Khóa thuê bao điện thoại, lo sợ mất tiền
Chiêu lừa khóa thuê bao điện thoại không phải là mới mà đã xuất hiện từ giữa năm 2022, các đối tượng nhắm việc khai thác tâm lý và nhắm vào vấn đề liên quan đến quyền lợi, luật pháp để tìm cách thu thập đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số CCCD... của chủ thuê bao nhằm vào mục đích lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Tái rộ chiêu trò cũ
Trong khoảng nửa đầu năm 2024, chiêu lừa đảo này bắt đầu tái rầm rộ trở lại, nhất là trong giai đoạn các nhà mạng có thông báo hướng dẫn khách hàng cập nhật, chuẩn hóa thông tin cho các thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia dân cư. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu lại “giở trò” lừa đảo các chủ thuê bao.
Cuộc gọi lừa đảo thông báo khóa thuê bao điện thoại không phải là chiêu trò mới nhưng tái diễn giữa lúc thuê bao điện thoại di động cần cập nhật thông tin cá nhân theo quy định trước ngày 31.3.
Sau 5 ngày thực hiện triển khai các giải pháp để bảo đảm thuê bao di động đầy đủ, chính xác, các nhà mạng cho biết cơ bản đã gửi tin nhắn đến các khách hàng cần cập nhật thông tin. Song song đó, các nhà mạng vẫn tiếp tục cảnh báo tình trạng cuộc gọi lừa đảo "khóa thuê bao di động".
Cụ thể, người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao và yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này, các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.
Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa sẽ khóa thuê bao di động và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Nếu thực hiện theo sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...
Chiêu lừa khóa thuê bao điện thoại này không phải là lần đầu xuất hiện. Giữa năm 2024, nhiều người dân tại TP. HCM đã nhận được các cuộc gọi giả mạo đe dọa số điện thoại sẽ bị khóa sau 1 giờ hay 2 giờ vì đã sử dụng nhắn tin rác, cuộc gọi rác. Để giải quyết, khách hàng cần liên hệ số 999. Nếu làm theo sẽ nhận được yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số CMND... để hỗ trợ kỹ thuật.
Các chuyên gia an ninh mạng khẳng định chiêu lừa đảo này không mới, nhưng trong bối cảnh nhà mạng thực hiện cập nhật thông tin khách hàng khiến người dùng rất khó phân biệt thật giả, dễ bị mắc lừa. Kẻ xấu thường khai thác tâm lý lo lắng và nhắm vào vấn đề liên quan đến quyền lợi, luật pháp nên càng khiến cho người dùng dễ hoảng sợ và làm theo kịch bản của kẻ lừa đảo.
Anh Lê Minh T. ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, sáng 28/9, anh nhận được cuộc gọi từ một người xưng là đại diện Cục Viễn thông yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao và phải cung cấp họ tên, số chứng minh nhân dân… nếu không thực hiện sẽ bị khóa SIM sau 2 tiếng nữa.
Chị Trần Mai H. ở Ba Đình (Hà Nội) cũng cho biết chị cũng bị một đối tượng xưng là nhân viên của mạng VinaPhone gọi điện đến yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, khi chị H. trả lời “lừa nhầm người rồi” thì đối tượng liền dập máy.
Những hành vi vì mục đích xấu
Cục Viễn thông, Bộ TT&TT khẳng định đây là những cuộc gọi lừa đảo để đánh cắp thông tin thuê bao dùng cho mục đích xấu. Thủ đoạn phổ biến là người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao. Sau đó đối tượng yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này các đối tượng lừa đảo tự nhận là người của Cục Viễn thông hoặc nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số CMND hoặc CCCD để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.
Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng sẽ đưa ra nhiều lời đe dọa về việc thuê bao sẽ bị khóa và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn.
Sau khi người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng mạo danh, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi... Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Chiêu thức lừa đảo này tuy không còn mới, tuy nhiên, vẫn nhiều nạn nhân mắc lừa bởi độ tinh vi của đối tượng. Thông thường chúng sẽ nhắm vào người trung niên, người cao tuổi thiếu cập nhật xu thế công nghệ, tin tức lừa đảo trên không gian mạng để dụ dỗ.
Vì thế trước vấn nạn này, đại diện các nhà mạng viễn thông khuyến nghị người dân nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng.
Người dân tuyệt đối không thực hiện theo các yêu cầu như truy cập đường link độc hại, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho các cuộc gọi lạ
Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Đối với các thuê bao đã bị khóa hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa và mở khóa liên lạc lại./.