Chuyển động ICT

Đẩy mạnh việc dùng chữ ký số: Nên bắt đầu từ việc tạo lập “thói quen”

Nhật Minh 09:53 25/12/2023

Việc mã hoá dữ liệu sẽ giúp chữ ký số an toàn khi sử dụng, đồng thời, sẽ giúp các cá nhân, doanh nghiệp nhanh chóng khi ký kết các hợp đồng và đảm bảo tính pháp lý, tiết kiệm thời gian di chuyển, chi phí in ấn.

Lợi ích to lớn được tạo ra là không thể phủ nhận và các giá trị này hơn hẳn các giá trị khi giao dịch các hợp đồng truyền thống ký giấy. Tuy nhiên, trên môi trường số phát triển hiện nay, khi công cụ công nghệ số được ứng dụng trên mọi mặt đời sống thì việc lựa chọn chữ ký số cũng là một xu hướng hướng tới.

Cần có sự ưu tiên về hạ tầng

Và để chữ ký số phát triển, trở thành phổ biến cho mọi đối tượng người dùng, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT luôn tích cực phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp công nghệ để cùng nhau đưa ra giải pháp hữu hiệu, gắn với thực tiễn.

Theo đó, NEAC cho rằng, các đơn vị địa phương khi triển khai, áp dụng, cung cấp dịch vụ chữ ký số cần phải ưu tiên đến các vấn đề quan trọng, trọng tâm như: Hạ tầng, giải pháp kỹ thuật; các hoạt động, chính sách thúc đẩy (đào tạo, tập huấn; tuyên truyền; ưu đãi về giá…).

su-dung-usb-token-de-ky-so.jpg
Thúc đẩy, phổ biến việc dùng chữ ký số nên áp dụng các chính sách ưu đãi về giá

Cụ thể hơn, theo NEAC, về hạ tầng, giải pháp kỹ thuật, các địa phương cần đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số trên hệ thống tích hợp Cổng dịch vụ công với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc số hóa các thủ tục hành chính, cho phép người dân, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, cũng cần xây dựng hạ tầng đồng bộ, liên thông, chia sẻ được giữa các Sở, Ban, Ngành, tăng cường sử dụng chữ ký số trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, xây dựng, quản lý, thống nhất về các nền tảng sử dụng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính, thuế, bảo hiểm, nông nghiệp, thương mại... có kết nối với cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số, cho phép sử dụng chữ ký số trong các giao dịch trên các nền tảng này.

“Các đơn vị, địa phương cũng cần thường xuyên thống kê, thu thập thông tin để xây dựng hệ thống chứng thực thông điệp dữ liệu theo ngành, lĩnh vực”, NEAC nhấn mạnh.

Cần các chính sách ưu đãi về giá

Đối với các hoạt động, chính sách thúc đẩy, theo NEAC, các đơn vị, địa phương cần tăng cường, thực hiện thông qua các chính sách thúc đẩy, sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực: Dịch vụ công trực tuyến, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử, học bạ điện tử…

Bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách, các đơn vị, địa phương cũng cần tập trung vào việc đào tạo, tập huấn. Đối với công tác này, các địa phương cần phối hợp với NEAC tổ chức việc tập huấn, tuyên truyền về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân. Làm tốt điều này chính là góp phần tăng cường sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử hướng tới chuyển đổi số, chính phủ số.

Hơn nữa, NEAC đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo trực tiếp và trực tuyến đến các cán bộ phụ trách của các địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng về: lợi ích của chữ ký số; cách thức đăng ký, sử dụng chữ ký số từ xa vào văn bản, trên các cổng dịch vụ công đã tích hợp ký số.

Các hoạt động tuyên truyền cũng cần thực hiện, gồm:

Phát tài liệu (sổ tay) hướng dẫn sử dụng chữ ký số đến cho các đối tượng có khả năng phát sinh nhu cầu lớn khi sử dụng các nền tảng chuyển đổi số đã tích hợp chữ ký số (giáo viên, phụ huynh, giao dịch ngân hàng, hợp đồng điện tử…)

Thường xuyên có bài viết, video, phóng sự giới thiệu, tuyên truyền về chữ ký số trên các phương tiện truyền thông của địa phương (trang/cổng thông tin, trang dịch vụ công, ứng dụng thông minh của địa phương, báo chí địa phương…).

Tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về các ứng dụng và chính sách ưu đãi về chứng thư chữ ký số đang được triển khai.

Đối với các địa phương có khu công nghiệp có thể liên kết với bộ phận hành chính nhân sự của các doanh nghiệp để tổ chức tuyên truyền đào tạo về chữ ký số cho nhân viên và công nhân.

Song hành với các chính sách, giải pháp nêu trên, điều quan trọng NEAC nhấn mạnh nữa chính là việc ban hành, áp dụng các chính sách ưu đãi về giá. Và để thực hiện hiệu quả vấn đề này, theo NEAC, các đơn vị, địa phương cần khuyến khích các CA công cộng cung cấp loại hình ký số từ xa để tạo giá cả cạnh tranh theo kinh tế thị trường, tương tự như lĩnh vực viễn thông.

Đặc biệt cần học tập kinh nghiệm các nước phát triển đã triển khai thành công; khuyến khích, thúc đẩy các CA công cộng có chính sách cung cấp miễn phí chứng thư chữ ký số cho người dân sử dụng trong các dịch vụ cơ bản như dịch vụ công trực tuyến, góp phần tạo thói quen cho người dân trong việc sử dụng chứng thư chữ ký số, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến toàn trình./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh việc dùng chữ ký số: Nên bắt đầu từ việc tạo lập “thói quen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO