Làng hương Thủy Xuân được biết đến với nghề làm hương truyền thống lâu đời ở xứ Huế. Nơi đây còn thu hút du khách bởi khung cảnh rực rỡ của những bó hương đa sắc xanh, đỏ, tím, vàng.
Nếu được dạo bước trên con đường Huyền Trân Công Chúa (phường Thủy Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), du khách sẽ vô cùng choáng ngợp với hàng hàng lớp lớp những bó tăm hương đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, nâu, vàng,... rất bắt mắt với mùi thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng nhưng đầy cổ kính.
Theo những nghệ nhân tại làng hương Thủy Xuân Huế, nghề làm hương đã xuất hiện tại đây từ khoảng từ 700 năm trước dưới thời nhà Nguyễn. Xưa kia, làng là nơi cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.
Dù đã trải qua rất nhiều biến động thời gian nhưng làng hương Huế này vẫn tiếp tục được lưu giữ và phát triển. Thế hệ trước truyền lửa cho thế hệ sau gìn giữ nét nghề truyền thống của gia đình; từng thành viên tay nối tay, thay nhau làm nên những cây hương trầm thơm ngát, phục vụ đời sống tâm linh của người dân địa phương cũng như ngoài tỉnh.
Cách làm hương tại đây đầy tinh tế, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đầu tiên, người ta sẽ tiến hành chọn nguyên liệu trầm rồi trộn thêm hương quế chi, hoa hồi, đinh hương, thảo quả, nụ tùng theo một tỷ lệ cẩn thận. Bên cạnh đó, bột vỏ bưởi rừng cùng hơi bưởi khô, bạch đàn, quế… cũng được thêm vào để tạo nên mùi hương hoàn thiện cho sản phẩm. Sau đó hương sẽ được mang đi phơi khô trong nhiều ngày.
Được biết, nguyên liệu để làm tăm hương phải là loại tre già khai thác từ rừng Bình Điền, Phong Sơn hay Nam Đông. Đây là công đoạn đòi hỏi sự dứt khoát, điêu luyện của người thợ để làm ra được loại chân hương nhiều kích cỡ đúng yêu cầu.
Các nghệ nhân Thuỷ Xuân không chỉ chú trọng đến chất lượng nguyên liệu tạo nên màu sắc rực rỡ của hương mà cũng rất tinh tế khi chọn ướp mùi thơm cho hương, không quá nồng nhưng đủ làm du khách cảm nhận được nét truyền thống bao đời người Việt Nam.
Nét đặc trưng của Hương trầm xứ Huế thể hiện rõ ở mùi hương dịu nhẹ, thanh khiết của trầm, đốt cháy đều và không độc hại cho sức khỏe người sử dụng. Chính những nét đặc trưng này đã giúp cho làng nghề hương trầm Thủy Xuân tồn tại, duy trì phát triển tốt và nổi tiếng khắp cả nước, và đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Hàng trăm năm nay, đối với người dân làng Thủy Xuân, nghề làm hương trầm không đơn thuần chỉ là một nghề phát triển kinh tế mà hơn thế nữa, đó còn là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân làng Thủy Xuân nói riêng và mỗi người dân Cố đô nói chung.
Hương Thuỷ Xuân ban đầu chỉ có màu nâu và đỏ, nhưng trải qua thời gian, cùng với thị hiếu ngày càng cao của du khách, người dân nơi đây đã biến tấu được nhuộm thêm những sắc màu mới bắt mắt cho phần chân hương. Chính vì vậy, khi dạo quanh làng, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước vẻ rực rỡ của những bó hương vàng, xanh, tím, đỏ, hồng...
Hiện nay, hương Thuỷ Xuân có giá bán trên thị trường không cao, một số sản phẩm được ưa chuộng như hương quế có giá khoảng 40.000 đồng/bó, nụ trầm giá từ 60.000 đồng/hộp.
Còn riêng hương trầm sẽ có giá nhỉnh hơn đôi chút, dao động 80.000-200.000 đồng/bó tuỳ theo kích cỡ, mùi thơm và nguyên liệu của hương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số người làm hương tại địa phương giảm dần theo thời gian./.