Indonesia: Câu chuyện về các startup kỳ lân và số hóa

Ngọc Diệp| 26/10/2021 14:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong vài năm trở lại đây, số lượng startup kỳ lân mới được sinh ra tại Indonesia đã tăng nhanh.

Indonesia: vùng đất của các startup kỳ lân

Indonesia hiện là nơi đặt trụ sở của 8 startup kỳ lân - công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD, gồm: tập đoàn công nghệ GoTo Group (trên cơ sở sáp nhập Gojek và Tokopedia), hai sàn thương mại điện tử (TMĐT) Bukalapak và JD.id, công ty chuyển phát nhanh J&T Express, trang du lịch Traveloka, ví điện tử Ovo, cổng thanh toán Xendit và nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến Ajaib. Con số này chiếm khoảng 1/5 tổng số kỳ lân trong khu vực Đông Nam Á.

Trong số 8 kỳ lân này, nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến Ajaib là kỳ lân mới nhất của Indonesia sau khi huy động được 153 triệu USD. Như vậy, chỉ sau 2,5 năm thành lập, Ajaib đã đạt được vị thế kỳ lân và trở thành công ty khởi nghiệp tỷ USD trẻ nhất của Indonesia. Các nhà đầu tư hiện tại tham gia vòng Series B của startup bao gồm Ribbit Capital, IVP và ICONIQ Capital cùng với Insignia Ventures, Alpha JWC Ventures, SoftBank Ventures và Horizons Ventures của tỷ phú Li Ka-shing.

Chandra Tjan, đối tác chung của Alpha JWC Ventures cho rằng: "Thành công của Ajaib phản ánh sự tăng trưởng và sức mạnh của thị trường công nghệ và vốn của Indonesia".

Theo trang ycpsolidiance, mặc dù con số 8 kỳ lân của Indonesia dường như còn có vẻ khiêm tốn so với tổng số 800 kỳ lân trên thế giới, nhưng điều này rất có ý nghĩa, đặc biệt khi con số này tại Đông Nam Á hiện vào khoảng 40. Do đó, sự xuất hiện của những startup kỳ lân tại Indonesia cho thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của quốc gia này trong và sau đại dịch COVID-19, và quan trọng hơn, nó cũng cho thấy những nỗ lực của chính phủ Indonesia và người dân nhằm thúc đẩy một nền văn hóa khuyến khích phát triển kinh doanh và những cơ hội đầu tư trong tương lai.

Kỳ lân của Indonesia và số hóa - Ảnh 1.

Những yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ "startup kỳ lân" tại Indonesia

Sự xuất hiện của kỳ lân Indonesia không chỉ chứng minh rằng quốc gia này đã trở thành một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới, mà còn là cơ hội đầu tư tuyệt vời cho các nhà đầu tư. Yếu tố chính thúc đẩy phát triển các kỳ lân này chính là sự tiến bộ nhanh chóng trong việc số hóa của Indonesia, điều này đã mang lại lợi ích trực tiếp cho 8 startup kỳ lân khi những doanh nghiệp (DN) này hoạt động trong các ngành thích ứng với kỹ thuật số như fintech, TMĐT và logistics. Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều công ty và người tiêu dùng đã kích hoạt trực tuyến và chuyển sang không gian số.

Theo báo cáo "nền kinh tế số Đông Nam Á" năm 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số của Indonesia đã đạt mức tăng trưởng hai con số 11% vào năm 2020 với giá trị 44 tỷ USD; tăng hơn 4 tỷ USD so với giá trị được ghi nhận vào năm 2019. Hơn nữa, nền kinh tế số của đất nước này dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa khi tổng giá trị được dự đoán đạt 124 tỷ USD vào năm 2025 theo một bài báo của Antara News.

Sự tăng trưởng này còn do một lượng lớn các nhà đầu tư đổ dồn vào Indonesia, những người ngày càng nhận thức được tiềm năng số ấn tượng của Indonesia. Theo tờ Nikkei Asia, với các công ty công nghệ lớn trên thế giới, Indonesia đang là vùng đất hứa. Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, Facebook, Google, Microsoft vẫn đầu tư vào các startup kỳ lân của Indonesia, gồm: Gojek (gọi xe công nghệ); Tokopedia và Bukalapak (nền tảng TMĐT).

Giống như tại Ấn Độ, các công ty lớn bị Indonesia hấp dẫn vì đây là một thị trường quá lớn, với quy mô dân số lớn đứng thứ 4 thế giới và chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Theo một báo cáo của We Are Social, tính đến tháng 1/2021, số lượng người dùng Internet ở Indonesia được ghi nhận là 202,6 triệu người với tỷ lệ thâm nhập 73,7%. Trong tổng số 202,6 triệu người dùng Internet ở Indonesia, 96,4% trong số họ sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet.

Hồi tháng 9 năm ngoái, The Star đã báo cáo rằng thị trường vốn của Indonesia hiện có 2,3 triệu nhà đầu tư mới đăng ký chỉ sau 1,5 năm kể từ khi đại dịch xuất hiện. Sự gia tăng đã được dẫn dắt bởi những người thuộc thế hệ millennials, đây là một tín hiệu lạc quan cho tương lai của nền kinh tế Indonesia bởi nó cho thấy sự quan tâm và háo hức đầu tư của những người trẻ tuổi trong nhiều năm tới.

Đảm bảo tăng trưởng bền vững

Tương tự, các DN mới thành lập cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của các nhà đầu tư cá nhân và các nhóm đầu tư nổi tiếng. Ví dụ, công ty khởi nghiệp ở Indonesia Ula - công ty vận hành nền tảng TMĐT giữa DN với DN (B2B) - mới đây đã huy động được 87 triệu trong vòng tài trợ Series B, do Prosus Ventures, Tencent và B-Capital đồng dẫn đầu. Bên cạnh đó, công ty của tỷ phú Bezos - Bezos Expeditions, Northstar group, AC Ventures và Citius cũng tham gia đầu tư.

Bằng cách thu hút vốn đầu tư đáng kể từ nhiều nguồn, trọng tâm giờ đây chính là cách chính phủ Indonesia có thể tận dụng lợi ích gia tăng này, đáng chú ý là Luật Omnibus của Indonesia.

Theo giới phân tích, Luật Omnibus nhằm cải tổ toàn diện hệ thống các quy định hiện hành liên quan tới một số lĩnh vực kinh doanh (như cấp phép, hạn chế đầu tư nước ngoài, luật lao động,...) và là nền tảng thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, Luật Omnibus đã vấp phải sự phản đối của hàng triệu người dân Indonesia Theo một bài báo của China Dialogue, các nhóm phản đối cho rằng những thay đổi được đề xuất mặc dù có lợi cho sự phát triển các DN trong tương lai như các công ty fintech nhưng sẽ làm tổn hại tới người lao động, những người vốn đang quay cuồng với "dư chấn kinh tế" của đại dịch COVID-19. Theo đó, những quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng như cắt giảm thời gian nghỉ việc bắt buộc, cắt giảm tiền trợ cấp thôi việc của người lao động.

Vì vậy, để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai, Indonesia sẽ cần đạt được sự cân bằng giữa việc cải cách nhằm khuyến khích phát triển kinh doanh, đồng thời quan tâm chặt chẽ đến những nhóm dễ bị tổn thương và kết hợp với các giải pháp số sáng tạo giúp ích cho các cộng đồng này. Bằng cách tận dụng quá trình số hóa đang diễn ra nhanh chóng trên khắp đất nước, Indonesia có thể ban hành các cải cách chính sách nhằm tăng cường kết nối và truy cập, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là sự bao trùm về kỹ thuật số. 

Với số lượng người dùng Internet tăng 27 triệu người, tương đương 16% từ năm 2020 đến năm 2021, chính phủ, DN và người dân Indonesia đang trên đường khai thác tiềm năng số của Indonesia, với sự xuất hiện của nhiều startup kỳ lân hơn trong tương lai./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Indonesia: Câu chuyện về các startup kỳ lân và số hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO