Khai thác, biên tập và xuất bản sách Văn học trong cơ chế thị trường

26/04/2020 16:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Sách văn học là một mảng sách lớn, quan trọng trong hoạt động xuất bản, của thị trường sách. Hoạt động xuất bản, thị trường sách văn học trong những năm gần đây đã, đang và sẽ còn đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức bởi sự tác động sâu sắc của kinh tế thị trường.

Khai thác, biên tập và xuất bản sách Văn học trong cơ chế thị trường - Ảnh 1.

Những tác phẩm văn học kinh điển

Kinh tế thị trường đã đưa sách văn học trở thành một loại hàng hóa, mặc dù là một loại hàng hóa đặc biệt, thế nhưng không thể nằm ngoài sự khốc liệt của quy luật cạnh tranh, cung cầu của thị trường, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo những tiêu chí nhất định với tư cách là một sản phẩm tinh thần mang giá trị giáo dục, thẩm mỹ. Phải khẳng định rằng, cơ chế thị trường đã mang lại nhiều chuyển biến đáng kể cho hoạt động xuất bản sách văn học, cho quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học. Dẫu vậy, bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng đem lại cho hoạt động xuất bản sách văn học, đời sống văn học không ít những tồn tại, hạn chế.

Điều đáng ghi nhận, đó là cơ chế thị trường đã mang lại cho hoạt động xuất bản sách văn học tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ người sáng tác, đến đối tượng tiếp nhận cho tới quá trình lưu thông sản phẩm. Tính chuyên nghiệp đã buộc nhà văn phải xác định đối tượng mình sẽ hướng tới mỗi khi cầm bút, phải nắm bắt được thị hiếu của đông đảo công chúng tiếp nhận để sao cho tác phẩm đến được với độc giả và phổ biến một cách sâu rộng nhất. Đây cũng chính là quy luật cung cầu của cơ chế thị trường, một tác phẩm văn học được coi là thành công chỉ khi nó đáp ứng được hai yếu tố: hay và có người đọc. Quy luật này cũng rất phù hợp với quan niệm về sáng tạo và tiếp nhận văn học hiện nay, coi người đọc là một công đoạn quan trọng của quá trình sáng tạo văn học. Quá trình tiếp nhận vì vậy cũng được coi là một hoạt động sáng tạo của văn học, nó gắn bó mật thiết với hoạt động sáng tạo của nhà văn. Chính vì thế đã có nhiều ý kiến khẳng định rằng, công chúng tiếp nhận đang chi phối khuynh hướng sáng tác của nhà văn, thậm chí định hướng sự tồn tại và phát triển của văn học.

Phải khẳng định rằng, thị trường sách văn học hiện nay với sự tác động hai mặt của cơ chế thị trường là một bức tranh nhiều mảng màu sáng tối. Xét ở khía cạch sáng tạo văn học, với việc phải chạy theo thị hiếu xuất phát từ nhu cầu giải trí nhất thời, đơn thuần của độc giả, cùng với việc đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu của một bộ phận người viết và những nhà sản xuất, đang xuất hiện ngày một nhiều những thứ "hàng chợ", những thứ được gọi là tác phẩm văn chương được viết dễ dãi, cẩu thả. Trong khi đó, những tác phẩm thực sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật, không phải không có nhưng dường như ngày một thưa thớt hơn. Đã xuất hiện sự thiếu chuẩn, lệch chuẩn và loạn chuẩn trong sáng tạo và tiếp nhận dẫn đến sự khủng hoảng về giá trị trong đời sống văn học. 

Sách văn học xuất bản ngày càng nhiều nhưng để tìm được một cuốn sách hay không phải là điều dễ dàng. Những chiêu thức PR, quảng cáo, lăng xê rầm rộ thiếu trung thực, mang nặng tính câu khách đã đưa đến tình trạng nhiễu loạn trong hoạt động tiếp nhận văn học tạo hiệu ứng tâm lý đám đông tiêu cực. Một thực tế chua xót đang diễn ra, sách bán chạy chưa hẳn đã là sách hay, sách hay không hẳn đã bán chạy. Và cũng bởi nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu nhất thời, lẫn lộn giá trị, thậm chí lệch lạc của một bộ phận công chúng tiếp nhận thời kinh tế thị trường, nhiều tác giả đã hướng tác phẩm của mình vào những mảng đề tài dung tục, phi thẩm mỹ, trái đạo lý và thuần phong mỹ tục, thậm chí là những đề tài nhạy cảm. Vẫn biết rằng một trong những chức năng của văn học là tính giải trí, đặc biệt trong cơ chế thị trường chức năng này càng được đề cao, thế nhưng một tác phẩm văn học vẫn phải đảm bảo những nghĩa vụ quan trọng khác như chức năng giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ.

Khai thác, biên tập và xuất bản sách Văn học trong cơ chế thị trường - Ảnh 2.

Những tác phẩm văn học nổi tiếng

Trong hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản sách văn học nói riêng, biên tập là một công đoạn hết sức quan trọng. Hiểu một cách đơn giản, biên tập là việc rà soát, hoàn thiện nội dung và hình thức bản thảo để xuất bản. Như vậy, có thể thấy rằng, biên tập là công đoạn quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động xuất bản, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội thông qua nội dung, tư tưởng và giá trị của xuất bản phẩm. Nói như vậy không phải chúng tôi có ý định xem nhẹ vai trò của tác giả, đề cao công tác biên tập, tuy nhiên nếu coi tác phẩm như một công trình xây dựng, tác giả là kiến trúc sư thiết kế công trình và thực hiện phần thô thì biên tập viên là những người thợ làm công đoạn hoàn thiện cuối cùng để công trình được hoàn chỉnh. Đương nhiên, sẽ có những công trình, việc hoàn thiện tương đối nhẹ nhàng, không mấy khó khăn, nhưng ngược lại, cũng sẽ có những công trình, người thợ hoàn thiện phải mất rất nhiều công sức.

Nhìn nhận ở góc độ hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong ba hoạt động chính của xuất bản là biên tập, in ấn và phát hành, thì biên tập là công đoạn mở đầu và trọng tâm của quy trình xuất bản mặc dù hai công đoạn in ấn và phát hành cũng tương đối quan trọng. Chất lượng biên tập tác phẩm sẽ là một trong không nhiều những yếu tố hạt nhân quyết định hiệu quả của công tác kinh doanh, phát hành bởi lẽ tác phẩm có chất lượng hay không, có hấp dẫn hay không, có phù hợp với thị hiếu độc giả hay không… đều phụ thuộc vào bộ phận biên tập. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng, chất lượng biên tập còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến uy tín và thương hiệu của nhà xuất bản.

Với vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động xuất bản như vậy, công tác biên tập và biên tập viên (người làm công việc biên tập) luôn được các nhà xuất bản quan tâm, bồi dưỡng, củng cố và phát triển. Rõ ràng, biên tập và biên tập viên là một nghề, là những con người làm công việc đáng được trân trọng bởi sự công phu, vất vả cũng như hàm lượng chất xám, tri thức và tâm sức họ bỏ ra đầu tư cho công việc của mình. Họ là một trong những yếu tố làm nên thành công cho những sản phẩm văn hóa là kết tinh của trí tuệ con người.  

Với đội ngũ biên tập viên xuất bản trong bản tình hình hiện nay, đóng vai trò là cầu nối giữa tác giả và độc giả, ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với họ. Đầu tiên, đó là từ phía đội ngũ tác giả. Càng ngày, hàm lượng tri thức, văn hóa trong tác phẩm của họ ngày một nâng cao, đòi hỏi biên tập viên cũng cần phải có một vốn kiến thức, phông văn hóa nhất định để có thể "đối thoại sòng phẳng". Tiếp đến là về phía độc giả, với mặt bằng dân trí và đời sống ngày càng nâng cao, độc giả ngày một "khó tính" hơn, họ có quyền đòi hỏi những xuất bản phẩm thực sự có chất lượng về mọi mặt. Và cuối cùng, đó là sức ép từ phía dư luận, truyền thông. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển cùng tốc độ lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, dư luận, truyền thông có nhiều điều kiện để tiếp cận, tiếp nhận, đối chiếu, so sánh thông tin, và vì thế sẽ ngày càng khắt khe hơn trong việc bình luận, đánh giá các xuất bản phẩm.

Với không ít những thách thức đặt ra như vậy, đội ngũ biên tập viên xuất bản bắt buộc ngày càng phải bồi đắp, hoàn thiện những phẩm chất, năng lực cần (phải) có của một biên tập viên để có thể hoàn thành tốt công việc của mình, để có thể "trụ vững" trong hoạt động xuất bản hiện nay. Trước tiên, đó là phẩm chất chính trị, tư tưởng. Đây là một phẩm chất căn cốt của một biên tập viên xuất bản. và có thể coi là yêu cầu về tính chính trị và tính tư tưởng trong hoạt động xuất bản. Và như vậy, phẩm chất chính trị, tư tưởng của một biên tập viên thể hiện ở quan điểm chính trị đúng đắn, nhạy cảm trong việc phát hiện những nội dung chính trị sai lầm, lệch lạc, kiên quyết loại bỏ những nội dung vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, đề cao những tác phẩm có giá trị về giáo dục, thẩm mỹ, tư tưởng… 

Tiếp đến, một yêu cầu cũng vô cùng quan trọng với biên tập viên, đó là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực này thể hiện ở sự hiểu biết về kiến thức chuyên môn, về phông tri thức và văn hóa, về khả năng thẩm định và đánh giá tác phẩm, về năng lực sử dụng ngôn ngữ và đặc biệt là tác phong chuyên nghiệp của người biên tập thể hiện ở việc cẩn trọng, tỉ mỉ và cầu thị trong công việc biên tập. Năng lực này là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của xuất bản phẩm.  

Và cuối cùng, một phẩm chất cần phải có đối với biên tập viên giữa bối cảnh hoạt động xuất bản trong nền kinh tế thị trường hiện nay, đó là khả năng nắm bắt thị trường, nhanh nhạy với xu hướng, thị hiếu của độc giả. Phẩm chất này thể hiện ở sự thẩm định, chọn lựa, khai thác đề tài, ở khả năng đánh giá, dự báo thị trường để từ đó có những tham vấn cho công tác sản xuất kinh doanh, phát hành mang lại hiệu quả cao nhất.

Có thể nói, những phẩm chất, năng lực trên đây là những yêu cầu bắt buộc đối với một biên tập viên trong tình hình hiện nay. Những phẩm chất này là "điểm tựa" vững chắc cho biên tập viên trong quá trình hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, nó cũng lại là những thách thức không nhỏ cho các biên tập viên bởi để có được những phẩm chất, năng lực này, bên cạnh việc không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng về lý luận, chính trị, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ… nó còn đòi hỏi một quá trình không nhỏ sự học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Như đã trình bày ở trên, sách văn học là một mảng sách lớn, quan trọng trong hoạt động xuất bản, của thị trường sách. Bên cạnh đó, sách văn học cũng là một mảng sách nhạy cảm, rất dễ bị cài cắm, lồng ghép những quan điểm, ý kiến, nhìn nhận, đánh giá chủ quan, đôi khi là cực đoan, sai lệch của người viết về những vấn đề chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội… Những quan điểm này có khi bộc lộ khá lộ liễu, nhưng cũng đôi lúc ẩn giấu hết sức kín kẽ, khéo léo dưới vỏ bọc một tác phẩm văn học đơn thuần. Xây dựng một quy trình biên tập quy định chặt chẽ từ khâu tiếp nhận bản thảo cho đến khi ký Quyết định phát hành xuất bản phẩm là hết sức cần thiết. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khâu thẩm định và biên tập bản thảo, với sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể từ biên tập viên, Trưởng Ban biên tập, Phó Giám đốc phụ trách nội dung và cuối cùng là Giám đốc- Tổng biên tập. Đặc biệt, luôn phải thực hiện một quan điểm nhất quán và xuyên suốt toàn bộ quy trình biên tập, đó là tập trung đảm bảo hai yếu tố đúng và chất. Đúng ở đây là yêu cầu đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chất ở đây là chất lượng tác phẩm bao gồm chất lượng nội dung, văn bản cũng như kỹ, mỹ thuật của xuất bản phẩm. 

Dẫu vậy, cũng phải nói thêm rằng, trong không ít trường hợp, công việc thẩm định, biên tập vẫn phải được xử lý bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm của người làm nghề bởi có nhiều những thao tác, kỹ năng thẩm định, phát hiện vấn đề chẳng thể nào chỉ mặt đặt tên. Cơ chế thị trường đã đưa đến cho hoạt động sáng tạo, xuất bản và tiếp nhận văn học nhiều vận hội và thách thức mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn không ít những mặt tiêu cực. Một sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị văn học đích thực với khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của độc giả, cùng sự nóng lạnh thất thường của cơ chế thị trường là mục tiêu mà hoạt động xuất bản sách văn học, một động lực thúc đẩy sự phát triển của nền văn học dân tộc, cần hướng tới.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khai thác, biên tập và xuất bản sách Văn học trong cơ chế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO