây thành một ứng dụng thống nhất là PC-COVID, đây là ứng dụng quốc gia duy nhất phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, mỗi ứng dụng sẽ có những vai trò khác nhau. Ứng dụng VN-eID do Bộ Công an chủ trì là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân và các nghiệp vụ quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an. Vì vậy, VN-eID là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội.

Ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử (SKĐT) do Bộ Y tế chủ trì, là ứng dụng phục vụ người dân trong việc khám chữa bệnh, ghi nhận, theo dõi, quản lý sức khỏe của người dân. Ứng dụng Sổ SKĐT là y bạ điện tử của người dân, theo suốt cuộc đời của người dân. Một số địa phương tích hợp tính năng phòng, chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh sẵn có. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn để liên thông dữ liệu, tạo điều kiện cho người dân di chuyển đến địa phương khác. Mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp một mã QR cá nhân. Việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19.

PV: Chúng ta đã đạt được lợi ích to lớn trong phòng, chống dịch khi thống nhất sử dụng chung một nền tảng công nghệ, tuy nhiên, quá trình thực hiện có khó khăn, bất cập gì cần được tiếp tục tháo gỡ không, thưa ông?

Ông Đỗ Lập Hiển: Trong quá trình thực hiện, có 2 khó khăn chủ yếu. Khó khăn thứ nhất là về công nghệ, một nền tảng được phát triển để phục vụ 100 triệu dân, kết nối nhiều cơ sở dữ liệu lớn về phòng, chống dịch (dữ liệu khai báo y tế, dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu mã QR…) mà phải hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn thì chắc chắn sẽ xảy ra những trục trặc kỹ thuật, hoặc tình trạng dữ liệu người dùng chưa được đồng bộ đầy đủ. Người dùng thường có tâm lý so sánh ứng dụng chống dịch với những ứng dụng đã ra đời nhiều năm, đã có thời gian tích luỹ và hoàn thiện. Chính vì vậy, khi ứng dụng chống dịch còn sự cố, người dùng có xu hướng thiếu kiên nhẫn và mất đi sự ủng hộ.

Để giải quyết khó khăn này, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đã hoạt động với cơ chế 24/7, liên tục huy động, bổ sung thêm các nguồn lực của doanh nghiệp để phát triển công nghệ và khắc phục các vấn đề gặp phải. Khó khăn thứ hai là về triển khai. Đây mới là điểm mấu chốt bởi một nền tảng có thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác triển khai, quyết định đến 80% sự thành công. Giai đoạn vừa qua, có hiện tượng thiếu thống nhất trong triển khai các biện pháp công nghệ phòng, chống dịch COVID-19. Để giải quyết vấn đề này, 3 Bộ Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông đã thống nhất, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn một cách đồng bộ; đã tổ chức nhóm làm việc chung, giao ban hàng ngày để tháo gỡ các vướng mắc gặp phải.

PV: Theo ông, thành công của các ứng dụng, nền tảng công nghệ phụ thuộc vào yếu tố nào? Công nghệ chiếm bao nhiêu phần trăm, dữ liệu chiếm bao nhiêu phần trăm? Trung tâm có khuyến cáo gì đối với các đơn vị trực tiếp làm công tác thu thập và nhập dữ liệu?

Ông Đỗ Lập Hiển: Trong triển khai công nghệ, chúng tôi tin rằng công nghệ quyết định 20%, còn mô hình tổ chức triển khai, sự đồng thuận triển khai chiếm tới 80% sự thành công. Trong 80% liên quan đến mô hình tổ chức triển khai, có một phần rất quan trọng là dữ liệu. Đội ngũ làm công nghệ không tự sinh ra, tự nghĩ ra dữ liệu; mà dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch đến người dùng, từ các cơ quan quản lý, và đến từ các bộ, ngành, địa phương, không phải là nỗ lực riêng của một bộ, một ngành nào. Vì thế, cần phân biệt tường minh các lỗi, đâu là lỗi của công nghệ, đâu là khiếm khuyết của mô hình tổ chức triển khai, đâu là khiếm khuyết của dữ liệu. Có như vậy, các vấn đề mới được các cơ quan, đơn vị giải quyết, xử lý.

Để cải thiện hiệu quả công tác thực thi tại các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn cho từng cơ sở y tế để sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ hỗ trợ các nghiệp vụ như tiêm chủng, xét nghiệm. Dữ liệu sẽ chỉ được đảm bảo tính toàn vẹn và chính xác nếu như các nền tảng công nghệ được áp dụng triệt để trong các quy trình nghiệp vụ của đội ngũ y tế, tránh sự áp dụng nửa vời, nếu không sẽ chỉ làm khối việc công việc tăng lên mà hiệu quả vẫn không đạt được. Tôi vẫn cho rằng, triển khai công nghệ phòng, chống dịch cũng cần xác định rõ thành công 80% nằm ở quyết tâm thực sự của lãnh đạo và mô hình tổ chức quản lý, 20% nằm ở công nghệ. Khi tổ chức triển khai cần tổ chức mạng lưới hỗ trợ rộng khắp đến tận cấp cơ sở.

PV: Một trong những băn khoăn của người dùng các nền tảng công nghệ, các ứng dụng phòng, chống dịch là tính bảo mật của dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân người dùng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã và có những giải pháp gì để tạo sự yên tâm cho người dùng?

Ông Đỗ Lập Hiển: Ngay từ khi phát triển các ứng dụng, nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch khác, vấn đề an toàn, bảo mật thông tin, dữ liệu đã là một trong những vấn đề được đặc biệt chú trọng. Vì thế, trong quá trình phát triển, ứng dụng, nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch luôn có sự tham gia kiểm soát về an toàn, bảo mật thông tin nói chung, kiểm soát về quyền và việc sử dụng quyền nói riêng của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, gồm Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục A05 (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA cùng đông đảo các chuyên gia an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Tất cả các quyền mà ứng dụng, nền tảng phòng, chống dịch cần được cấp và sử dụng, được kiểm soát chặt chẽ thông qua 4 cơ chế gồm: Kiểm soát bởi hệ điều hành, kiểm soát bởi chợ ứng dụng, kiểm soát bởi chính đội ngũ phát triển ứng dụng của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 và sự giám sát, kiểm soát thường xuyên của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Người dùng có thể yên tâm về vấn đề an toàn, bảo mật thông tin của ứng dụng, nền tảng chống dịch COVID-19 bởi các nền tảng này đều không khai thác vị trí của người dùng, tuân thủ các quy định của pháp luật và tuyệt đối không khai thác thông tin SMS, OTT của người dùng.

PV: Tại các cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đều nhấn mạnh về việc, ngành Thông tin và Truyền thông cần ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ vào tất cả các khâu của công tác phòng, chống dịch. Với vai trò là đơn vị đầu mối, trong thời gian tới Cục Tin học hoá và Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia sẽ có những đề xuất gì trong việc ứng dụng công nghệ sâu hơn để giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề đặt ra cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19?

Ông Đỗ Lập Hiển: Bên cạnh các nền tảng đang được triển khai và ngày càng hoàn thiện về tính năng, hiệu quả, Cục Tin học hoá trong vai trò thường trực Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia hiện vẫn hoan nghênh và tiếp nhận các đề xuất giải pháp công nghệ mới do các doanh nghiệp gửi đến và phối hợp với các doanh nghiệp hoàn thiện các giải pháp thực sự hiệu quả và hữu ích cho công tác chống dịch, hướng đến việc triển khai trên quy mô toàn quốc. Bước tiếp theo sau khi các nền tảng đã được triển khai một cách đồng bộ và rộng khắp, Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia sẽ hướng đến việc triển khai các công nghệ phân tích, mô hình hoá dữ liệu để đưa ra các thống kê dự báo về tình hình dịch, từ đó làm cơ sở cho Bộ Y tế và Chính phủ có quyết sách phù hợp ứng phó với dịch trong giai đoạn tiếp theo. Ví dụ, căn cứ vào dữ liệu truy vết và dữ liệu các ca F1 chuyển biến sang F0, có thể xây dựng mô hình dự báo về tốc độ lây lan của biến chủng mới, dự báo về số lượng F0 trong tương lai trên từng địa bàn, so sánh tương quan với sức tải thực tế của hệ thống y tế trên địa bàn đó, để từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp như có nên giãn cách xã hội cả tỉnh hay không, hoặc nên giãn cách ở mức độ nào để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nói chung…

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hợp lực để chuyển từ phòng ngừa sang tấn công COVID-19 bằng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO