Khởi nghiệp không phải là "công việc" dành cho tất cả mọi người

Thế Phương| 02/11/2022 08:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ bỏ vị trí sếp lớn ở những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Chứng khoán SSI, Savico... để khởi nghiệp ở tuổi U40, theo nhà sáng lập Tititada Nguyễn Thị Hương Giang, đây không phải là một quyết định dễ dàng.

Nhưng nếu không quyết định bước ra “vùng an toàn” thì sẽ mất đi cơ hội được trải nghiệm, được làm chủ cuộc đời mình. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải là một “công việc” dành cho tất cả mọi người, nên cần phải hiểu rõ mình cần gì, muốn gì, thế mạnh ở đâu, và chi phí cơ hội khi bắt đầu.//<![CDATA[//]]>//

Khởi nghiệp không phải là

Từ bỏ vị trí sếp lớn ở các doanh nghiệp lớn để khởi nghiệp ở tuổi U40 với ứng dụng Tititada, bà Nguyễn Thị Hương Giang mong muốn đóng góp một chút cho ngành đầu tư vẫn còn non trẻ của Việt Nam cũng như giúp các bạn trẻ đầu tư đúng cách và dài hạn.

Hành trình từ việc rời doanh nghiệp (DN) lớn để khởi nghiệp ở độ tuổi U40

Mới đây, ứng dụng đầu tư thông minh Tititada công bố hoàn thành huy động 1,5 triệu USD vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ Golden Gate Ventures - một quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Silicon Valey và có hơn 10 năm hoạt động tích cực ở Đông Nam Á. Đây cũng là đợt huy động vòng tiền hạt giống có quy mô lớn nhất của một quỹ mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ứng dụng đầu tư Tititada (Tích tiểu thành đại) ra mắt đầu năm 2022 và được thành lập bởi bà Nguyễn Thị Hương Giang, chuyên gia có gần 20 năm kinh nghiệm trong nhiều công ty, tập đoàn lớn về tài chính và đầu tư tại Việt Nam. Dễ dàng, thông minh và an toàn, nền tảng được thiết kế để giúp người dùng đạt được sự tự tin về tài chính, tự do tạo tương lai. Đây là một trong những nền tảng đầu tư vi mô đầu tiên tại Việt Nam đặt người tiêu dùng làm trung tâm.

Bà Giang từng có 8 năm làm việc tại VinaCapital và từng giữ vị trí Giám đốc khối ngân hàng đầu tư miền Nam tại Chứng khoán SSI. Nhà sáng lập Tititada từng là người trực tiếp tham gia tư vấn IPO và bán vốn cho hàng loạt tên tuổi lớn như Vinhomes, Vincom Retail, Novaland, Hdbank... Thậm chí, bà Giang từng làm Giám đốc đầu tư (Chief investment officer) cho Tập đoàn Sovico. Trong 2,5 năm làm việc tại Sovico, chị Giang đã hoàn thành nhiều giao dịch mua bán - sáp nhập và huy động vốn, với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, ở tuổi U40, bà bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp, với mong muốn sẽ xây dựng một ứng dụng đầu tư thông minh để đào tạo các nhà đầu tư trẻ. Lý giải về quyết định này, bà Giang khẳng định đã phải suy nghĩ rất nhiều. Sau khi đã “chinh chiến” trong ngành đầu tư gần 20 năm và may mắn tham gia nhiều giao dịch, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đến thời điểm này, nhà sáng lập Tititada khẳng định đã có thể bắt đầu một hành trình mới, dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình chia sẻ cho nhiều bạn trẻ hơn, đóng góp một chút cho ngành tài chính, đầu tư vẫn còn non trẻ của Việt Nam. “Tôi cũng mong muốn nhiều người trẻ tham gia đầu tư đúng cách và dài hạn hơn. Vì vậy mà tôi thành lập nền tảng đầu tư công nghệ Tititada để đào tạo các nhà đầu tư trẻ”, bà Giang nhấn mạnh.

Cũng theo bà Giang, khi phát triển sản phẩm, Tititada đã có không ít thuận lợi, đầu tiên là từ những kiến thức và kinh nghiệm của bà trong ngành đầu tư tại Việt Nam. Từ đó, bà Giang nhìn thấy những cơ hội cũng như nhận thức được các thách thức và hiểu được những bạn trẻ sẽ cần gì trước khi tham gia thị trường hay việc đầu tư sẽ dễ bị chi phối bởi những diễn biến ngắn hạn. Mặc dù vậy, sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn, như việc thành lập đội ngũ, từ CNTT đến vận hành, phát triển sản phẩm, marketing... “Do quy mô công ty còn nhỏ nên nhân sự là một phần vô cùng quan trọng, để có thể cùng chia sẻ tầm nhìn của công ty. Sau đó là liên tục phải tìm hiểu thị trường, xây dựng phần kiến thức đầu tư cho các nhà đầu tư mới. Hiện giờ, cả đội ngũ Tititada vẫn đang cố gắng mỗi ngày”, bà Giang khẳng định.

Dấu ấn lớn nhất của Tititada đến giai đoạn này chính là việc đã hoàn thành huy động vốn từ Golden Gate Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Silicon Valley và có hơn 10 năm hoạt động tích cực ở Đông Nam Á. Đây cũng là một sự khẳng định mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam nói chung và ngành tài chính, đầu tư nói riêng.

Lấy người dùng làm trọng tâm, giúp họ như đang giao tiếp với chuyên gia tài chính

Cũng theo người sáng lập Tititada, tiềm năng của thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam còn rất lớn, với một nền tảng dân số trẻ và tỉ lệ tham gia đầu tư còn thấp. Khi mà theo thống kê của Tititada cho thấy, so với các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực như Thái Lan (27,5%), Singapore (32%) hay Đài Loan (50%), con số này ở nước ta hiện chỉ khoảng hơn 5% (theo số liệu của Trung tâm ký Lưu ký chứng khoán).

Khi được hỏi việc ra đời muộn hơn những ứng dụng đầu tư khác có khiến Tititada gặp bất lợi trong việc thuyết phục khách hàng hay không, bà Giang cho rằng, trên thị trường hiện nay chỉ có một số lượng nhỏ người tham gia đầu tư đúng cách – đó là những người đầu tư dài hạn hoặc gắn liền với một mục tiêu tài chính nào đó trong ngắn/dài hạn. Lo ngại nhất vẫn là những nhà đầu tư FOMO (Fear Of Missing Out - hiệu ứng tâm lý mà những người mang nó thường sợ bỏ lỡ mất cơ hội) vì khi thị trường có biến động như trong những ngày gần đây thì có thể tâm lý họ sẽ bị hoang mang và mất tiền nhiều.

Chình vì vậy, dù ra đời sau nhưng Tititada được thiết kế lấy người dùng làm trọng tâm, mong muốn đem lại một trải nghiệm sử dụng rành mạch, đơn giản, cá nhân hóa, cho phép khách hàng tương tác một cách thân thiện như đang giao tiếp với chuyên gia tài chính thực thụ. Tích hợp ngay bên trong ứng dụng còn có thư viện kiến thức về đầu tư và quản lý tài chính cá nhân, những cập nhật thị trường hữu ích. Điều này giúp cho người chưa từng tham gia thị trường chứng khoán có thể bắt đầu hành trình đầu tư dễ dàng, tích lũy từ từ với số tiền nhỏ, đúng tinh thần tích tiểu thành đại của người Việt.

Khởi nghiệp không phải là

Ứng dụng Tititada vừa huy động vòng tiền hạt giống có quy mô lớn nhất của một quỹ mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo nhà sáng lập Tititada, khởi nghiệp không phải xu hướng thời thượng và dành cho tất cả mọi người.

Về những điểm khác biệt so với đối thủ, bà Giang cho rằng, Tititada thường ít so sánh với những sản phẩm khác mà cố gắng làm tốt nhất có thể trong năng lực của mình. Đội ngũ phát triển tập trung vào tìm hiểu và học hỏi từ chính nhu cầu của khách hàng là các nhà đầu tư, để ra mắt những tính năng và sản phẩm phù hợp nhất. “Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn, và việc hình thành tích lũy đầu tư phải như một kỹ năng sống chứ không phải đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn. Tititada mong muốn có thể đào tạo cho các bạn trẻ thêm kiến thức để có thể chuẩn bị cho hành trình đầu tư. Việc đầu tư có thể bắt đầu từ bất cứ lúc nào và bất kì ai cũng có thể tham gia”, bà Giang nói.

Ước mơ không có tuổi và khởi nghiệp cũng vậy

Trước câu hỏi khởi nghiệp ở độ tuổi U40 có phải là rào cản so với các nhà sáng lập khác ở thị trường Việt Nam hay không, bà Giang khẳng định: “Ước mơ không có tuổi, khởi nghiệp cũng vậy, nhất là khi làm việc mình thích và tạo ra giá trị cho xã hội. Do dân số Việt Nam ở độ tuổi khá trẻ, tinh thần khởi nghiệp cao nên U40 là hơi có tuổi hay đứng tuổi. Nhưng ở nhiều nước trên thế giới, không ít nhà sáng lập startup bắt đầu khởi nghiệp ở độ tuổi lớn hơn”, bà Giang cho biết thêm.

Về những ưu điểm ở độ tuổi này, theo bà Giang, mặc dù không có sức trẻ như các nhà sáng lập trẻ nhưng bù lại ở sự khéo léo, kinh nghiệm xử lý vấn đề. Đồng thời, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần cổ vũ cho nhà sáng lập Tititada trong quá trình khởi nghiệp đầy vất vả và chông gai này. “Nếu những người như tôi có kinh nghiệm hơn thì các bạn trẻ khởi nghiệp lại có nhiều thời gian vì chưa vướng bận gia đình. Vì vậy, thuận lợi và khó khăn khi khởi nghiệp cũng đều tương đối giống nhau”, bà Giang chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Giang nhấn mạnh, khởi nghiệp không phải là một “công việc” dành cho tất cả mọi người. Vì vậy, cần phải hiểu rõ mình cần gì, muốn gì, thế mạnh mình ở đâu, và chi phí cơ hội của mình là gì khi bắt đầu bất kỳ công việc nào. Nếu mọi người hay nói là tuổi trẻ không có gì để mất, nên cứ mạnh dạn khởi nghiệp thì những người ở độ tuổi U40 cũng vậy, nếu không làm thì sẽ mất cơ hội được trải nghiệm.

Ngoài ra, khi khởi nghiệp ở Việt Nam, cả nam giới và nữ giới đều giống nhau, không có sự khác biệt. Khó khăn chủ yếu đến từ việc tìm kiếm nhân sự phù hợp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển được sản phẩm tốt cho người dùng cũng như có được một mô hình kinh doanh bền vững.

Mặc dù vậy, nhà sáng lập của Tititada cũng khẳng định, quãng thời gian khởi nghiệp vừa qua vất vả hơn so với việc đi làm ở những doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhưng rất vui vì cộng tác với nhiều bạn trẻ tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng. Về sự khác biệt giữa 2 môi trường, nếu như ở công ty khởi nghiệp, cơ cấu khá ít cấp bậc nên việc quyết định nhanh hơn. Điều này dẫn đến các quyết định dễ sai hơn nhưng việc sửa sai cũng khá nhanh chóng. Còn với môi trường doanh nghiệp, tập đoàn lớn, việc ra quyết định sẽ cần nhiều thời gian hơn. “Không có môi trường nào thuận lợi hay khó khăn hơn. Lãnh đạo cấp cao của những tập đoàn lớn công việc cũng áp lực và cũng phải làm rất nhiều tiếng một ngày. Nhưng cũng có công việc ở tập đoàn lớn ổn định và nhàn hơn so với khởi nghiệp”, bà Giang nói.

Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người muốn gì, thích gì và công việc có phù hợp với mình hay không, vì có những người muốn an nhàn nhưng lại có người muốn có những trải nghiệm khác biệt trong cuộc sống.

Về lời khuyên cho nữ giới khi khởi nghiệp, theo bà Giang, các bạn hãy luôn dũng cảm theo đuổi những gì mình thích, những gì bản thân tin là sẽ đem lại giá trị cho xã hội. Nhưng hãy theo đuổi nó một cách lý trí, tức là hiểu những gì mình đang làm, phân tích được những rủi ro có thể có cho gia đình, phân tích được chi phí cơ hội khi chọn hành trình này. Đồng thời hiểu được những khó khăn trong hành trình trước mắt và đánh giá được năng lực cảm xúc cá nhân có thể trải qua những thăng trầm hay không.

“Khởi nghiệp không phải xu hướng thời thượng cũng như FOMO không phải là đầu tư dài hạn”, bà Giang kết luận.

Đồng thời, không có một nguyên tắc chung cho nữ giới khi khởi nghiệp nên không có sự phân chia ngành nào phù hợp với các nhà sáng lập nam, ngành nào dành riêng cho các nhà sáng lập nữ. Tùy thuộc vào từng cá nhân, năng lực và kiến thức lõi của mỗi người mà hãy khởi nghiệp lĩnh vực đó, để có thể làm tốt nhất, tạo ra đột phá.

Đánh giá môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như việc thúc đẩy các sản phẩm Make in Viet Nam hiện nay, bà Giang cho biết đã gặp nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ đều khen về tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam, đầy nhiệt huyết, đầy sáng tạo. Nhưng các nhà đầu tư cũng khẳng định, nhiều khi ưu điểm cũng chính là khuyết điểm, tinh thần khởi nghiệp cao quá, cái gì cũng muốn làm nên không có sự tập trung, thay vì làm một sản phẩm/tính năng 9,5 điểm hoặc thậm chí 10 điểm. Thay vào đó, lại làm ra thật nhiều chức năng, nhưng mỗi thứ lại chỉ được 6 hoặc 7 điểm hay thậm chí chỉ 2, 3 điểm.

“Tôi nghĩ 7 điểm với 9.5 điểm, dù chỉ chênh nhau 25% nhưng trong một thế giới phẳng, trong một môi trường cạnh tranh, chỉ có những gì tốt nhất mới có khả năng cạnh tranh và tồn tại”, bà Giang khẳng định.

Về những kiến nghị với cơ quan quản lý, nhà sáng lập Tititada hi vọng Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ với các doanh nghiệp khởi nghiệp, để họ có nguồn lực tốt hơn để tập trung sáng tạo và tạo ra giá trị./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp không phải là "công việc" dành cho tất cả mọi người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO