Gỡ khó cho địa phương triển khai định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ giải quyết TTHC để bộ máy hoạt động hiệu quả, hiệu lực
Trong bối cảnh sắp xếp, thay đổi tổ chức bộ máy, nhiều địa phương đang có những khó khăn nhất định về giải quyết thủ tục hành chính như thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân lực giải quyết thủ tục hành chính không đồng đều. Với sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp bưu chính công ích, khó khăn này sẽ được giảm bớt.
Ngày 05/12/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương do doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) thực hiện (gọi tắt là định mức).
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã nhận được văn bản của một số Sở KH&CN đề nghị hướng dẫn triển khai áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật này tại địa phương, nhất là trong bối cảnh sắp xếp, thay đổi tổ chức bộ máy.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình này, ngày 10/7/2025, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn áp dụng định mức. Hội nghị có sự tham dự của Sở KH&CN; Sở Tài chính; Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Phục vụ Hành chính công (HCC) cấp tỉnh; bưu điện tỉnh/thành phố tại 34 địa phương.

Một số hướng dẫn cụ thể bước đầu
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đã trình bày 8 nội dung hướng dẫn để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai định mức.
Cụ thể, thứ nhất, về áp dụng hệ số điều chỉnh định mức theo lĩnh vực khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước giữa các cơ quan giải quyết TTHC cùng cấp, ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết khi hợp nhất hoặc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý giữa các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp, cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ sẽ áp dụng định mức theo Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT của lĩnh vực theo quy định của pháp luật đó trước khi hợp nhất, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý.
Ví dụ 1, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hợp nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành Sở Nông nghiệp và Môi trường, đối với TTHC trong lĩnh vực đất đai (trước khi hợp nhất thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) về TN&MT) thì sau khi hợp nhất áp dụng hệ số điều chỉnh định mức theo lĩnh vực TN&MT tại Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT.
Đối với TTHC trong lĩnh vực nông nghiệp (trước khi hợp nhất thuộc lĩnh vực QLNN về NN&PTNT) thì sau khi hợp nhất áp dụng hệ số điều chỉnh định mức theo lĩnh vực NN&PTNT tại Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT.
Ví dụ 2, sau khi điều chuyển chức năng, nhiệm vụ QLNN về báo chí, xuất bản từ Sở TT&TT về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch áp dụng hệ số điều chỉnh định mức khi giải quyết TTHC trong lĩnh vực báo chí, xuất bản theo hệ số điều chỉnh định mức của lĩnh vực TT&TT tại Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT.
Thứ hai, về áp dụng hệ số điều chỉnh định mức theo lĩnh vực có TTHC khi thay đổi mô hình Trung tâm phục vụ HCC, Bộ phận Một cửa (BPMC), thì áp dụng định mức khi bỏ BPMC cấp huyện và TTHC chuyển về giải quyết ở cấp tỉnh hoặc giải quyết ở cấp xã theo quy định của pháp luật.
Việc này thực hiện theo nguyên tắc: cấp nào thực hiện TTHC của cấp huyện (trước đây) thì áp dụng hệ số điều chỉnh định mức của cấp huyện theo Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT.
Tiếp theo là, áp dụng định mức trong trường hợp thành lập Trung tâm phục vụ HCC phi địa giới hành chính để xử lý TTHC của cả 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).
Cùng với đó, thực hiện theo nguyên tắc trước đây TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp nào thì áp dụng định mức của cấp đó theo Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT.
Thứ ba, áp dụng hệ số điều chỉnh định mức theo vùng, miền theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Thứ tư, áp dụng định mức trong trường hợp quy mô số hồ sơ TTHC phát sinh ít.
Thứ năm, về số ngày làm việc của lao động hằng tháng thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a Mục 1.2 Phần II Chương II của Phụ lục kèm theo Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT (tính bình quân số ngày làm việc của lao động hằng tháng là 22 ngày làm việc) là chưa bao gồm các ngày nghỉ phép, nghỉ lễ theo quy định của nhà nước.
Thứ sáu, áp dụng định mức đối với các địa phương trong một số trường hợp cụ thể khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Thứ bảy, căn cứ để quyết định định mức tại địa phương. Theo đó, định mức ban hành kèm theo Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT là các mức hao phí tối đa đối với từng nội dung, thành phần hao phí để các địa phương nghiên cứu, quyết định việc áp dụng định mức tại địa phương.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh tham mưu, tổ chức khảo sát, đề xuất áp dụng nội dung, thành phần và mức hao phí tại địa phương, có thuyết minh đầy đủ cơ sở đề xuất, đảm bảo chặt chẽ, sát thực tiễn, tiết kiệm và chịu trách nhiệm về nội dung, thành phần và mức hao phí trong hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC do DN cung ứng dịch vụ BCCI thực hiện tại địa phương.
Thứ tám là triển khai áp dụng định mức do địa phương ban hành. Trên cơ sở định mức do UBND cấp tỉnh ban hành, cơ quan chuyên môn được UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức lập dự toán kinh phí và tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu và các pháp luật có liên quan.
Kinh nghiệm triển khai thành công tại một số địa phương
Tại hội nghị, theo điều hành của lãnh đạo Vụ Bưu chính, 34 địa phương đã trao đổi các ý kiến, vướng mắc xung quanh việc triển khai Quyết định số 2133/QĐ-BTTTT.

Các ý kiến tập trung vào các vấn đề: (1) Kinh phí để năm 2026 triển khai dịch vụ BCCI; (2) Thời hạn thực hiện Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021; (3) Tính định mức khi gộp xã với xã, Sở với Sở; (4) Đánh giá chất lượng dịch vụ BCCI; (5) Đấu thầu dịch vụ BCCI khi có 1 DN BCCI; (6) DN bưu chính khác Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) tham gia cung cấp dịch vụ BCCI; (7) Đầu mối triển khai là Sở KH&CN, hay Văn phòng UBND hay Sở Tài chính; (8) Các tiêu chí về số hoá; (9) Giá trị pháp lý của các văn bản khi Bộ TT&TT hợp nhất với Bộ KH&CN; (10) Mức lương cho nhân viên bưu điện làm thay công chức tại bộ phận một cửa được tính toán như thế nào.
Theo thống kê, hiện nay đã có 9 tỉnh, thành/34 tỉnh, thành đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật theo Quyết định 2133 bao gồm: Bắc Ninh, Cà Mau, TP. HCM, Gia Lai, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Huế, Lạng Sơn, Sơn La.
Thông tin về việc triển khai định mức tại Đắc Lắc, đại diện Sở KH&CN cho biết địa phương đã xây dựng một Đề án thí điểm về cơ chế giao DN cung ứng dịch vụ BCCI và triển khai từ năm 2023. Căn cứ Quyết định 2133/QĐ-BTTT, Sở KH&CN đã xây dựng các văn bản và xin ý kiến các ngành Nội vụ, Tư pháp, Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh và dự kiến trong tháng 7/2025, văn bản sẽ được ban hành để triển khai thực hiện.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công, đại biểu đến từ Sở KH&CN TP. Huế cho biết đối với tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây và nay là TP. Huế đã căn cứ vào văn bản của Bộ để ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của địa phương và sử dụng định mức của Bộ hướng dẫn.
“Đến nay, Văn phòng UBND TP. Huế đã ký hợp đồng chung cho toàn bộ phường, xã trên địa bàn tỉnh với Bưu điện tỉnh, tập huấn cán bộ của Bưu điện để thực hiện hướng dẫn các hồ sơ TTHC trên địa bàn của toàn thành phố”.
Theo thống kê, tổng số hồ sơ trên địa bàn TP. Huế đã được tiếp nhận là hơn 4000 hồ sơ. Các đơn vị đã triển khai 148 điểm tiếp nhận hồ sơ TTHC. Thời gian vừa qua, các hoạt động thông suốt và chưa có vướng mắc nào.
Một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương… đã trình kế hoạch lên UBND tỉnh để được phê duyệt thực hiện 6 tháng cuối năm 2025.
Bưu điện mở rộng điểm phục vụ tiếp nhận TTHC
Cũng tại hội nghị, đại diện DN BCCI, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng công ty BĐVN đề nghị các địa phương sớm trình định mức kinh tế kỹ thuật năm 2026. BĐVN cũng mong sau hội nghị này, các tỉnh sẽ sớm ban hành định mức kỹ thuật cho Bưu điện tỉnh để việc triển khai tiếp nhận TTHC một cách thuận lợi, đúng quy định.

Về chuyển giao trung tâm HCC theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, ông Chu Quang Hào cho biết hiện nay đã có 20/30 tỉnh đã bàn giao Trung tâm HCC cấp tỉnh sang cho Bưu điện tỉnh thực hiện.
14 tỉnh chưa bàn giao Trung tâm HCC bao gồm Cà Mau, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Trị, Đồng Nai, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá, Cao Bằng, Sơn La, TP. HCM.
Theo lộ trình, BĐVN đang phối hợp với Cục Cải cách TTHC công - Văn phòng Chính phủ để triển khai nhanh Quyết định 468 và sẽ đánh giá vào Quý I năm 2026 đối với việc triển khai Quyết định 468 của các địa phương. Theo đó, ông Chu Quang Hào đề nghị các địa phương chưa bàn giao trung tâm HCC cho bưu điện tỉnh thì sớm triển khai bàn giao trong Quý III để bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả khi chuyển giao nhiệm vụ này cho DN bưu chính quốc gia - DN BCCI là BĐVN.
Hiện nay, Tổng công ty BĐVN cũng đang xây dựng Đề án dịch vụ công để triển khai tại các điểm Bưu điện - Văn hoá xã (BĐVHX) của Tổng công ty nhằm giảm áp lực cho trung tâm HCC của xã và tỉnh mới. Theo đó, BĐVN sẽ mở rộng cơ sở vật chất, tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ phục vụ tổ chức, người dân, DN gần nhất để người dân phải đi lại quá xa làm TTHC.
Xu hướng Nhà nước chuyển giao những công việc không nhất thiết phải làm cho DN thực hiện
Kết luận Hội nghị, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính đã ghi nhận các ý kiến của các địa phương, một số ý kiến của các địa phương đã phần nào được giải đáp.

Các vấn đề được các địa phương trao đổi tại Hội nghị sẽ được Vụ Bưu chính tổng hợp và trả lời các địa phương bằng văn bản hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.
Về việc các địa phương triển khai Quyết định 2133 và có những điểm khó khăn, vướng mắc, chưa hợp lý, theo ông Lã Hoàng Trung Vụ Bưu chính sẽ điều chỉnh sớm. Vụ Bưu chính cũng sẽ sớm tổ chức tập huấn về định mức cho các địa phương vào đầu tháng 8/2025.
Ông Lã Hoàng Trung cũng đề nghị các Sở KH&CN, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh tích cực, chủ động triển khai Quyết định 468.
Vụ trưởng Vụ Bưu chính cũng nhấn mạnh, để tiếp tục tinh gọn bộ máy nhà nước, Trung ương đã có chỉ đạo: các công việc mà nhà nước nhất thiết không phải làm thì có thể chuyển giao cho DN thực hiện. “Đây là giải pháp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước mà không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai”./.