ICT - Công cụ hữu hiệu trong ứng phó với biến đổi khí hậu (P2)

03/11/2015 20:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Công tác nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ ICT xanh (green ICT) mới chỉ nhen nhóm, chưa có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hay chế tài bắt buộc sử dụng rõ ràng. Do đó, trong thời gian tới, ngành ICT cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn cả về công nghệ và xây dựng chính sách để ICT thực sự phát huy hết tiềm năng trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

ỨNG DỤNG ICT NHẰM ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI VIỆT NAM

Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các tỉnh thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. TP. Hồ Chí Minh có khả năng bị ngập trên 20% diện tích, 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP [6]

Hiện nay, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cùng sự phối hợp từ các Bộ, Ban ngành khác, đảm bảo quá trình triển khai thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương [7]. Liên tiếp những năm gẩn đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể: năm 2008, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008); năm 2011 ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011); năm 2012 ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012). Gẩn đây nhất, ngày 08/10/2014, Thủ tướng đã ký Văn kiện sửa đổi Khung Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

Vai trò của ICT nhằm ứng phó hiệu quả trước tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra ở Việt Nam được lồng ghép trong các giải pháp chung như sau:

Giám sát, cảnh báo

-Xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng với công nghệ hiện đại, đồng bộ, độ chính xác cao; gắn kết với hệ thống thông tin địa lý, viễn thám, đảm bảo cung cấp thông tin về các vùng khí hậu Việt Nam. Nâng cao khả năng dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoạn ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu. 

-Xây dựng Atlas khí hậu và biến đổi khí hậu cho Việt Nam nhằm điều tra, đánh giá, lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá các vùng miền núi, phục vụ cho việc hoạch định chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Tăng cường truyền thông, giáo dục

-Đánh giá, đưa kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu vào trong các chương trình, bậc giáo dục, đào tạo; phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

-Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến về tác động, nguy cơ và cơ hội từ biến đổi khí hậu: tổ chức, hưởng ứng ngày lễ như Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Nước thế giới (22/3), Giờ Trái đất...; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tọa đàm về biến đổi khí hậu; xây dựng các chuyên trang, phim ảnh, phóng sự; tổ chức phóng viên đi thực tế phản ánh công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương.

Phát triển khoa học - công nghệ (phần liên quan đến ICT)

-Ứng dụng các công nghệ xanh (Green PC, Green Light...) vào cuộc sống.

-Nâng cao năng lực quản lý chất thải: đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, giảm thiểu phát thải khí nhà kính ra ngoài môi trường [6,8]. Quyết định 50/2013/QĐ-TTg ngày 09/8/2013 của Thủ tướng quy định, từ 01/01/2015, các loại thiết bị điện tử (như máy vi tính, điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh.) hết thời hạn sử dụng sẽ bị thu hồi.

Nói chung, Việt Nam rất quan tâm đến các chương trình, dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ngày 8/10/2014, tại cuộc họp giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu tổ chức cuộc họp với các nhà tài trợ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển tại Việt Nam, Chính phủ đã cam kết chi ít nhất 3000 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu trong năm 2015. Tuy nhiên, vai trò của ngành ICT trong các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu chưa thực sự rõ nét, chủ yếu là tuyên truyền, giáo dục, quản lý hàng hóa ICT hết hạn sử dụng, một số hệ thống giám sát môi trường. Việc đẩy mạnh họp trực tuyến trong các cơ quan nhà nước thời gian qua đã thể hiện vai trò gián tiếp của ICT giúp giảm lượng khí thải CO2 cho việc đi lại, mặc dù mục tiêu trực tiếp là tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Công tác nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ ICT xanh (green ICT) mới chỉ nhen nhóm, chưa có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hay chế tài bắt buộc sử dụng rõ ràng. Do đó, trong thời gian tới, ngành ICT cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn cả về công nghệ và xây dựng chính sách để ICT thực sự phát huy hết tiềm năng trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Tài liệu tham khảo

[1].Biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của biển đổi khí hậu, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Đại học Nông lâm TP.HCM, 2009.
[2].ZANAMWE and OKUNOYE, Role of information and communication technologies (CTs) in mitigating, adapting to and monitoring climate change in developing countries, International Conference on CT for Africa, 2013, Harare, Zimbabwe.
[3].http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=39031#. VDnXDJ_shR.
[4].Information andcommunicatbn technologe (ICTs) andclimate change adaptation and mitigation: The case of Ghana, ITU, 2012.
[5].https://itunews.itu.int/en/2847-Ghanas-vulnerability-to- climate-change.note.aspx.
[6].Quyết định số 1824/QĐ-TTg ngày 08/10/2014 phê duyệt văn kiện sửa đổi Khung Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).
[7].Quyết định về việc ban hành quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, số 25/QĐ-UBQGBĐKH, 20/03/2012.
[8].Quyết định Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, số 2139/QĐ-Tg, 05/12/2011.

Đỗ Hữu Tuyến

(TCTTTT Kỳ 2/10/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ICT - Công cụ hữu hiệu trong ứng phó với biến đổi khí hậu (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO