Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.
Để về đích NTM, từ năm 2010 đến nay huyện đã huy động các nguồn vốn đạt 4.786,2 tỷ đồng, phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông huyện Quảng Xương được đầu tư nâng cấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn.
Đến nay, huyện Quảng Xương đã có 29/29 xã đạt chuẩn NTM, toàn huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí cấp huyện, diện mạo huyện Quảng Xương được thay đổi toàn diện, mạnh mẽ, không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Nhiều công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, trường học… được xây mới, sửa chữa, nâng cấp đã đưa vào sử dụng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hiện đạt 14,3%, tăng 2,5% so với năm 2010. Kinh tế phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Giai đoạn 2010 - 2018 đã đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 350,3 km đường giao thông các loại. Hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh ở 29 xã có 90 trường học ở 3 cấp học, trong đó có 30 trường mầm non, 31 trường tiểu học, 29 trường trung học cơ sở.
Cũng trong giai đoạn 2010 - 2018, huyện đã đầu tư 254,7 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới 43 công trình trường học với 221 phòng học và 72 nhà hiệu bộ, chỉnh trang khuôn viên các nhà trường; mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Hiện tại, huyện đã có thêm 38 trường đạt chuẩn, nâng số trường học đạt chuẩn lên 75 trường.
Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, huyện Quảng Xương có 23 chợ nằm trong quy hoạch hệ thống chợ của tỉnh. Trong giai đoạn 2010 -2018 huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 16 công trình đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân với tổng nguồn vốn 21,2 tỷ đồng.
Về sản xuất nông nghiệp, các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích đạt trên 4.500ha/năm được hình thành và phát triển. Hơn 200 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó chuyển đổi sang trồng thuốc lào 150 ha, trồng ngô 10ha, trồng hoa, rau màu các loại hơn 40 ha; chuyển đổi một phần diện tích trồng cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (10ha tại xã Quảng Khê), mở rộng thêm 50 ha ngô tăng tổng diện tích trồng ngô vụ Đông của huyện lên 500ha, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha...
Việc thí điểm 13 chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như chuỗi sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Lưu với diện tích 9ha, xã Quảng Yên diện tích 12,8ha cung ứng sản phẩm sạch cho các bếp ăn, nhà hàng, siêu thị được triển khai; chuỗi sản xuất lúa gạo đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao...
Thu nhập đầu người đạt bình quân 42,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,5 lần so với thời điểm triển khai xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% năm 2010 xuống còn 3,25% năm 2018…