Hướng tới xây dựng CSDL quốc gia ưu tiên giai đoạn 2015 - 2020

03/11/2015 20:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 8/4/2014, phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT các cơ quan nhà nước (CQNN) ở trung ương năm 2014 do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng chủ trì đã tập trung bàn thảo hướng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020.

ĐỀ XUẤT 5 CSDLQG CẦN ƯU TIÊN

Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), cơ quan thường trực của Hội đồng Giám đốc CNTT các CQNN đề xuất trong giai đoạn 2015 - 2020, Chính phủ tập trung ưu tiên cho 5 CSDL quốc gia gồm Dân cư, Doanh nghiệp, Tài chính, Đất đai và Thông tin thống kê kinh tế - xã hội.

Định hướng chung để xây dựng các đề xuất CSDLQG được Cục Tin học hóa cho biết: tài nguyên thông tin rất quan trọng, đưa vào danh mục CSDL quốc gia để được ưu tiên; cần sự ổn định, kế thừa, là nền tảng triển khai cho việc ứng dụng CNTT trong CQNN; việc chia sẻ và sử dụng thuận tiện; không phụ thuộc đặc điểm của hệ thống thông tin, đảm bảo tính chất dùng chung; ít bị ảnh hưởng trong trường hợp thay đổi của các quy trình nghiệp vụ, khai thác dữ liệu; đầu mối tham chiếu đến các CSDL chuyên ngành.

Trong quá trình thực hiện đề xuất này, Cục Tin học hóa đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và nhận được 169 lượt đề xuất, 94 hạng mục thông tin. Đối với các Bộ, ngành, có 58 CSDL được đề xuất là CSDLQG.

Tiêu chí để đề xuất 5 CSDLQG này được Cục Tin học hóa lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và tham khảo kinh nghiệm các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Phillipines bao gồm: lưu trữ thông tin quốc gia, có quy mô lớn, tầm quan trọng ảnh hưởng đến chính trị, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước (82,5%); Dữ liệu được dùng chung, chia sẻ giữa các Bộ, ngành, địa phương (90%); Có phạm vi, đối tượng, thuộc tính dữ liệu phủ rộng toàn quốc (80%); Làm hạ tầng thông tin tạo nền tảng cho các hệ thống thông tin khác hoạt động và phát triển.

Theo thống kê của Cục Tin học hóa, các Bộ, ngành đã, đang và sẽ có kế hoạch triển khai xây dựng tới 226 CSDL. Trong đó, 32 CSDL được xác định là CSDL được phê duyệt trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Thủ tướng Chính phủ trở lên. Tuy nhiên, hầu hết các dự án CSDL đều đang trong tình trạng chậm triển khai, chủ yếu do thiếu kinh phí khi kinh phí cấp "nhỏ giọt" từng năm. Mặt khác, còn có hiện tượng nhiều CSDL được triển khai riêng lẻ để đáp ứng nhu cầu quản lý, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát, thiếu trọng tâm.

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết: "Chỉ riêng thời gian gần đây, Văn phòng Chính phủ đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các Bộ, ngành về việc xây dựng các đề án CSDLQG. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TTTT chủ trì xây dựng báo cáo về định hướng lập các đề án CSDLQG ưu tiên trước mắt để báo cáo Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Cục Tin học hóa đã đề xuất một số tiêu chí xác định CSDLQG và đưa ra 5 CSDLQG thuộc diện ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020".

Cùng với Danh mục CSDLQG ưu tiên giai đoạn 2015 - 2020, Cục Tin học hóa cũng đã đề xuất cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, chia sẻ các CSDLQG. Cụ thể, Bộ Tài chính xem xét xây dựng quy định về phí, lệ phí (nếu có), Bộ TTTT xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường kết nối, liên thông giữa các CSDLQG; Bộ Công an xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo an toàn, an ninh của các CSDLQG. Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đều phải rà soát quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT, lên kế hoạch sử dụng CSDLQG, xây dựng quy chế nội bộ kết nối sử dụng các hệ thống thông tin vào CSDLQG.

Trao đổi ý kiến về các CSDLQG, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CNTT, Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào danh mục ưu tiên CSDLQG về bảo hiểm y tế bởi Nghị quyết mới đây của Quốc hội đã giao Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến năm 2018 phải có CSDLQG về bảo hiểm y tế, kết nối liên thông các phần mềm khám chữa bệnh của các bệnh viện trên toàn quốc, kết nối liên thông trong việc thanh quyết toán bảo hiểm y tế, giám định y tế.

Ông Vũ Duy Lợi, Giám đốc CNTT Văn phòng Trung ương Đảng cho biết có thể xem xét các CSDLQG thành 3 cụm gồm: quản lý tài chính - kinh doanh, quản lý con người và quản lý thông tin kinh tế - xã hội.

Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Hữu Chính cho biết, các Bộ, ngành đều đến lúc cần phải xây dựng CSDL, không thể ngừng được nữa. CSDLQG cũng phải liên thông với chương trình 1605 (theo Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng)

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc CNTT cho biết, tiêu chí CSDLQG sẽ được cụ thể và sâu sắc hơn, quan điểm không loại bỏ các CSDL chuyên ngành khác. Cần chọn CSDL nào là cấp thiết nhất, chọn từ 3 đến 5 CSDLQG là đủ, nếu đề xuất lên đến hàng chục CSDLQG là rất khó khả thi. Bộ TTTT sẽ tiếp thu ý kiến của các Giám đốc CNTT và đưa vào báo cáo tư vấn, tham mưu cho Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT cũng như Thủ tướng để tập trung chỉ đạo ưu tiên những CSDLQG có tính chất nền tảng nhất, phục vụ cho nhiều Bộ, ngành và cộng đồng xã hội trong giai đoạn 2015 -2020. Với những dự án, đề án CSDL khác không có trong Danh mục nhưng đã được phê duyệt triển khai thì vẫn sẽ tiếp tục được triển khai để đáp ứng nhu cầu quản lý và hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương.

Ông Nguyễn Thành Phúc tiếp nhận các ý kiến đóng góp và cho biết, Cục Tin học hóa sẽ rà soát lại 42 CSDLQG trong các văn bản đã quy định và sẽ đề xuất danh mục mới hơn. Mỗi CSDLQG được đưa vào danh sách ưu tiên sẽ có bảng mô tả khái quát về nội hàm khái niệm CSDLQG. Trong báo cáo đề xuất Chính phủ, những CSDLQG được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện và việc trình những dự án này cũng đề xuất kinh phí ưu tiên.

Mặc dù còn nhiều ý kiến về các vấn đề khác như 5 CSDLQG tương đối bao hàm nhiều CSDL chuyên ngành cần thiết, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng các CSDL nhưng các thành viên tham gia phiên họp đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Danh mục các CSDLQG ưu tiên cho giai đoạn 2015 - 2020.

CÓ NÊN THUÊ NGOÀI DỊCH VỤ CNTT?

Tại Hội nghị Giám đốc CNTT lần này, chủ đề thuê ngoài dịch vụ CNTT đã được các Giám đốc CNTT tập trung trao đổi. Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo Quách Tuấn Ngọc cảnh báo hậu quả có thể xảy ra khi các CQNN thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp với hình ảnh ví von kiểu "đổi khách thành chủ“. Cục trưởng Quách Tuấn Ngọc đề nghị Bộ TTTT cần làm rõ vấn đề ai sẽ sở hữu dữ liệu của các CQNN khi các CQNN thuê dịch vụ CNTT của doanh nghiệp. Thuê thiết bị của doanh nghiệp thì đơn giản nhưng việc đưa dữ liệu, nghĩa là trí tuệ, bộ não của mình cho người khác giữ thì có thể sẽ phản tác dụng. Các CQNN chỉ nên thuê dịch vụ CNTT với điều kiện chỉ riêng mình được khai thác các dữ liệu trên hệ thống CNTT.

Bên cạnh vấn đề xác định chủ sở hữu dữ liệu khi thuê dịch vụ CNTT, Cục trưởng Quách Tuấn Ngọc cũng cho rằng, nếu làm theo cách này thì các doanh nghiệp sẽ chủ động "đi đường tắt“ trực tiếp làm việc với các Vụ, Cục. Khi đó, các đơn vị chuyên trách

CNTT của các Bộ, ngành, địa phương sẽ khó hoàn thành vai trò và trách nhiệm của mình. Ông Ngọc cho biết, thực tế đã có 2 cơ quan áp dụng triển khai thuê dịch vụ CNTT là Văn phòng Chính phủ (thuê dịch vụ CNTT của Viettel) và Văn phòng Quốc hội (thuê dịch vụ CNTT của VNPT) theo cơ chế chỉ định thầu. Nếu áp dụng cơ chế thuê dịch vụ tại các CQNN thì phải theo cơ chế đấu thầu.

Trước ý kiến này, ông Nguyễn Thành Phúc có ý kiến: "Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nhiều dự án CNTT bị dừng triển khai vì không bố trí được vốn, nhiều người cổ vũ phương thức thuê dịch vụ CNTT. Theo đó, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư trước các hệ thống CNTT, Bộ ngành trả tiền sau khi sử dụng. Tuy nhiên, khó khăn là từ trước tới giờ rất ít cơ quan làm theo cách này. Vì vậy, dù không có văn bản pháp luật nào cấm CQNN thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp nhưng trên thực tế, các đơn vị phụ trách kế hoạch tài chính của các Bộ, ngành vẫn không quen nên không đồng ý cho thuê dịch vụ CNTT“.

Ông Phúc cho biết thêm, trong dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT, Bộ TTTT đã đề xuất 3 vấn đề liên quan tới vấn đề thuê dịch vụ CNTT gồm: Các CQNN phải ưu tiên sử dụng dịch vụ CNTT thay vì đầu tư xây dựng các hệ thống CNTT bằng vốn ngân sách; Về nguyên tắc, sử dụng dịch vụ CNTT cần tính phương án tránh khả năng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT sẽ can thiệp, làm chủ dữ liệu, còn Bộ, ngành sẽ mất quyền sở hữu dữ liệu; Về kinh phí cho sử dụng dịch vụ CNTT, đề xuất lấy kinh phí từ nguồn chi thường xuyên nhưng không tự chủ chứ không theo phương thức khoán chi.

Gần đây thuê ngoài dịch vụ CNTT được nhiều cơ quan nhà nước quan tâm và nhận được nhiều ý kiến. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp CNTT đề xuất các CQNN nên thuê dịch vụ của các doanh nghiệp thay vì "đổ tiền“ vào đầu tư xây dựng các hệ thống ứng dụng CNTT.

Lan Phương

(TCTTTT Kỳ 2/4/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới xây dựng CSDL quốc gia ưu tiên giai đoạn 2015 - 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO