Tại các quốc gia đang phát triển việc thúc đẩy ứng dụng ICT đã trở thành chiến lược hành động quốc gia nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo cơ hội việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống đặc biệt ở các vùng khó khăn, vùng sâu, xùng xa biên giới, hải đảo.
Ảnh sưu tầm chỉ có tính chất minh họa
Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, tốc độ cao trên toàn lãnh thổ là một trong những tiền đề cơ bản cho quá trình thu hẹp khoảng cách số diễn ra nhanh hơn. Trên cơ sở các chính sách, chiến lược phù hợp trong từng giai đoạn, việc tập trung đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng có thể diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, việc thúc đẩy các ứng dụng trên nền hạ tầng viễn thông băng rộng trở nên hết sức phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà điển hình là sự mất đồng bộ trong việc ứng dụng ICT giữa các ngành trong nền kinh tế và tính đa dạng của cấu trúc dân số. Về cơ bản, sự thành công của quá trình thu hẹp khoảng cách số ở mỗi quốc gia do các chế định, chính sách và tầm nhìn chiến lược của quốc gia đó quyết định. Tuy nhiên, việc chia sẻ các kinh nghiệm thông qua các hoạt động hợp tác song phương, đa phương là yếu tố rất quan trọng. Do vậy, chúng tôi đánh giá cao vai trò của ITU trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển xây dựng các bộ chỉ số đánh giá về ICT, chia sẻ kinh nghiệm triển khai băng rộng và ứng dụng ICT giữa các thành viên, hỗ trợ đào tạo và tư vấn của các bên liên quan và các tổ chức học thuật đối với các kỹ năng chuyên môn và hoạch định chiến lược phát triển… Băng rộng đang có xu hướng ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống xã hội và sẽ càng rõ nét hơn trong thời gian tới. Để mọi người dù trong các điều kiện kinh tế, địa lý không thuận lợi đều có thể dễ dàng và có nhu cầu tiếp cận với dịch vụ băng rộng thì trước hết giá cước dịch vụ phải rẻ sau đó các dịch vụ và ứng dụng nội dung phải phong phú và thiết thực. Nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ triển khai hạ tầng mạng viễn thông, biện pháp khuyến khích, bắt buộc sử dụng và đồng bộ các ứng dụng ICT giữa các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế mà trước hết là trong các hoạt động hành chính công, thương mại điện tử tiến đến xây dựng hoàn thiện chính phủ điện tử. Một lần nữa, ITU và kinh nghiệm của các nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc định hướng xây dựng hạ tầng, triển khai công nghệ, phát triển dịch vụ và ứng dụng trong xu thế hội tụ viễn thông và Internet. Cấu trúc dân số phức tạp là một trở ngại thực sự trong việc thúc đẩy ICT ở phạm vi quốc gia nói riêng và khu vực nói chung. Các chính sách và định hướng triển khai ICT cần thực hiện phù hợp trong từng giai đoạn và đối tượng sử dụng để tăng thêm tính thiết thực của ứng dụng ICT trong các hoạt động thường ngày của đời sống và đảm bảo tính riêng tư cũng như an toàn an ninh thông tin, những vấn đề đang dần trở nên phức tạp trong sự phát triển “không biên giới” của mạng xã hội, của thực tế ảo và IoT. Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã là quy định bắt buộc và được luật hóa ở rất nhiều quốc gia trên thế giới mà Việt Nam là một ví dụ điển hình. Từ dự thảo đến khi được Quốc hội thông qua năm 2009, những quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã phần nào thể hiện tính chất ưu việt của chế độ, tầm nhìn vĩ mô và giá trị cốt lõi của phổ cập dịch vụ viễn thông đến mọi miền tổ quốc và mọi người dân, đảm bảo quyền được được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới, một quyền con người trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc nói chung và sứ mệnh của ITU nói riêng. Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được triển khai trong giai đoạn 2006-2010 không chỉ đạt được các mục tiêu quan trọng về phổ cập dịch vụ viễn thông mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao dân trí khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm khoảng cách thụ hưởng dịch vụ viễn thông giữa các vùng miền và cộng đồng dân cư. Trong giai đoạn mới, ảnh hưởng của băng rộng và hội tụ dịch vụ đã làm thay đổi căn bản cách thức tiếp cận xây dựng chương trình viễn thông công ích trong đó tập trung xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng tại trên phạm vi cả nước, ưu tiên quang hóa vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Việc tích cực tham gia các hoạt động, các hội nghị quốc tế, hội nghị toàn quyền của ITU trong một thời gian dài đã tạo ra vô số cơ hội trao đổi và học tập các kinh nghiệm quốc tế về triển khai hạ tầng viễn thông băng rộng cũng như triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích nói riêng và phát triển viễn thông nói chung. Hội tụ công nghệ, hội tụ dịch vụ, tích hợp và ảo hóa các phần tử mạng lưới đã và đang làm thay đổi cách thức quản lý viễn thông ngày nay. Biên giới viễn thông đang mờ dần theo kết nối và dịch vụ bên cạnh những vấn đề mang tính đặc thù của từng quốc gia cũng không rõ ràng hơn trong các hội nghị của ITU.
Phòng Cơ chế chính sách và quy hoạch-Cục Viễn thông