Kể cả hết dịch COVID-19, khám chữa bệnh online vẫn sẽ "lên ngôi"

Thảo Anh| 15/08/2021 15:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, khám chữa bệnh online đã "lên ngôi" và có thể vẫn giữ vững vị trí kể cả khi không còn dịch Covid-19. Phương thức này góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện.

Công cuộc chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ đang len lỏi vào đời sống và giúp ngành Y tế đảm bảo vận hành công tác khám chữa bệnh trong đại dịch dễ dàng hơn.

Lượng bệnh nhân khám trực tiếp giảm sâu

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, tình trạng nhiều bệnh nhân e ngại và "sợ" đến bệnh viện xảy ra. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho biết, số lượng bệnh nhân đến thăm khám trực tiếp tại bệnh viện giảm đi từ 50 - 60% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

"Đây cũng là một sự thay đổi dễ hiểu khi chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, việc đi lại khám bệnh rất khó khăn. Ngoài ra, cũng có những rào cản để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh như việc sàng lọc dịch tễ và yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19. Những bệnh lý thông thường được khuyến cáo có thể khám ở bệnh viện tuyến địa phương.

Tuy nhiên, những bệnh như phổi tắc nghẹn mãn tính, bệnh lao, bệnh hen suyễn, bệnh ung thư, bệnh gan... là những bệnh rất nguy hiểm. Vì thế, Bệnh viện Phổi trung ương vừa làm công tác khuyến cáo bệnh nhân nhưng không tạo rào cản đối với bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu cần được thăm khám và tiếp xúc y tế trực tiếp" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung phân tích.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho hay, lượng bệnh nhân đến khám hàng ngày giảm rất nhiều, chỉ lác đác người đến khám trong ngày.

Như vậy, thực tế, những bệnh không lây nhiễm nếu không tận dụng được thời gian vàng để phát hiện và điều trị sẽ nguy hiểm không kém COVID-19. Trước tình hình đó, tư vấn khám bệnh online, khám chữa bệnh từ xa được các bệnh viện tổ chức "cứu cánh" và giảm tải cho ngành Y tế.

Thêm nhiều sự lựa chọn khi khám bệnh online

Kể cả hết dịch COVID-19, khám chữa bệnh online vẫn sẽ

Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và nhiều bệnh viện tổ chức hình thức khám chữa bệnh trực tuyến.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tìm hướng tiếp cận với bệnh nhân qua kênh khám chữa bệnh online.

"Chúng tôi không cấp thuốc 1 tháng mà cấp thuốc đủ liều 2 tháng cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân cần tái khám hoặc cấp thuốc tiếp, chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin để người dân tiếp cận được hệ thống y tế mà không cần đi lại. Cách thứ 2 là chúng tôi kết nối với Bệnh viện Phổi tuyến tỉnh người bệnh tiếp cận được thuốc mà không bị ngắt quãng" - PGS.TS Viết Nhung nói.

Về chu trình khám chữa bệnh online, người bệnh có thể tiếp cận, đăng ký trực tiếp với bác sĩ thông qua hotline hoặc trang web của bệnh viện. Bác sĩ sẽ tư vấn qua điện thoại hoặc gọi điện hình ảnh với người bệnh.

"Hiện nay, mỗi ngày, chúng tôi khám online từ 10 - 30 bệnh nhân có nhu cầu theo dõi sức khoẻ trong dịch bệnh COVID-19. COVID-19 đã dạy cho chúng ta là nếu không biết tự chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho mình thì chúng ta sẽ mắc bệnh. Vì thế trong trường hợp không thể đến bệnh viện nên tự lắng nghe cơ thể, tìm đến sự tư vấn ngay khi cần" - bác sĩ Nhung khuyến cáo.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trong dịch bệnh, người dân thường xuyên cập nhật kiến thức, có nhiều kênh tư vấn như khám bệnh online sẵn có. Ngoài ra, các bệnh viện còn cung cấp rất nhiều dịch vụ, bài giảng trực tuyến mà mọi đối tượng đều có thể tiếp cận.

"Tôi nghĩ rằng về thói quen khám bệnh sau đại dịch sẽ có nhiều thay đổi tích cực khi mà người dân biết quan tâm hơn đến sức khoẻ. Những bệnh lý thông thường ngoài đến khám trực tiếp thì người bệnh có nhiều lựa chọn khi có thể tư vấn online qua nhiều kênh, phải chọn kênh bệnh viện uy tín. Mỗi người dân là mắt xích giúp chúng ta an toàn vượt qua đại dịch và khám bệnh online cũng góp phần cho điều đó" - PGS.TS Viết Nhung cho hay.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), từ ngày 12.8, nhằm giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, đồng thời phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của bệnh, tránh tình trạng đưa bệnh nhân đến cấp cứu trong những tình huống không cần thiết, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19, nhưng cũng không để bệnh nhân trở nặng mới đưa đến bệnh viện làm lỡ thời gian vàng điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện đã đưa vào hoạt động 30 số điện thoại di động chuyên tư vấn, khám bệnh qua điện thoại hoặc video call cho bệnh nhân không phải là bệnh nhân COVID -19.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn - khuyến cáo người dân có thể tư vấn, khám chữa bệnh online từ các bệnh viện, không nên tự ý "bắt bệnh" tại các nhà thuốc khi không thể đến bệnh viện.

"Nếu tự bắt bệnh và dùng thuốc không theo chỉ định có thể sẽ ảnh hưởng đến cả tính mạng. Bởi khi qua thời gian bệnh tiến triển nặng hơn không có cơ hội trở lại cứu chữa dẫn đến nguy cơ tử vong" - bác sĩ Lan Hương cho hay.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, các bệnh viện chú trọng phát triển hệ thống khám bệnh online song vẫn tiếp nhận bệnh nhân tình trạng nguy kịch hoặc bệnh nhân cần được thăm khám trực tiếp bởi tính mạng người bệnh là quan trọng nhất, không thể trì hoãn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kể cả hết dịch COVID-19, khám chữa bệnh online vẫn sẽ "lên ngôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO