Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh VOV |
Viettel chính là một điển hình cho thấy thành công quá lớn cũng là một trở ngại. Nếu thất bại khiến người ta ngã lòng, thì theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thành công cũng có thể dẫn tới tự mãn, chủ quan, ngại đổi mới và vì thế sẽ tụt hậu.
“Tự đặt mình lên lưng cọp”
Trăn trở của tướng Hùng hoàn toàn không phải là “lo bò trắng răng”. Khi sự lớn mạnh thần kỳ của Viettel trong thời gian qua đã được công nhận rộng rãi, dường như đã có lúc Tập đoàn suýt sa vào “cái bẫy tăng trưởng” ấy: Trong 5 năm liên tiếp từ 2009 đến 2013, tốc độ tăng trưởng liên tục suy giảm.
Tất nhiên, đó cũng là một cách tự đánh giá hết sức nghiêm khắc, chứ so với nhiều doanh nghiệp – chưa tính đến khối doanh nghiệp nhà nước mà ngay cả so với nhiều doanh nghiệp tư nhân – mức tăng trưởng dù đã chậm lại của Viettel vẫn hết sức ấn tượng, năm 2013 “chỉ còn” 15%.
“Tập đoàn đã lớn đến mức mà mọi người mong đợi Viettel phải làm những cái gì đó khác hơn, lớn hơn, xứng đáng là một thương hiệu quân đội, một thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, thị trường viễn thông trong và ngoài nước đã bão hòa, các doanh nghiệp trong ngành hầu như không tăng trưởng”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét về bối cảnh năm 2014.
Nhưng rồi kết thúc năm 2014, lần đầu tiên sau 5 năm, Viettel lại có tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, với doanh thu xấp xỉ 200 nghìn tỷ đồng, lớn thứ 2 trong số gần nửa triệu doanh nghiệp Việt Nam và tăng trên 20% so với 2014. Lợi nhuận của Viettel bằng 30% tổng lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế nhà nước và gần bằng một phần tư lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn trở thành doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, cũng là doanh nghiệp nộp nhiều thuế nhất tại Lào và Campuchia.
Bài học trong năm 2014 của Viettel là đặt mục tiêu cao, tự đặt mình “lên lưng cọp” để tìm cách làm đột phá, giải pháp đột phá, bắt buộc thay đổi cơ chế vận hành. “Nếu theo xu thế suy giảm của 5 năm trước thì năm 2014, Viettel chỉ nên đặt mục tiêu 10%, nhưng chúng tôi đã đặt mục tiêu rất cao là 20%”, vị tướng doanh nhân chia sẻ.
Một ví dụ của việc thay đổi cơ chế ấy là Viettel đã giao việc cho cán bộ quản lý theo tháng, đánh giá theo tháng, mỗi người đứng đầu quản lý không quá 20 người cấp dưới trực tiếp để có thể đánh giá sâu sát. Viettel cũng thực hiện quản lý “thoát ly văn phòng”, người quản lý dù ở bất kỳ đâu, kể cả ở nước ngoài, vẫn có thể điều hành đơn vị bằng công nghệ thông tin. Do thoát ly văn phòng nên trong các đợt đi cơ sở tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi mới, người chỉ huy có thể ăn cùng, ở cùng, làm cùng nhân viên ít nhất là 2 tuần hoặc 1 tháng. Từ đó, thực sự giải quyết được các vấn đề căn bản, không có chuyện “cưỡi ngựa xem hoa”.
Nếu cấp dưới có 3 tháng liên tục không hoàn thành kế hoạch thì cấp trên xem xét trách nhiệm, nhắc nhở, hỗ trợ. “Nếu 3 tháng tiếp theo vẫn không hoàn thành kế hoạch thì người đứng đầu thường xin chuyển công tác khác, xin nhận nhiệm vụ khác, không áp dụng hình thức kỷ luật trừ trường hợp vi phạm các quy định”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Thông minh hơn, nhẹ hơn
Nhưng thách thức “thuyền lớn sóng lớn” vẫn còn đó với Viettel. Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, đã ra biển lớn, Viettel phải cạnh tranh với những công ty hàng đầu thế giới, với nguồn lực lớn gấp hàng chục lần và kinh nghiệm hàng trăm năm.
Viettel tiếp tục đặt ra những mục tiêu táo bạo. Đó là phải liên tục tăng trưởng 20% trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, để doanh thu tăng từ 230 nghìn tỷ năm 2015 lên 500 nghìn tỷ năm 2020. Đến năm 2020, Viettel phải trở thành một tập đoàn toàn cầu, một trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, trở thành một tổ hợp nghiên cứu sản xuất.
Chia sẻ thêm về việc nghiên cứu sản xuất, tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là hướng đi mới nhưng lâu dài, được coi là trụ cột thứ ba trong chiến lược của Viettel, bên cạnh hai trụ cột khác là viễn thông và đầu tư ra nước ngoài. Đến năm 2020, Tập đoàn sẽ trở thành một tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Về thiết bị dân sự, Viettel phải tự chủ được 70-80% thiết bị hạ tầng viễn thông - vấn đề cốt lõi để bảo đảm an ninh cho mạng viễn thông Việt Nam.
Tiêu chí để đánh giá mức độ thành công của hoạt động nghiên cứu sản xuất cũng hết sức đơn giản và rõ ràng: Xuất khẩu được sản phẩm và có lãi. Chi phí nghiên cứu phải được bù đắp bởi lợi nhuận từ bán sản phẩm. “Chúng tôi xác định, nghiên cứu được sản phẩm là đạt 40% thành công, bán được sản phẩm trong nước là 70%, xuất khẩu được sản phẩm thì mới là đạt 100%”, tướng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra yêu cầu dứt khoát đối với trụ cột thứ 3.
Người chèo lái con thuyền Viettel khái quát một số giải pháp trong thời gian tới, với cách tiếp cận ngắn gọn, giản dị và đi vào cốt lõi vấn đề.
Viettel phải thông minh hơn. Để thông minh hơn thì phải đưa ra ngoài những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại. Người Viettel tập trung vào những việc mang tính sáng tạo, tạo ra nhiều giá trị mới.
Viettel phải nhẹ hơn để đi nhanh hơn. Phải bỏ đi những cái thừa, những cái không tạo ra giá trị. Bỏ đi những cuộc họp, những thủ tục giấy tờ, những báo cáo không hiệu quả.
Viettel phải hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đưa việc tính toán hiệu quả đầu tư, tạo ra dòng tiền, lợi nhuận vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mọi đơn vị.
Viettel phải tránh chủ nghĩa trung bình. Chủ nghĩa trung bình, muốn ổn định gần như là hệ quả tất yếu của các công ty sau khi thành công. Để luôn khác biệt và xuất sắc, Viettel phải tạo ra môi trường cho những người khác biệt và xuất sắc phát huy được hết năng lực. Viettel phải là nơi những khát vọng không bao giờ dừng lại.
Trong bài phát biểu tổng kết năm 2014, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra những lời đầy tâm huyết: “Năm 2014 đã làm cho chúng ta tin rằng Viettel có thể bắt đầu một vạch xuất phát mới, có thể khởi tạo một cuộc đua mới, có thể lấy lại tinh thần của những ngày đầu gian khó và có thể thành công tiếp”.
“Viettel đã từng không bị mắc kẹt trong nghèo nàn, khó khăn và thất bại để trở thành một công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, thì nay cũng sẽ không để bị mắc kẹt trong thành công để trở thành một công ty hàng đầu thế giới. Cách tốt nhất để thành công tiếp là xóa đi thành công của mình, là khởi tạo những chân trời mới, những thách thức mới, những nhìn thế giới khác đi, hãy nhìn viễn thông khác đi và hành động khác đi”, vị tướng doanh nhân chia sẻ khát vọng với 27.000 nhân viên dưới quyền.