Khẩn trương tích hợp chứng thư số vào các thanh toán điện tử, DVC và hợp đồng điện tử
Cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số (CKS) công cộng (CA) mong muốn năm 2024 thị trường chứng thực CKS công cộng phát triển bền vững.
Năm 2023 sôi động và đầy vất vả với cộng đồng DN CKS công cộng
Nhìn lại công tác cung cấp dịch vụ chứng thực CKS cá nhân năm 2023, tại Hội nghị giao ban quý IV năm 2023 với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (CA), bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC cho biết năm 2023 đã khép lại. “Đây là một năm sôi động và đầy vất vả với cộng đồng DN nói chung, các DN cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng nói riêng”.
Sau nhiều năm triển khai chứng thư số cho DN, Giám đốc NEAC nhận định đến nay thị trường này đã trở nên bão hòa; các hoạt động thanh kiểm tra nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cũng gắt gao hơn. Các DN cũng có nhiều sự biến động nhân sự. Bên cạnh đó, các chính sách cũng có sự thay đổi.
NEAC cũng cũng được giao nhiều nhiệm vụ với yêu cầu cao hơn, sức ép về tiến độ, chất lượng, thời gian cũng gắt gao hơn. Lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo các cơ quan phối hợp cũng yêu cầu phải thể hiện rõ vai trò của cơ quan thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực cao hơn, rộng hơn với sân lớn hơn là dịch vụ tin cậy, là giao dịch điện tử (GDĐT).
Trong năm 2023, với 8 đoàn kiểm tra; 20 đoàn đối soát số liệu, 09 đoàn cấp chứng thư số, cấp giấy phép cung cấp dịch vụ cho 2 DN mới… đây là các công việc thường xuyên của NEAC đã giúp kéo NEAC đến gần hơn với cộng đồng các CA công cộng.
Giám đốc NEAC cũng cho biết đã phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động sự kiện tạo tiếng vang lớn, đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số chung của quốc gia. Đầu tiên có thể kể đến những đóng góp ý kiến quan trọng của cộng đồng CA trong việc xây dựng dự thảo Luật GDĐT sửa đổi; chuỗi sự kiện triển khai cấp chứng thư số miễn phí trên phố đi bộ Bờ Hồ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về CKS trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận.
Chúng ta cũng đã có những cam kết đồng hành cùng 18 tỉnh, thành để cấp chứng thư số miễn phí cho người dân. Các cuộc hội nghị tuyên truyền trên khắp 3 miền của tổ quốc đã giúp cho người dân hiểu được chứng thư số là gì cũng như tầm quan trọng của chứng thư số trong các hoạt động kinh tế số, xã hội số. Không những vậy các chương trình hội nghị, hội thảo, tập huấn quốc tế, đón các đoàn chuyên gia Hàn Quốc, Ấn Độ đến làm việc, với kinh nghiệm được học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài sẽ là những bài học đắt giá để chúng ta ứng dụng vào thực tế triển khai của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng luôn nỗ lực hỗ trợ sự phát triển trong lĩnh vực của các nước láng giềng. Điển hình như chương trình đào tạo cho đoàn cán bộ Lào, sau chương trình họ đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến NEAC và các doanh nghiệp tham gia chương trình”, Giám đốc NEAC tổng kết.
Giám đốc NEAC khẳng định: “Một thị trường với hơn 20 DN và với các hoạt động cả chuyên môn và sự kiện thực sự là sôi động, đầy gắn kết nhưng cũng nghiêm túc giám sát để cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ công tác 2023”.
Bước vào năm 2024 với một trang mới
Giám đốc NEAC cũng thông tin đơn vị này đã được nâng cấp lên đơn vị tự chủ loại 1, được thành lập 2 chi nhánh miền Nam, miền Trung. “Trong thời gian tới sự hiện diện của NEAC tại các vùng miền sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực trong công tác thúc đẩy phát triển thị trường chứng thư số công cộng; hỗ trợ các CA hoàn thiện khả năng cung cấp dịch vụ theo đúng quy định, theo đúng yêu cầu và cả công tác thống kê, báo cáo, kiểm tra…”.
Năm 2024 là một năm đặc biệt, kỷ niệm 10 năm thành lập NEAC trực thuộc bộ; 17 năm thực hiện chức năng thực thi là vận hành hệ thống root CA quốc gia, quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Đặc biệt, Luật GDĐT có hiệu lực 1/7/2024 sẽ tạo ra bước đột phá toàn diện cho các dịch vụ chứng thực điện tử, thông điệp dữ liệu, giao dịch điện tử trăm hoa đua nở.
Một trang mới được mở ra với những nhiệm vụ, trọng trách lớn lao hơn được đặt lên vai NEAC. Giám đốc NEAC bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của cộng đồng CA để cùng nhau hoàn thành mục tiêu, khẳng định vị trí trụ cột của chuyển đổi số.
Bước sang năm mới 2024, nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó đồng thời phát triển thị trường chứng thư số và các dịch vụ tin cậy, Giám đốc NEAC đề nghị CLB CKS và GDĐT Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò tích cực của mình. CLB cần nhanh chóng nghiên cứu mô hình nâng cấp tổ chức để có thể gánh vác được sứ mệnh là tổ chức tập hợp các DN cung cấp dịch vụ tin cậy, GDĐT…
Đối với các CA công cộng, tập trung vào mục tiêu phát triển thị trường chứng thư số cá nhân. Khẩn trương nghiên cứu, triển khai việc tích hợp chứng thư số vào các thanh toán điện tử, dịch vụ công và hợp đồng điện tử.
Thông tin về hoạt động của CLB CKS và GDĐT Việt Nam trong Quý IV, tại Hội nghị, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm CLB cho biết trong Quý, CLB đã tích cực tham gia phản biện chính sách pháp luật, trong đó có đóng góp cho việc xây dựng nghị định triển khai Luật GDĐT 2023, Nghị định CKS chuyên dùng, các thông tư trong lĩnh vực GDĐT của Ngân hàng.
Về hoạt động công nghệ, NEAC phối hợp tham gia tích hợp chuẩn kỹ thuật dùng chung cho kho bạc Nhà nước để đảm bảo cho các CA tham gia vào thị trường không phải tích hợp riêng chỉ cần thông báo thông tin là có thể hoạt động bình thường. Ngoài Kho bạc Nhà nước, CLB cũng thực hiện kỹ thuật mới đối với lĩnh vực ngân hàng và tài chính để đảm bảo các CA có thể dùng chung vừa xác thực đăng nhập cũng như ký các giao dịch, dịch vụ dùng chung trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Bên cạnh đó, các thành viên trong CLB cũng như là các CA đã tuân thủ hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chủ trương về phổ cập CKS cá nhân, tìm tòi các chính sách cũng như cách thức phát triển ứng dụng CKS cá nhân, thị trường.
Tiếp tục phát triển thị trường chứng thực CKS bền vững
Nêu một số đề xuất công việc cho công tác năm 2024, ông Nguyễn Đăng Triển, đại diện Viettel CA chia sẻ thêm cần có những giải pháp để thị trường chứng thực CKS phát triển bền vững hơn. Thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT chú trọng nhiều đối với công tác tuân thủ. Viettel đã kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ thuê bao, không phát triển các thuê bao dịch vụ viễn thông qua kênh qua đại lý - vì kênh đại lý, điểm bán những SIM rác, khó kiểm soát.
Viettel CA đề xuất NEAC xem xét thiết lập cổng tiếp nhận hồ sơ chung trước khi các CA cấp phát hồ sơ cung cấp CKS cho khách hàng, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tính tuân thủ.
Ông Nguyễn Đăng Triển cho biết Viettel CA đã cấp hơn 300.000 CKS cá nhân cho người dùng ở một số ngành nghề trong các tổ chức và hướng tới trong năm 2024 sẽ cung cấp ít nhất 5 triệu CKS cá nhân. Viettel CA còn chưa kết nối được với 5/63 cổng dịch vụ công. Trong thời gian tới, NEAC có thể chủ trì kết nối thông qua cổng E-sgin hay kết nối với bên ngoài như lĩnh vực tài chính để tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ CA có môi trường phát triển để tiến tới đạt được mục 50% dân số có CKS. “Đây là mục tiêu rất là thách thức nếu chúng ta không có một cơ chế mạnh dạn hơn để kết nối”.
Viettel CA cũng cho biết mong muốn tham gia đóng góp vào công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có liên quan đến vấn đề kết nối giữa DN với cơ quan nhà nước. Hiện nay, về hạ tầng kỹ thuật, kiểm thử và các bước đã xong, nhưng việc chạy thật thì chưa nên việc cung cấp dịch vụ CKS cho người dân cũng rất là giới hạn.
Trước các ý kiến của DN, ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc NEAC cho biết đơn vị này tiếp thu các ý kiến và sẽ có các phản hồi liên qaun. Đối với ý kiến của Viettel CA về kiểm tra việc tuân thủ, công tác này tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024. Việc thiết lập cổng hồ sơ phải có cơ chế bảo mật dữ liệu cá nhân và lưu ý khách hàng là quan trọng của mỗi CA.
Trao đổi với các CA, ông Đỗ Đình Rô, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT nêu vấn đề các CA cần quan tâm đến sự phát triển bền vững của chính DN khi thời gian vừa qua đã có CA cắt nhiều phần trăm doanh thu cho đại lý.
Ông Đỗ Đình Rô đề nghị CLB CKS và GDĐT Việt Nam bàn thảo với các DN cách cạnh tranh để đảm bảo hoạt động bền vững, đóng góp các nghĩa vụ với nhà nước bởi thành lập ra 1 DN phải đầu tư hệ thống, tổ chức kênh bán hàng, nuôi đội ngũ. “Đây là câu chuyện hết sức là vất vả. DN cạnh tranh gay gắt phải rời bỏ thị trường thì rất đáng tiếc”./.