Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chụp ảnh lưu niệm cùng các Bộ trưởng Viễn thông và CNTT các nước ASEAN
Tham dự Hội nghị có ông Lê Lương Minh - Tổng thư ký ASEAN, các Bộ trưởng phụ trách về viễn thông và CNTT của 10 nước ASEAN, các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và đại biểu cấp Bộ trưởng của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), cùng hơn 200 đại biểu cấp tùy tùng. Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son – Chủ tịch Hội nghị; Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng – Trưởng đoàn Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ TT&TT; đại diện các bộ, ngành; đại diện các Sở TT&TT, các Hiệp hội và doanh nghiệp ICT trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, đây là Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên được tổ chức sau khi Cộng đồng chung ASEAN vừa mới chính thức được tuyên bố thành lập bởi các nhà Lãnh đạo ASEAN cách đây 2 ngày trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Malaysia. Hội nghị lần này sẽ thảo luận và thông qua các chương trình, hoạt động hợp tác nhằm tăng cường kết nối về hạ tầng thông tin, thu hẹp khoảng cách số và nâng cao khả năng ứng dụng CNTT trong ASEAN, các chương trình hợp tác với các nước đối thoại và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, thông qua các chương trình hợp tác song phương và đa phương, Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh, hiện đại hóa trong hơn 20 năm qua và đã xây dựng Viễn thông-CNTT thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của đất nước.
Các cơ sở hạ tầng viễn thông tại Việt Nam đã được đầu tư để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu của người dân. Tính đến nay, các mạng di động 3G đã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh của Việt Nam. Việt Nam có hơn 130 triệu thuê bao, đạt tỉ lệ khoảng 145 thuê bao/100 dân. Ứng dụng CNTT được coi là ưu tiên hàng đầu và đang được đẩy mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Về số hóa truyền hình, đầu tháng 11 này, thành phố Đà Nẵng, nơi đang tổ chức Hội nghị, là địa phương đầu tiên ở Việt Nam chính thức ngừng phát sóng truyền hình analogue, chuyển hẳn sang các chương trình truyền hình số. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tục thực hiện số hóa truyền hình và sẽ hoàn thành trong cả nước vào năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện các sáng kiến và chương trình hợp tác ASEAN, Việt Nam luôn tích cực và chủ động tham gia, đóng góp và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên để nâng cao hiệu quả hợp tác và liên kết khu vực. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tích cực tham gia trong việc tổ chức triển khai các sáng kiến hợp tác mới, đặc biệt là việc thực hiện Kế hoạch tổng thể 2020, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, phát triển và thịnh vượng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, CNTT đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục xác định: CNTT là yếu tố then chốt tạo lập phương thức phát triển mới; là động lực quan trọng của sự phát triển, hiện đại hóa đất nước, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giá cao những nỗ lực và kết quả mà Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN đạt được trong việc triển khai các chương trình và sáng kiến hợp tác về CNTT&TT trong giai đoạn 2010-2015, đã góp phần to lớn vào tiến trình thành lập Cộng đồng ASEAN 2015. Nhiều sáng kiến được triển khai như tăng cường kết nối hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh giáo dục và phổ cập CNTT, bảo đảm an toàn an ninh cho môi trường Internet, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo… tạo hiệu ứng tích cực đối với lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và hầu hết các lĩnh vực khác.
Phó Thủ tướng hoan nghênh các Bộ trưởng ASEAN đã có sáng kiến xây dựng và sẽ thông qua Kế hoạch tổng thể về hợp tác phát triển CNTT&TT ASEAN đến năm 2020. Đây là sự khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự chủ động tích cực và quyết tâm của nước thành viên ASEAN.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị xem xét thảo luận ưu tiên các sáng kiến về thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia thành viên, giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội sử dụng dịch vụ và tiếp cận thông tin bình đẳng, hướng tới mục tiêu phát triển đồng đều trong khu vực; phát triển CNTT&TT cần gắn với phát triển bền vững, bảo đảm các lợi ích kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội; phát huy vai trò nền tảng và động lực phát triển của các ngành kinh tế khác; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao và xây dựng các chính sách về bảo vệ môi trường ứng dụng CNTT phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, hạ tầng kinh tế - xã hội; CNTT cần tạo ra môi trường mạng an toàn cho hoạt động tiếp cận và chia sẻ thông tin của người dân, doanh nghiệp giữa các quốc gia thành viên với nhau; tăng cường hợp tác với các Đối tác nhằm thu hút các nguồn lực và tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế./.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức ảnh Hòn Trống Mái do đích thân Bộ trưởng chụp