Khởi nghiệp trong lòng DN: cơ hội thành công cao hơn 3 - 5 lần
Theo đại diện FPT, việc hỗ trợ sản phẩm theo từng giai đoạn khác nhau cũng như giúp các nhà sáng lập tập trung 100% vào sản phẩm sẽ giúp các startup trong lòng FPT có cơ hội thành công cao hơn 3 - 5 lần so với việc khởi nghiệp bên ngoài.
Biến ý tưởng thành sản phẩm để không lãng phí chất xám
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT chia sẻ, Tập đoàn FPT luôn nuôi giấc mơ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngay từ ngày đầu thành lập. Để có được những startup trong lòng FPT cần đi qua hành trình gồm 4 giai đoạn: Ý tưởng, thử nghiệm, phát triển, trưởng thành.
Những con số đáng chú ý tại FPT về khởi nghiệp và ĐMST được ông Vũ Anh Tú nhắc đến gồm: 4.000 ý tưởng, 350 tỷ đồng đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp. Một số sản phẩm Made by FPT sở hữu cộng đồng khách hàng ấn tượng. Có thể kể tới nền tảng FPT AI với hơn 200 triệu người dùng cuối. Hơn 2.000 khách hàng sử dụng akaBot của FPT tại hơn 20 quốc gia. Nền tảng Base.vn sở hữu hơn 7.000 khách hàng.
“FPT có thể phát triển vượt bậc, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu chính là nhờ tinh thần khởi nghiệp đã trui rèn con người FPT gần 35 năm qua”, ông Tú nhấn mạnh.
Trong đó, FPT Software là cái nôi tạo ra hàng loạt sản phẩm giải pháp tên tuổi lọt top các bảng xếp hạng uy tín thế giới cũng như lọt danh sách “Make in Việt Nam” như akaBot, akaChain, CodeLearn, akaMes, akaAT… Những sản phẩm này ra đời từ chính sách hỗ trợ Intrapreneurship (khởi nghiệp trong lòng DN) do FPT Software khởi xướng từ năm 2019. Người tạo thách thức nhưng cũng dành mọi tâm huyết ươm mầm cho loạt giải pháp Chủ tịch FPT Information System (FIS) Trần Đăng Hoà tại thời điểm ông còn là Phó Tổng giám đốc FPT Software. Hơn 20 năm qua, đội ngũ nhân sự của FPT Software luôn bật lên trong đầu những ý tưởng sáng tạo, cải thiện công việc cũng như năng lực công nghệ.
"Nếu bỏ qua cơ hội biến ý tưởng thành sản phẩm, chúng tôi sẽ lãng phí chính chất xám của mình", ông Hòa nói. Đây cũng là lý do FPT Software quyết định gây dựng vườn ươm công nghệ - môi trường khởi nghiệp trong lòng DN - cho đội ngũ của mình.
Trong 18 năm làm việc tại FPT Software, ông Hoà đã nhiều lần chứng kiến nhiều đồng nghiệp đề nghị rời công ty vì muốn tạo ra sản phẩm riêng. "Để rồi, chúng tôi phải lựa chọn giữa tạo cơ hội để họ đề xuất, biến ý tưởng công nghệ của mình thành hiện thực hoặc để họ ra đi. Khởi nghiệp trong công ty là cách chúng tôi tạo thách thức và động lực giúp nhân sự sáng tạo hơn nữa trong sân chơi công nghệ", ông Hòa bày tỏ.
Đó chính là bước khởi đầu tạo nên văn hóa làm việc độc đáo của công ty công nghệ này, nhằm nuôi dưỡng sự nhiệt huyết, máu lửa trong DN. Để kiến tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi, FPT Software tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ đầy đủ từ quy trình, nhân sự, thị trường, tài chính… để đội ngũ chỉ cần tập trung làm sản phẩm - điều tiên quyết ở giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Nhiều lợi thế startup có được khi bắt tay với FPT
Nói về “giấc mơ công nghệ trong lòng FPT”, ông Hoà cho biết, ở đơn vị này có 3 làn sóng kỳ lân: FPT là kỳ lân đầu tiên, khi hiện tại đang là công ty có giá trị vốn hóa gần 4 tỷ USD với hàng trăm trụ sở ở khắp nơi trên thế giới; FPT tạo nên những kỳ lân thế hệ tiếp theo là các công ty trong các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, viễn thông như FPT Software, FPT IS, FPT Telecom, FPT Education…
“Tôi tin tưởng vào làn sóng kỳ lân thứ ba chính là sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh để từ đó hình thành hàng trăm kỳ lân trong tương lai. Đây cũng là lời mời của FPT đến các đối tác, các bạn công nghệ để cùng nhau tạo ra những kỳ lân tiếp theo cho Việt Nam”, ông Hoà nhận định.
Cũng theo ông Hoà, một trong công ty được kỳ vọng sẽ trở thành kỳ lân của làn sóng thứ ba trong FPT là FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch trực thuộc FPT Software. Dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế đã được công ty ra mắt vào tháng 9/2022. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
“FPT Semiconductor đã có đơn đặt hàng 25 triệu con chip trong năm 2023”, ông Hoà cho biết thêm.
Về lý do FPT quyết định cho ra đời FPT Semiconductor, ông Hoà cho rằng, trong số gần 100 triệu người Việt Nam, luôn có những kỹ sư giỏi làm được những sản phẩm có quy mô quốc tế nhưng lại thiếu môi trường, khách hàng và sự hỗ trợ. Vì vậy, FPT sẽ là đơn vị chắp cánh để hỗ trợ những điều này. Đội ngũ của FPT Semiconductor đều là những kỹ sư từng làm việc tại những DN nước ngoài và có khao khát một ngày nào đó sẽ làm ra được một con chip “Make in Vietnam”, thậm chí có thể bán được nó. Điều may mắn là năm 2022 là quãng thời gian khủng hoảng về chip nên FPT Semiconductor đã tận dụng lợi thế này để cho ra mắt sản phẩm của mình.
“Giấc mơ trong 8 năm từ việc gia công phần mềm cho các sản phẩm nước ngoài, tự sản xuất và khi thời cơ đến thì chúng tôi đã thành lập luôn công ty FPT Semiconductor”, ông Hoà chia sẻ thêm.
Ông Hoà cũng khẳng định, FPT Semiconductor chỉ là một trong số hàng trăm những sản phẩm của các startup trong lòng FPT. Khi mà công nghệ và kinh doanh hoà làm một thì cơ hội trở thành “kỳ lân” sẽ xảy ra trong tất cả các lĩnh vực, từ mua sắm, học hành, giải trí cho đến xã hội số, tương lai số.
FPT không làm sản phẩm một cách ngẫu hứng mà có khung mẫu (framework) để giúp các DN, các startup có thể thành công với tỷ lệ cao nhất, gấp vài lần so với bình thường bằng cách hỗ trợ theo từng giai đoạn. Bởi vì, vấn đề của startup là ngoài sản phẩm còn phải làm nhiều việc khác nhau như bán hàng, quản trị, nhân sự, marketing… mà không phải việc nào các nhà sáng lập cũng giỏi. Do đó, với mô hình của FPT, các nhà sáng lập có thể tập trung 100% vào việc xây dựng sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ ươm mầm và tăng tốc bằng cách hỗ trợ, từ sơ sở vật chất, tài chính cũng như cố vấn chuyên môn, marketing và nhân lực phát triển”, ông Hoà nói thêm.
Ngoài ra, FPT có những khách hàng thường xuyên sẵn sàng cùng xây dựng sản phẩm thông qua việc sử dụng giải pháp. Đó là điều giúp cho các sản phẩm startup trong lòng FPT có cơ hội thành công cao hơn 3 - 5 lần so với việc phải tự khởi nghiệp thực tế bên ngoài.
Chia sẻ về lợi thế của FPT trong việc hỗ trợ startup, theo ông Hoà, đầu tiên là việc công ty luôn tiến bước vào những lĩnh vực mới nhất trong công nghệ và sẵn sàng đồng hành cùng startup.
Tiếp theo, FPT đang có một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tiện cận được đến ½ dân số Việt Nam.
Cuối cùng, FPT có mạng lưới trên toàn cầu với 40 quốc gia. Khi các sản phẩm đứng vững tại Việt Nam thì sẽ có cơ hội vươn tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, để hình thành ý tưởng từ DNA sáng tạo, chất công nghệ có sẵn trong mỗi thành viên công ty, FPT sẵn sàng lắng nghe và thực hiện những ý tưởng hay thông qua các chương trình khuyến khích sáng tạo nội bộ như chương trình iKhien - Chương trình nhằm tôn vinh những sáng tạo của các nhân viên. Đây đều là những sản phẩm tiềm năng trong tương lai.
Từ đó, FPT đã có những sản phẩm, giải pháp vượt trội như FPT.AI với 200 triệu lượt sử dụng. Thậm chí, có những sản phẩm mất 8 năm để hình thành, có những sản phẩm chỉ mất 1 năm như Akaverse - sản phẩm được ra đời trong bối cảnh Tổng giám đốc của những khách hàng đối tác bên Nhật Bản không thể đến các nước để phát biểu.
Thông qua các chương trình hỗ trợ startup nội bộ và thu hút các công ty khởi nghiệp bên ngoài trở thành những kỳ lân trong tương lai, đội ngũ lãnh đạo kỳ vọng không chỉ 60.000 nhân sự của FPT được hỗ trợ, kích thích sáng tạo mà 100 triệu người Việt Nam cũng có thể có được cơ hội này. Đồng thời mong muốn mua bán và sáp nhập (M&A) với các nguồn lực bên ngoài như thương vụ với Base.vn
Ông Hoà cho rằng, Việt Nam đang sở hữu nhiều cơ hội để bắt đầu khi có rất nhiều dư địa với nền kinh tế số mới, tiếp bước những thành công của MoMo, VNLIFE, Sky Mavis, VNG…, nhất là trong bối cảnh đang có những chính sách của cơ quan quản lý để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các ý tưởng sáng tạo. Khi mọi thứ bắt đầu bằng số 0, các DN công nghệ số sẽ có hàng trăm, hàng nghìn lần tăng trưởng.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất với một giải pháp, nền tảng ra đời là phải được thị trường và người dùng chấp nhận. Thế mạnh lớn nhất của các giải pháp ứng dụng "Make in Viet Nam" là trực tiếp trả lời các câu hỏi, giải quyết các bài toán đang đặt ra của thị trường, của DN./.