Kế hoạch thực hiện kết nối hạ tầng thương mại biên giới với Campuchia

XT| 21/08/2020 13:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia.

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia.

Kế hoạch thực hiện sẽ triển khai từ ngày 19/8/2020 đến khi Bản ghi nhớ hết hiệu lực vào tháng 10/2022. Kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai thực hiện trong 3 năm tiếp theo nếu Bản ghi nhớ được gia hạn.

Theo Kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Bản ghi nhớ; xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới; chia sẻ thông tin và đào tạo…

Trong đó, trong giai đoạn 2021 - 2022, tiến hành khảo sát và thống nhất báo cáo Chính phủ hai bên xây dựng ít nhất 1 chợ biên giới.

Đồng thời, triển khai các hoạt động khuyến khích thương nhân Việt Nam và Campuchia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới theo quy định; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư thúc đẩy xây dựng phát triển hạ tầng thương mại biên giới tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia; hỗ trợ thương nhân tổ chức giới thiệu, quảng bá và phân phối hàng hóa tại chợ biên giới, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm hội chợ, triển lãm…

Trước đó, vào đầu tháng 10/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Techno Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia.

Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về Phát triển, kết nối hạ tầng thương mại biên giới với Campuchia - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng Phát triển Campuchia - Ảnh: Trần Hải

Thủ tướng Hun Sen khẳng định, Chính phủ Campuchia đang nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cơ chế đối thoại chính phủ và doanh nghiệp (DN), cắt giảm các chi phí kinh doanh, xây dựng dự thảo Luật mới về đầu tư và đặc khu kinh tế, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho đầu tư kinh doanh. Theo đó, Campuchia sẽ cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN với khoảng 400 triệu USD mỗi năm...

Thủ tướng Hun Sen cho biết, vào dịp Tết hằng năm, sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư Việt Nam cũng như đề xuất tổ chức cuộc gặp gỡ thường kỳ giữa Hội đồng Phát triển Campuchia và cộng đồng DN Việt Nam tại Campuchia để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng Hun Sen bày tỏ ủng hộ việc lập đặc khu kinh tế Việt Nam - Campuchia tại Campuchia cho nhà đầu tư Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã có 214 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng số đăng ký đạt trên 3,1 tỷ USD, trong đó có 176 dự án còn hiệu lực với tổng số đăng ký đạt 2,77 tỷ USD. Ngược lại, Campuchia cũng đã có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64 triệu USD.

Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt con số 5 tỷ USD, và 2 Thủ tướng nhất trí sẽ đưa kim ngạch vượt con số 10 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.

Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen, 2 cơ quan quản lý về đầu tư của 2 nước là Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng Phát triển Campuchia đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch thực hiện kết nối hạ tầng thương mại biên giới với Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO